Không ngừng kết nối
Cô Phạm Thị Hải Ngọc là giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngoại ngữ - Tin học, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang.
Dù đã hoàn thành chương trình và được cấp bằng Thạc sỹ chuyên ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng để tiếp tục nâng cao trình độ, cô Ngọc vẫn thường xuyên tìm kiếm học bổng các khóa học trong và ngoài nước.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, cô đã hoàn thành khóa học online Dạy tiếng Anh cho thanh, thiếu niên (Đại học Maryland, Hoa Kỳ, 2016); Các phương pháp thúc đẩy học sinh trong học tập môn Tiếng Anh (Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, 2019); Đào tạo giáo viên (American English và Đại học Arizona, Hoa Kỳ, 2020).
Thậm chí, trong năm 2021, cô hoàn thành 2 khóa học online: An ninh mạng và an toàn mạng khi giảng dạy trực tuyến (Đại học Adelaide, Australia); Giảng dạy tiếng Anh trực tuyến (Đại học Coventry, Vương quốc Anh và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức).
Trong quá trình kết nối đó, cô đã có những trải nghiệm tuyệt vời và hết sức ý nghĩa. Đầu năm 2022, cô được lựa chọn tham gia Chương trình học bổng Trao đổi Giáo viên xuất sắc năm 2022 - Teaching Excellence and Achievement Program, với 7 tuần học tập tại Hoa Kỳ.
“Chương trình đã giúp tôi cùng các giáo viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới nghiên cứu và tìm hiểu về đất nước, văn hóa Mỹ; phương pháp giảng dạy tiếng Anh, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, học tập; trao đổi văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới; thực hành các phương pháp giảng dạy hiện đại; qua đó, vận dụng những kiến thức đã được học tập vào giảng dạy tiếng Anh - Mỹ trong chương trình giáo dục phổ thông” - cô Ngọc chia sẻ.
Chinh phục tri thức
Một trong những “niềm vui” của cô Ngọc là tham gia hoạt động chuyên sâu để nâng cao trình độ giảng dạy Tiếng Anh của mình. Cô đã viết 2 bài báo đăng trên Tạp chí quốc tế Access Journal của GEIST; tham gia các diễn đàn quốc tế như Hội nghị E2 toàn cầu của Microsoft, hội thảo tiếng Anh quốc tế của TESOL.
Với sự nỗ lực và say mê của mình, cô được công nhận là thành viên của cộng đồng giáo viên sáng tạo Micosoft Việt Nam, thành viên của Hiệp hội giảng dạy tiếng Anh Việt Nam TESOL và quốc tế.
“Với những tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện nay, thầy cô và các em học sinh có rất nhiều cơ hội để tiếp cận các nguồn học liệu mở, có thể chọn các hình thức tự học, tự bồi dưỡng phù hợp với quỹ thời gian và năng lực của mình. Ngoài ra, việc tham gia vào các cộng đồng phát triển chuyên môn sẽ giúp thầy cô mở rộng kết nối, được lan tỏa những nguồn năng lượng tích cực để thêm yêu nghề hơn”.
Cô Phạm Thị Hải Ngọc (Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang)Để lan tỏa và hỗ trợ cộng đồng giáo viên, cô còn tham gia Ban tổ chức Nhóm phát triển chuyên môn của Hiệp hội giảng dạy tiếng Anh Việt Nam - VietTESOL, qua đó cung cấp và tổ chức các chương trình đào tạo tiếng Anh miễn phí cho nhiều đồng nghiệp.
Vận dụng những tri thức và kỹ năng mình có được, cô Ngọc dành nhiều tâm huyết để hướng dẫn, giảng dạy cho học trò. Cô tích cực dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kĩ năng môn tiếng Anh, giúp các em khắc phục những hạn chế để tự tin hơn trong giao tiếp.
“Với sự nhiệt tình, thân thiện, dễ gần, dễ mến, cô Ngọc luôn là người truyền cảm hứng và sự tự tin cho chúng em. Nhờ cô mà chúng em thêm yêu thích tiếng Anh và thấy học môn này thật thú vị” - em Trần Thị Mai Phương (học sinh lớp 11, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang) bày tỏ.
Trong hai năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021, cô liên tiếp hướng dẫn học sinh tham gia và đoạt giải cấp tỉnh Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật với các đề tài về lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi. Nhiều năm liền, cô Ngọc dạy ôn thi và có học sinh đạt giải học sinh giỏi và Olympic tiếng Anh cấp tỉnh.