Cô giáo vùng cao vào rừng, lên nương vận động trò tới trường

Duy trì sĩ số học sinh vùng DTTS và miền núi tới trường.
Duy trì sĩ số học sinh vùng DTTS và miền núi tới trường.

GD&TĐ - Để góp phần hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97% vào năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, thì công tác vận động học sinh đến lớp ở địa bàn đặc biệt khó khăn càng được chú trọng quan tâm."

Đảm bảo duy trì sĩ số

Là xã biên giới khó khăn của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, xã Bạch Đích có cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều gian nan, vất vả. Tại nhiều thôn bản, học sinh phải đi bộ hàng chục cây số đến trường. Năm học mới đang đến gần, để đảm bảo duy trì sĩ số, công tác huy động học sinh của nhà trường gặp không ít khó khăn.

Thầy Giàng Văn Quân, Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang cho biết: "Năm học 2023 – 2024, trường có 8 lớp với 272 học sinh, trong đó sẽ đón khoảng 60 em là đầu cấp lớp 6. Việc chuyển cấp là điều mới mẻ nên các em học sinh và phụ huynh còn nhiều bỡ ngỡ.

Để ổn định số lượng học sinh đầu cấp cũng như các lớp học khác, ngay khi kết thúc kỳ nghỉ hè và có thông báo về lịch tựu trường, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo, phân công toàn thể giáo viên chủ nhiệm thông báo tới học sinh và phụ huynh thời gian đến nhận lớp và thực học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản thông báo cụ thể thời gian cũng như các hoạt động của nhà trường để thuận tiện nhất cho việc tuyên truyền, vận động các em học sinh đến trường".

Công tác vận động học sinh mang lại hiệu quả tích cực

Tại trường Mầm non Quảng Chu, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, năm học 2023 – 2024, trường có tổng số 11 lớp với 224 học sinh, trường sẽ dự kiến đón khoảng 67 học sinh ra lớp, trong đó tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 95%.

Cô giáo Nguyễn Thị Huế, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Những năm trước đây, để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học hoặc đến trường muộn, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các thầy, cô giáo thực hiện việc tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với với chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể đến từng hộ gia đình vận động học sinh đến lớp.

Cùng với đó, nhà trường cũng xây dựng kế hoạch học tập, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ để tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho các em. Vì vậy công tác vận động đã có nhiều hiệu quả tích cực những năm học gần đây tỷ lệ huy động học sinh ra lớp luôn đạt 100%.

Tỷ lệ huy động trẻ đến trường tại trường mầm non xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới luôn duy trì 100%.

Tỷ lệ huy động trẻ đến trường tại trường mầm non xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới luôn duy trì 100%.

Cũng theo cô Huế, quan điểm của nhà trường là việc vận động học sinh ra lớp là công việc, trách nhiệm của người giáo viên. Nếu không có học sinh đến lớp thì giáo viên không thể đứng lớp được. Bằng mọi cách, mọi hình thức, giáo viên và nhà trường phải vận động học sinh ra lớp học, duy trì tỷ lệ chuyên cần.

Với các em thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, nhà trường vận động phụ huynh bằng việc hỗ trợ học sinh về đồ dùng học tập, quần áo và cả bữa ăn. Dẫu biết rằng sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao này còn gian nan vất vả nhưng vì học sinh thân yêu, vì tình yêu với nghề, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức.

Là người đã có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với học sinh dân tộc tại các thôn bản, cô giáo Đinh Thị Nhài, Trường mầm non xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Học sinh ở đây chủ yếu là đồng bào Mông, cuộc sống gia đình các em còn nhiều khó khăn nên hầu như việc học, phụ huynh đều chưa dành nhiều sự quan tâm.

Sau mỗi dịp nghỉ lễ, Tết hay nghỉ hè, tâm lý các em là không chịu đến lớp nên cô giáo phải đến tận nơi để vận động các em đến lớp. Có những lần các em theo bố mẹ vào rừng, lên nương thầy cô cũng phải lên tận nơi khuyên bảo rồi đưa các em trở lại trường. Tuy gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng chỉ cần nhìn thấy học trò đến lớp, tiến bộ lên mỗi ngày đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của các cô giáo cắm bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.