Cô hiệu phó 33 năm nhiệt huyết với phấn trắng bảng đen

GD&TĐ - 33 năm công tác, cô Đào Thị Hoa, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng luôn nhiệt huyết đam mê với nghề cầm phấn.

Cô Hoa (áo Hồng) luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh và cống hiến hết mình vì tập thể Nhà trường.
Cô Hoa (áo Hồng) luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh và cống hiến hết mình vì tập thể Nhà trường.

Đam mê

Vào nghề từ năm 1989, đến nay đã 33 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nhưng ngọn lửa đam mê với nghề "phấn trắng, bảng đen" vẫn thôi thúc trong tim Nhà giáo Đào Thị Hoa. Còn một thời gian ngắn công tác trong ngành nhưng cô Hoa luôn tích cực trao truyền và dành những điều quý giá, tốt đẹp nhất cho học sinh, phụ huynh, nhà trường nơi cô công tác.

Cô Hoa kể: Yêu nghề dạy học, cô đã chọn gắn bó với những trang giáo án. Vào nghề năm 1989, 33 năm công tác trong ngành giáo dục quận Hồng Bàng cô chưa bao giờ nguôi ngoai tình yêu với nghề.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành, cô Hoa ra trường và công tác tại Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Hồng Bàng. 25 năm công tác tại đây, cô Hoa trải qua nhiều vị trí khác nhau. Cô là giáo viên, Bí thư đoàn, Chủ tịch Công đoàn, Phó hiệu trưởng nhà trường. Thời gian ở Trường THCS Nguyễn Trãi là quãng thời gian cô Hoa được "toả sáng", sống hết mình với đam mê. Cô đã dành cả thanh xuân để "cháy" với nghề. Nhiều dấu ấn thành tích trong 25 năm giảng dạy, quản lý cô Hoa được đồng nghiệp nể phục, học sinh yêu quý, nhà trường và lãnh đạo ngành ghi nhận.

Cô Hoa luôn yêu thương học trò bằng cả tấm lòng và trái tim nhân hậu của nhà giáo.

Cô Hoa luôn yêu thương học trò bằng cả tấm lòng và trái tim nhân hậu của nhà giáo.

Cô Nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cấp quận, thành phố, quốc gia. Cô đạt danh hiệu: Giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố, Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền. Dù ở cương vị nào cô Hoa luôn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 2014, cô được chuyển về công tác tại Phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng với cương vị Phó trưởng phòng Phòng GD&ĐT quận. Đến tháng 10 năm 2016, cô về công tác tại Trường THCS Bạch Đằng, giữ chức vụ Phó bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng nhà trường đến nay.

Cô Ngô Thị Thuỷ Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng chia sẻ: Là hiệu phó phụ trách chuyên môn, cô Hoa say sưa với những tiết dạy, với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Đặc biệt, cô đam mê trao truyền kiến thức, chú trọng công tác giáo dục học sinh. Học sinh Trường THCS Bạch Đằng luôn chăm ngoan. Năm học vừa qua, Trường có 100% xếp hạnh kiểm khá, tốt; trên 48% học sinh xếp học lực giỏi, học sinh khá là 31,36%.

Trong số 110 học sinh khối 6 xếp loại học lực Tốt có 24 học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, 86 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Điểm trung bình 3 môn thi vào lớp 10 của nhà trường đạt đạt 8,02, đứng thứ 6/197 trường THCS toàn thành phố, vượt 6 bậc so với chỉ tiêu UBND quận, Phòng GD&ĐT giao. Đặc biệt, Trường có học sinh đỗ thủ khoa, á khoa Trường THPT Hồng Bàng.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của cô Hoa, công tác công tác học sinh giỏi có sự chuyển biến cả về lượng và chất, thành tích đạt được năm sau cao hơn năm trước, khẳng định vị trí tốp đầu của quận. Toàn trường đoạt 133 giải học sinh giỏi các cấp, trong đó: Cấp quận 30 giải, cấp thành phố 4 giải, 99 giải học sinh giỏi Toán bằng tiếng Anh hội nhập khu vực quốc gia và quốc tế. Trong đó 63 giải quốc gia (53 huy chương Vàng, 6 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng, 1 giải khuyến khích), 36 giải quốc tế (05 huy chương Bạc, 14 huy chương đồng, 17 giải khuyến khích).

Cô bồi dưỡng Học sinh giỏi thi đạt 12 giải trong kỳ thi học sinh giỏi Toán bằng tiếng Anh hội nhập quốc gia và quốc tế.

Cô Hoa cùng học trò.

Cô Hoa cùng học trò.

Yêu nghề

Cô Hoa trải lòng: "Từ khi chập chững, bỡ ngỡ vào nghề đến nay trải qua hơn 30 năm trong nghề, tôi có rất nhiều kỷ niệm, vui có buồn có.

Còn nhớ năm học 2011-2012, tôi chủ nhiệm lớp có một cậu học trò nhỏ tên Hoàng là con cháu của của người quen. Hoàng nhỏ nhắn, tinh nhanh, học giỏi, thông minh nhưng thiếu thân thiện, đoàn kết.

Một hôm, có học sinh báo cáo với tôi bạn Hoàng đã có hành động làm mất vệ sinh bình nước uống tinh khiết của lớp, dù bình đã hết nước đang chờ nhà cung cấp thu lại để đóng nước mới.

Là giáo viên chủ nhiệm, trong buổi sinh hoạt lớp ngày thứ 7, tôi đã cho tất cả học sinh viết giấy nhận xét kín trên giấy để đánh giá Hoàng về tinh thần thái độ học tập, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, ý thức giữ gìn vệ sinh ....

Sau khi thu lại, tôi đã đọc công khai tất cả các ý kiến nhận xét của các bạn trong lớp cho cả lớp cùng nghe. Các em học sinh rất thẳng thắn phản ánh bạn Hoàng: Học giỏi, thông minh, nhanh nhẹn nhưng hay bắt nạt bạn, gây mất đoàn kết.

Đặc biệt, có em kể chi tiết bạn Hoàng còn nói tục, chửi bậy khi đi ngoài đường, làm bẩn bình nước uống. Thoạt đầu, Hoàng cho rằng nhận xét của các bạn không đúng. Tôi đã giảng giải về những lời nhận xét của bạn dành cho cậu học trò tinh nghịch này, Hoàng có phần tĩnh lại.

Thời gian sau đó, tôi đã tìm hiểu nhiều hơn về Hoàng từ bạn bè để biết rõ hơn về tính cách của trò. Khi nói chuyện với ông ngoại của Hoàng, tôi biết em là con một của gia đình, thường giao lưu với các anh chị lớn tuổi hơn và hay học đòi.

Tôi đã mời phụ huynh đến để trao đổi tình hình học tập và ý thức kỷ luật của học sinh Hoàng. Khi phụ huynh xem xong các bản nhận xét của bạn cùng lớp về con mình, họ cũng sững sờ. Lúc đó, tôi đã tư vấn để phụ huynh nghiêm khắc với con hơn, không nên cưng chiều quá mức và lặng lẽ theo sát con trong quá trình đi học.

Sau mấy ngày, phụ huynh gặp lại và cảm ơn cô vì sự trao đổi kịp thời, phụ huynh đã phát hiện và mong cô cùng giúp đỡ để giáo dục cháu. Từ khi gia đình Hoàng hiểu và hợp tác với cô, Hoàng đã hoà đồng hơn với bạn, biết lắng nghe, chia sẻ.

Tôi luôn trao đổi với phụ huynh, việc quan tâm chăm lo giáo dục các em không chỉ cho con ăn ngon, mặc đẹp, điểm số bài thi cao mà phải chú ý giáo dục nhân cách cho trẻ, luôn hướng thiện và sống thật với bản thân.

Đến nay, cậu học trò năm xưa đã học xong đại học, đi làm. Hàng năm, lớp học trò ấy vẫn thường đến thăm cô, vẫn nhắc lại chuyện xưa rồi cười vui. Một thời học trò ngây ngô đã qua với những kỷ niệm đáng nhớ và luôn trân quý tình bạn, tình thầy trò ấm áp, yêu thương".

33 năm cống hiến cho nghề giáo, cô Hoa luôn nhiệt huyết, đam mê.

33 năm cống hiến cho nghề giáo, cô Hoa luôn nhiệt huyết, đam mê.

Nói về nghề giáo , cô Hoa cho rằng nghề dạy học là cả một nghệ thuật. Người thầy phải vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vừa phải linh hoạt trong giao tiếp ứng xử sư phạm trong dạy học và cuộc sống. Có khả năng khích lệ, động viên học sinh tham gia tích cực các hoạt động, học tập tự giác, chuyên cần và hướng thiện.

Đồng thời, người thầy cần phải giúp đỡ, hướng dẫn phụ huynh học sinh quan tâm, theo dõi quá trình phát triển của con không chỉ trong học tập mà cả trong các hoạt động khác (ở nhà, ở trường, ở ngoài xã hội ...) để phối hợp tốt trong công tác giáo dục toàn diện học sinh.

Bên cạnh đó, người thầy phải được sự đồng thuận quan điểm trong công tác giáo dục của phụ huynh với học sinh sẽ giúp giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục của mình nhằm hình thành nhân cách và phát triển năng lực phẩm chất của học sinh. Bằng sự tận tâm, yêu nghề, chắc chắn người thầy giáo sẽ nhận được nhiều sự tin yêu, quý trọng của các thế hệ nhà giáo, phụ huynh học sinh và học sinh, chính quyền và nhân dân.

Các hình thức khen thưởng cô Hoa đã nhận được: Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua: “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà” giai đoạn 2005-2009, 2010-2015; Giấy khen đạt danh hiệu Đảng viên xuất sắc tiêu biểu năm 2020; Bồi dưỡng Học sinh giỏi thi đạt giải; Giấy khen đạt danh hiệu Đảng viên xuất sắc tiêu biểu năm 2021; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT năm học 2021-2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.