Có hiện hữu nguy cơ chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên?

GD&TĐ - Những ngày qua căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên qua hàng loạt những tuyên bố và hành động cứng rắn của Washington và Bình Nhưỡng. 

Có hiện hữu nguy cơ chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên?

Bóng ma hạt nhân đang lơ lửng trên bầu trời Triều Tiên, khiến không ít các nhà phân tích so sánh cuộc khủng hoảng lần này với cuộc khủng hoảng Caribe hơn 50 năm trước.

Từ chuyến thăm “lên dây cót tinh thần” của Michael Pence

Vào thời điểm không khí căng thẳng bao trùm trên bán đảo Triều Tiên khi hạm đội Mỹ tiếp cận Hàn Quốc cũng là lúc Phó Tổng thống Mỹ Michael Pence tức tốc lên đường tới Nhật Bản.

Tại Tokyo, Michael Pence cam kết với đối tác Nhật Bản rằng Hoa Kỳ “100% sát cánh” với Nhật Bản. Nếu xét rằng, thời gian gần đây, Tokyo có vẻ nghi ngờ về mức độ sẵn sàng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với một đồng minh của chính quyền mới ở Mỹ thì những tuyên bố của Michael Pence không khác gì những bản nhạc Bravura dành cho Shinzo Abe vào thời điểm khó khăn này.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, Tokyo cũng nhận thức rõ rằng, nếu ở Triều Tiên có đám cháy, khói sẽ bay sang Nhật Bản và các nước láng giềng, chứ không đến một đất nước xa xôi như Mỹ.

Chính vì vậy, người Nhật có vẻ như không quá hào hứng trước tuyên bố của Michael Pence rằng sự kiên nhẫn của Mỹ với CHDCND Triều Tiên đã kết thúc.

Washington đe dọa Bình Nhưỡng bằng nắm đấm, còn Tokyo hy vọng cuộc xung đột có thể được giải quyết thông qua đối thoại. Có thể tóm tắt kết quả cuộc đàm phán giữa Phó Tổng thống Mỹ Michael Pence với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe như vậy.

Đằng sau những tuyên bố ồn ào

Một câu hỏi được đặt ra: Những gì nằm đằng sau những tuyên bố cứng rắn của cả hai bên?

Vào thời điểm tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng, các quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên tuyên bố: Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thử tên lửa hàng tuần, hàng tháng, nếu thấy cần thiết.

Và điều gì sẽ xảy ra nếu Bình Nhưỡng tiến hành một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 6?

Liệu khi đó, Mỹ có tấn công CHDCND Triều Tiên?

Theo Washington Post, các nhà quan sát đang chờ đợi để xem cái gọi là “thiếu kiên nhẫn chiến lược” của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thể hiện ra sao?

Robert Litvack, một thành viên của Trung tâm Quốc tế của các nhà khoa học mang tên Woodrow Wilson cho rằng, cuộc khủng hoảng tên lửa Caribe đang tái hiện nhưng trong trạng thái “chuyển động chậm”.

“Đó là một sự so sánh đáng sợ, nhưng nó cho thấy những tuyên bố hiếu chiến từ hai phía và sự cân bằng thần kinh đang ở trên bờ vực hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát” – Robert Litvack nhận định.

Các cố vấn của Donald Trump không ít lần nói về khả năng “không thể tiên đoán” được những bước đi của ông chủ Nhà Trắng. Họ cũng phóng đại vai trò của sức mạnh quân sự của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.

Nhưng các cuộc phô trương sức mạnh ở Đông Bắc Á có thể dẫn đến một thảm họa. Trong khi đó, rất khó dự đoán về ban lãnh đạo của Bắc Triều Tiên do Kim Jong-un đứng đầu. Đối với họ, các kho vũ khí hạt nhân và tên lửa là tấm vé chính trên con đường để tồn tại.

Theo nhiều nhà phân tích phương Tây, càng dồn Kim Jong-un vào chân tường mạnh hơn, khả năng tấn công phủ đầu từ phía ông ấy càng cao hơn. Bằng chứng là không ít lần các quan chức ở Bình Nhưỡng đã tuyên bố rằng họ có thể tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu.

Theo nhà khoa học của Viện Viễn Đông (Nga) Alexander Vorontsov thì CHDCND Triều Tiên đã có đầu đạn hạt nhân. Vấn đề ở chỗ, làm thế nào họ có thể thu nhỏ để đặt vào tên lửa? Nhiều chuyên gia không thống nhất với nhau khi trả lời câu hỏi này.

Tuy nhiên, nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là có thật. Nên nhớ rằng, bán đảo Triều Tiên có cơ sở hạt nhân ở phía Bắc, còn ở phía Nam có 30 lò phản ứng hạt nhân tại các nhà máy điện hạt nhân.

Trong trường hợp chiến tranh, tai nạn kiểu Chernobyl là hoàn toàn có thể xảy ra - Các chuyên gia kết luận. Chính vì vậy, khả năng đánh phủ đầu như tuyên bố của Donald Trump chỉ mang tính chất răn đe hơn là thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.