Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao
Năm 2001, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cô Triệu Thị Thu Hương theo học lớp nghiệp vụ sư phạm để trở về phục vụ quê hương Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nơi cô đã sinh ra và lớn lên. Ngôi trường đầu tiên cô nhận công tác là trường THCS xã Đại Phác.
Những năm đầu đứng trên bục giảng cô giáo Hương tràn đầy nhiệt huyết, hăng say, tận tuỵ với công việc, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua của ngành, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, cô vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2004.
Năm 2007 theo sự phân công của tổ chức cô giáo Triệu Thị Thu Hương chuyển công tác về Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS huyện Văn Yên. Từ năm 2007 đến năm 2020 cô trải qua nhiều vị trí như: Tổ trưởng chuyên môn, Phó Hiệu trưởng - Chủ tịch công đoàn rồi Hiệu trưởng nhà trường.
Dù ở cương vị công tác nào cô Hương cũng luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn được đồng nghiệp tín nhiệm, học trò yêu quý. Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, cô luôn gương mẫu, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, sắp xếp công việc một cách khoa học, đạt hiệu quả cao.
Trong công việc cô luôn có sự quan sát, biết lắng nghe và không ngừng học hỏi để đưa chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của nhà trường ngày càng được nâng cao, xứng đáng với niềm tin của các cấp lãnh đạo và bà con các dân tộc vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện Văn Yên.
Với quan niệm: “Thầy giỏi mới có trò giỏi”, “Thầy tốt mới dạy trò ngoan”, cô Hương luôn tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức và triển khai có hiệu quả các cuộc vận động của ngành, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với công tác dạy và học.
Cô hiệu trưởng đã chỉ đạo chuyên môn nhà trường tổ chức cuộc thi làm đồ dùng dạy học trong các tổ chuyên môn nhằm tạo cho giáo viên có môi trường để thể hiện sự sáng tạo của mình và cũng giúp cho giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, học sinh hứng thú học tập, phát huy các năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của từng môn học.
Phong trào thi làm đồ dùng dạy học giữa các tổ nhóm, chuyên môn thường xuyên được nhà trường duy trì trong các năm học. Ngay cả trong thời điểm dịch bệnh, các thầy cô vẫn say sưa với chuyên môn cùng nhau tạo ra các sản phẩm đồ dùng dạy học đảm bảo chất lượng vừa mang tính giáo dục, giá trị sử dụng cao, lại vừa có tính thẩm mỹ.
Học sinh Trường PTDTNT THCS huyện Văn Yên, Yên Bái. |
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Trong quá trình hội nhập, phát triển, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với mỗi cộng đồng, địa phương. Trước thực tế đó, tỉnh Yên Bái thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, cô và các thầy cô trong trường đã xây dựng các kế hoạch dạy dạy học lồng ghép các nội dung giáo dục bản sắc văn hoá dân tộc trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm. Nhà trường còn giáo dục học sinh tinh thần tự hào dân tộc thông qua việc duy trì mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ 2 hàng tuần và mặc vào các dịp sinh hoạt tập thể.
Để tạo cho học sinh các sân chơi bổ ích, giúp các em yêu trường lớp, cô hiệu trưởng Triệu Thị Thu Hương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi như: Thi trang trí sách nhân ngày sách Việt Nam, thi biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Thành lập Quân đội Nhân dân, ngày thành lập Đảng 3/2...
Các hoạt động chuyên môn, hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm sáng tạo đã tạo cho các em học sinh có sân chơi bổ ích, thêm yêu trường lớp, có cuộc sống tinh thần vui vẻ, lành mạnh khi phải sống xa gia đình.
Trong công tác quản lý, cô thường xuyên giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân, các bộ phận, kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ theo từng thời điểm cụ thể và kịp thời đưa ra các giải pháp thực hiện thành công các nhiệm vụ của các bộ phận. Nhờ đó chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà của trường ngày càng được nâng cao.
Với bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm công tác, nhưng cô Triệu Thị Thu Hương vẫn thường xuyên tự học, tự rèn để nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên đeo bám trong chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của nhà trường nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.