Đam mê thiện nguyện
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, Trường Đại Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), cô Nguyễn Thị Tuyết Mai được phân công về huyện Đăk Hà (Kon Tum) giảng dạy.
Hàng chục năm là giáo viên ở vùng khó của huyện Đăk Hà cô Mai chứng kiến nhiều hoàn cảnh học sinh khó khăn. Có nhiều em nhà xa trường nhưng phải lội bộ đến lớp rồi trưa lại về nhà, chiều tiếp tục đi học. Bụng đói, đường đến lớp xa nên nhiều em nghỉ học buổi chiều khiến chất lượng giáo dục không đảm bảo. Không muốn việc học của các em bị ảnh hưởng, cô Mai kêu gọi nhà hảo tâm, bạn bè… để thành lập mô hình “Bán trú dân nuôi”.
Sau một tháng kêu gọi trên mạng xã hội, cô Mai nhận được hơn 250 cặp lồng cơm, 250 ghế nhựa, 40 bàn ăn, 200 chiếc chiếu, 200 chiếc mền, gối, 50 thùng mì tôm để triển khai mô hình. Từ đó, học sinh có chỗ ăn, nghỉ lại buổi trưa nên sĩ số luôn được duy trì.
Không những thế, mỗi khi chứng kiến học sinh khó khăn trong cuộc sống, cô Mai đều đến tận nhà thăm hỏi, động viên và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng. Với tinh thần trách nhiệm, tình thương dành cho học trò, nhiều nhà hảo tâm cùng đồng hành với cô Mai hỗ trợ tiền mặt, vật chất cho học sinh vùng khó.
"Thời gian đầu công việc thiện nguyện của tôi chiếm khá nhiều thời gian, cũng vất vả nên gia đình không đồng tình lắm. Thế nhưng khi thấy học sinh khó khăn cần lắm sự sẻ chia thì gia đình dần ủng hộ và động viên, cùng tôi làm việc thiện. Mọi người cũng chung tay kêu gọi, quyên góp nên ngày càng có nhiều hoàn cảnh khó khăn được quan tâm", cô Mai tâm sự.
Kết nối cộng đồng
Cô Tuyết Mai hạnh phúc khi chứng kiến học sinh ấm áp, no bụng khi đến trường. |
Cuối năm 2021, sau 3 lần chuyển công tác, cô Mai được phân công làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà). Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện sáp nhập với Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ thành Trường Tiểu học xã Đăk Pxi, cô Mai giữ chức Phó hiệu trưởng nhà trường.
Kể từ khi chuyển công tác về đơn vị mới, cô Mai chứng kiến nhiều hơn những học sinh khó khăn, vất vả trên hành trình học chữ. Thế rồi, cô tiếp tục kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ 10.000 quyển vở, 300 đầu sách giáo khoa, tham khảo và hơn 3.000 bộ quần áo cho học sinh dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, cô kêu gọi nguồn kinh phí từ Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư 625 triệu đồng xây dựng 3 phòng học trong chương trình “Trường đẹp cho em” và nhà hảo tâm tại địa phương xây dựng giếng sạch cho trường…
Năm 2022, hai cây cầu treo của xã Đăk Pxi bị lũ cuốn trôi khiến đường đến trường của học sinh khó khăn. Nhà xa, phải đi đường vòng đến lớp nên nhiều em mang cơm theo để trưa ăn tại trường. Có những học sinh phải xa gia đình cả tuần để ở nhờ nhà họ hàng nhằm thuận tiện việc đi học. Điều này cũng khiến thầy, cô giáo và phụ huynh khá thương và lo lắng.
Mong muốn hành trình đến lớp của các em bớt vất vả, cô Mai kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ 30 triệu đồng mua ván sửa chữa cây cầu tạm thời. Lo sợ những mùa mưa lũ sau cây cầu sẽ tiếp tục bị hư hỏng, nguy hiểm cho học sinh nên cô Mai lại kêu gọi tấm lòng nhân ái xây dựng cầu sắt trị giá hơn 300 triệu đồng. Từ ngày có cầu sắt bắc qua sông, chặng đường đến lớp của các em thuận lợi hơn, gia đình cũng yên tâm phần nào.
“Thấy học sinh ăn no, mặc ấm và an toàn khi đến trường tôi rất vui, hạnh phúc. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục kết nối để giúp những mảnh đời khó khăn viết tiếp ước mơ đến trường”, cô Tuyết Mai bộc bạch.
Thầy Tạ Ngọc Ngọ - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà cho biết, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai là một cán bộ gương mẫu, tiêu biểu trong những hoạt động chuyên môn và thiện nguyện, xã hội. Với sự kết nối của cô Mai nhiều học sinh với hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường học tập. Đồng thời, trường lớp, chất lượng giáo dục cũng ngày một được nâng cao.