Có hiện tượng công chứng viên bắt tay với người đi công chứng để trốn thuế

GD&TĐ - Hiện tượng công chứng viên bắt tay với người đi công chứng bằng việc: công chứng viên chứng kiến việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản nhiều lần nhưng chỉ đóng dấu nộp thuế một lần để giúp người mua trốn thuế khi ký kết các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản cũng đã diễn ra ngày càng phổ biến.

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa phát biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa phát biểu thảo luận tại hội trường

Tranh dành khách hàng

Đại biểu Võ Thị Như Hoa – đoàn TP Đà Nẵng nêu lên thực trạng khi phát biểu thảo luận tại phiên làm việc ngày 1/6 của Quốc hội.

Theo Đại biểu Hoa, công chứng là nghề nghiệp đặc thù cần phải quản lý chặt chẽ chứ không phải là hoạt động kinh doanh thông thường. Bởi lẽ văn phòng công chứng là tổ chức bổ trợ tư pháp được điều chỉnh theo luật chuyên ngành là Luật Công chứng, không phải theo Luật Doanh nghiệp.

“Công chứng trước đây là dịch vụ công do Nhà nước thực hiện, nay Nhà nước ủy quyền cho tư nhân làm và theo Luật Công chứng và pháp luật về tố tụng thì văn bản công chứng có giá trị chứng cứ những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh v.v...

Với tính chất đặc thù như vậy, cho nên hoạt động công chứng rất cần thiết phải quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng khi cho phép thành lập” - Đại biểu Võ Thị Như Hoa nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Võ Thị Như Hoa, Luật Công chứng hiện hành đã có một số quy định về điều kiện thành lập Văn phòng công chứng như: Văn phòng công chứng phải do hai công chứng viên thành lập, trưởng văn phòng công chứng phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm về hành nghề công chứng, có trụ sở để hoạt động v.v...

Tuy nhiên, những điều kiện này chưa đủ để tăng cường chất lượng khi cho phép thành lập văn phòng công chứng trong bối cảnh bỏ quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Bởi vì những điều kiện này được quy định trong Luật Công chứng năm 2006 và Luật Công chứng sửa đổi năm 2014, quy định trong giai đoạn đầu xã hội hóa hoạt động công chứng đến nay đã không còn phù hợp.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa cho rằng, hiện nay, với điều kiện để thành lập văn phòng công chứng tương đối dễ dàng như trên, số lượng các văn phòng công chứng đã tăng lên rất nhanh, kéo theo một loạt các vấn đề phát sinh, đó là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tổ chức công chứng để tranh dành khách hàng, tăng doanh thu của Văn phòng công chứng.

Không thể phát triển tràn lan

“Để lôi kéo khách hàng, nhiều tổ chức công chứng chấp nhận rủi ro, bỏ qua các nguy cơ về mặt pháp lý để linh động khi ký các hợp đồng giao dịch dân sự cho người dân và doanh nghiệp. Khi đó rủi ro về mặt pháp lý là rất lớn và cả tổ chức công chứng và người yêu cầu công chứng đều phải đối diện với những nguy cơ rủi ro này.

Hiện tượng công chứng viên bắt tay với người đi công chứng bằng việc công chứng viên chứng kiến việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản nhiều lần nhưng chỉ đóng dấu nộp thuế một lần để giúp người mua trốn thuế khi ký kết các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản cũng đã diễn ra ngày càng phổ biến” - Đại biểu Võ Thị Như Hoa nêu thực trạng.

Theo Đại biểu, những vấn đề phát sinh đó quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện nay cũng chưa có để xử lý hoặc việc quy định tổ chức công chứng phải có trụ sở để hoạt động nhưng chưa có quy định cụ thể là trụ sở phải rộng tối thiểu bao nhiêu mét vuông, hoạt động ổn định tại trụ sở đó bao lâu, dẫn đến nhiều văn phòng công chứng thuê trụ sở, thay đổi trụ sở liên tục hoặc có diện tích trụ sở chật hẹp, nhếch nhác.

Trước yêu cầu cần thiết là bảo đảm lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong việc giao quyền công chứng cho tổ chức tư thực hiện phải đảm bảo chất lượng đầu vào khi cho phép thành lập Văn phòng công chứng để tránh thiệt hại, rủi ro cho người dân và doanh nghiệp.

Do vậy, việc giao cho Chính phủ quy định một số chính sách, điều kiện thành lập văn phòng công chứng để nâng cao các tiêu chuẩn về nhân sự công chứng viên, trưởng văn phòng công chứng, nhân viên nghiệp vụ cũng như tiêu chuẩn về tài chính, bảo đảm hoạt động cho các văn phòng công chứng, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, xử lý rủi ro phát sinh trong quá trình hành nghề cũng như giải thể, chấm dứt hoạt động của các văn phòng công chứng, phù hợp với từng vùng miền, tùy theo từng điều kiện của địa phương.

Đồng thời, với việc bỏ quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng là hết sức cần thiết. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật các nước trong Liên minh công chứng quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì nghề công chứng đều xác định: công chứng là nghề đặc thù, nghề được nhà nước trao quyền lực công nên hoạt động công chứng được nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ, không thể phát triển tràn lan, dẫn đến tình trạng tranh giành khách hàng của nhau, mất lòng tin của người dân, mất uy tín của nhà nước” - Đại biểu Võ Thị Như Hoa.

"Sau hơn 10 năm thực hiện xã hội hóa, số lượng các tổ chức công chứng trên cả nước đã tăng lên gấp hơn 7 lần, từ 131 tổ chức lên 970 tổ chức. Với số lượng tổ chức công chứng hiện nay đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu công chứng của xã hội, trừ các vùng sâu, vùng xa thì việc chứng nhận hợp đồng vẫn được giao cho UBND xã thực hiện. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng cần phải tập trung nâng cao về chất lượng để có hệ thống công chứng chuyên nghiệp, phòng ngừa rủi ro cho xã hội, người dân và doanh nghiệp" - Đại biểu Võ Thị Như Hoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...