Cô giáo tiêu biểu toàn quốc ở biên giới xứ Nghệ

GD&TĐ - Ngày đầu tiên cầm quyết định vào trường, cô Lê Thị Hạnh đứng giữa con đường đèo dốc trơn trượt bật khóc, đòi bỏ về. Vậy mà đã 19 năm, cô đi tiếp, ở lại, gắn bó với xã biên giới Na Loi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Không chỉ dạy học, cô Hạnh còn tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh DTTS.
Không chỉ dạy học, cô Hạnh còn tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh DTTS.

Khoảng thời gian bền bỉ của một cô giáo miền xuôi lên miền ngược dạy học, mà chính cô cũng không ngờ đã đi được dài như vậy.

Năm 2021, cô Lê Thị Hạnh (GV Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi) là một trong hai cá nhân của Nghệ An được tôn vinh là giáo viên tiêu biểu toàn quốc. Trở về núi rừng biên giới, cô muốn dành danh hiệu này, như một sự tri ân ngược lại, với yêu thương, tin tưởng mà bà con, học sinh người Thái, Mông, Khơ Mú đã dành cho mình suốt gần 20 năm qua.

Giáo viên Giáo dục công dândạy kiêm... Toán – Lý

Những tiết học đầu tiên ở ngôi trường chỉ toàn nhà tranh, vách đất chỉ như vừa mới hôm qua. Đó là vào năm 1997 – 1998, cô Hạnh tốt nghiệp ngành Giáo dục chính trị, Trường ĐH Vinh lên Na Loi dạy học. Nhưng không chỉ dạy môn Giáo dục công dân, cô còn kiêm luôn đứng lớp Toán, Vật lý. Nhớ về việc dạy học “liên môn” kỳ lạ này, cô Hạnh kể: “Khi ấy, trường thiếu giáo viên trầm trọng, nên thầy cô nào cũng phải kiêm nhiệm một lúc mấy môn. Cũng may là trước đó tôi học thiên về khối A, và đã từng trúng tuyển vào ngành Toán - Lý của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Vì vậy, tôi vẫn có đủ kiến thức để dạy các môn tự nhiên cho học sinh”.

Trường học miền núi cao, lại ở vùng biên giới hiểm trở, vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, thiếu giáo viên như một điều tất yếu. Mỗi một thầy cô vào được đến Na Loi với học sinh, dân bản, là quý lắm. Bởi không ít người đã bỏ cuộc ngay từ khi chưa kịp vào đến trường, vì mệt lả, kiệt sức với đèo dốc, núi rừng thăm thẳm. Cô Hạnh cũng đã có ý nghĩ đó, lúc òa khóc giữa con đường lầy lội, trơn trượt với chú xe ôm người bản địa.

Ngày ấy, Lê Thị Hạnh vừa tốt nghiệp ĐH, từ quê nhà ở huyện Hưng Nguyên lên Kỳ Sơn nhận công tác mà chưa hình dung nổi vùng đất tận cùng phía Tây Nghệ An, giáp với Lào như thế nào. Chỉ biết khó khăn lắm mới bắt được chuyến xe khách lên thị trấn Mường Xén – thị trấn trung tâm Kỳ Sơn. Nhưng từ Mường Xén vào đến Na Loi, thì còn tới gần 40km đường rừng, phải bắt xe ôm vào.

“Có đoạn đường bị sạt lở, qua suối, tôi phải xuống đẩy giúp chú xe ôm. Lại có lúc phải chờ dân bản đi qua để thuê họ cõng con xe Minks đi qua đoạn lầy lội. Chú xe ôm cứ động viên gần thôi, sắp đến rồi. Mà cái “gần” đó cứ đi mải miết giữa núi rừng mênh mông vẫn chưa thấy bóng dáng trường học. Đói, mệt, nhọc nhằn rồi nghĩ đến sau này, tôi bật khóc nức nở và đòi quay lại”, cô Hạnh kể.

Người xe ôm có lẽ cũng đã quen với cảnh này, chỉ đành nói “cô về rồi thì ai đến đây nữa. Học sinh trong đó còn khổ lắm, mong thầy cô lắm”! Câu nói thật thà đó khiến cô giật mình nhớ lại ước mơ, khát vọng và cả tự trọng nghề nghiệp của mình. Cô giáo trẻ lau nước mắt, đi tiếp!

Vào đến trường, chỉ là mấy gian phòng ghép bằng gỗ tạm, bàn ghế học sinh đan bằng tre nứa, cô chùng lòng xuống. Nhưng lại càng thương hơn những đứa trẻ người Thái, Khơ Mú với đôi mắt còn mang nét hoang dại nhưng nhìn cô đầy mong đợi. Vậy là cô ở lại, với những tiết học đầu tiên không theo bất cứ giáo án nào được đào tạo trước đó. Với việc kiêm nhiệm từ dạy Giáo dục công dân, Toán, Lý, công tác đoàn đội... Và cùng chung nỗi mong chờ như những đứa trẻ, đó là có thêm giáo viên, thêm đồng nghiệp vượt qua được núi rừng để vào với Na Loi.

Giờ lên lớp của cô Hạnh và học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi.
Giờ lên lớp của cô Hạnh và học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi. 

Những bài dạy làm người từ thực tế vùng biên

Cô Lê Thị Hạnh dạy Giáo dục công dân, vẫn bị không ít người cho rằng chỉ là môn phụ. Nhưng ở nơi rẻo cao này, cô lại cho rằng, đây là bộ môn rất cần thiết và cũng là cơ hội để mình vừa dạy chữ, dạy kiến thức, kỹ năng và dạy người.

Trường PTDTBT THCS Na Loi là ngôi trường chung, dành cho cả học sinh cấp 2 của xã Đoọc Mạy lân cận. Vì vậy, trường có HS đa thành phần dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú với đặc trưng văn hóa, ngôn ngữ, tập tục khác nhau. Trong độ tuổi hình thành nhân cách, các em lại chịu ảnh hưởng từ định kiến, tập tục truyền thống lạc hậu, thậm chí trái pháp luật như tảo hôn, hôn nhân cận huyết... Chưa kể phần lớn các em là con hộ nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà. Mọi việc học hành, từ kiến thức, kỹ năng, đến ăn ở sinh hoạt bán trú phó mặc cho thầy cô.

Theo cô Hạnh, với đặc điểm đó, việc chia sẻ, trò chuyện, giáo dục pháp luật cho học sinh rất quan trọng. Trước hết để các em biết cách giao tiếp, ứng xử với các mối quan hệ, chuyên tâm học tập, tránh xa tệ nạn xã hội. Lâu dài hơn, là để hạn chế tình trạng bỏ học lấy chồng, lấy vợ sớm, đi miền Nam kiếm tiền... khi chưa đủ tuổi.

Cô Hạnh và cậu học trò trong đội tuyển ôn thi HSG môn GDCD.
Cô Hạnh và cậu học trò trong đội tuyển ôn thi HSG môn GDCD.

“Bộ môn của tôi chỉ 1 tiết/tuần/lớp. Nhưng tôi luôn cố gắng làm mới bài giảng bằng chính những câu chuyện, những vấn đề diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Sau những ví dụ thực tế đó, tôi rút ra những bài học để các em có thể hiểu và áp dụng được vào trong thực tế”, cô Hạnh chia sẻ.

Cô Hạnh còn là người tiên phong trong việc thành lập và bồi dưỡng đội tuyển HSG môn Giáo dục công dân. Năm nào cô cũng có HSG huyện và đến nay đã có 4 HSG tỉnh với 1 giải Ba. Đây là thành tích không dễ dàng đối với trường khó của vùng khó. Tạo động lực, sự tự tin cho những đứa trẻ dân tộc thiểu số khi đến trường.

Gần 20 năm liền ở vùng sâu, vùng xa, nhưng cô Hạnh không để hoàn cảnh, môi trường khiến mình tự ỳ, bằng lòng với những gì đã có. Thay vào đó, cô vẫn luôn làm mới mình, nâng cao năng lực chuyên môn, sáng tạo dạy học. Những nỗ lực đó, đem về cho cô danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh đầu tiên ở Na Loi này. Hiện ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Hạnh còn là giáo viên cốt cán của Phòng GD&ĐT, có nhiệm vụ bồi dưỡng cho giáo viên trong huyện.

Đã gần 20 năm cô Hạnh gắn bó với học sinh 2 xã biên giới Na Loi, Đoọc Mạy.
Đã gần 20 năm cô Hạnh gắn bó với học sinh 2 xã biên giới Na Loi, Đoọc Mạy.

Đánh đổi và biết ơn

Lê Thị Hạnh từng đậu CĐSP Nghệ An, nhưng nhà quá nghèo, nên cô cất giấy báo, đi làm thuê 1 năm. Sau đó, cô mới thi lại vào Khoa Giáo dục chính trị Trường ĐH Vinh và dành số tiền gom góp được trang trải chi phí ban đầu. Sau khi tốt nghiệp, cũng vì muốn sớm có tiền lo cho bố mẹ, mà thay vì chờ đợi để được tuyển vào một trường THPT theo đúng bậc học đào tạo, cô quyết định lên miền núi, dạy THCS.

Tiền lương giáo viên hợp đồng lúc đó chỉ hơn 800 nghìn đồng/tháng, cũng vừa bằng tiền xe ôm từ Na Loi ra thị trấn Mường Xén và ngược lại. Cô và nhiều đồng nghiệp trong trường không dám về quê. Mỗi năm, cô chỉ về nhà 2 lần vào dịp tết và nghỉ hè. Thời gian ở lại trong trường, giữa nơi lạ, đất lạ cô không biết mình đã khóc bao nhiêu đêm. Không ít lần, câu hỏi mình sẽ đi đâu về đâu giữa thâm sơn cùng cốc này xuất hiện trong đầu cô giáo trẻ.

Nhưng cũng tại núi rừng biên giới, cô đã nên duyên với 1 anh bộ đội biên phòng, đóng quân ở Na Loi. Quãng thời gian hạnh phúc nhất là 5 năm đầu tiên, 2 vợ chồng dựng gian nhà tạm gần trường học. Nhưng đến khi con trai chuẩn bị vào lớp 1, thì 2 vợ chồng quyết định gửi con về quê nội ở huyện Đô Lương. “Lần ấy, tôi ôm con ngồi sau xe máy chồng. Có những đoạn sạt lở, nước suối chảy xiết, cuồn cuộn, chồng dặn tôi ôm con cho chặt, rồi gồng mình đẩy. Tôi chỉ biết nhắm mắt lại, tim đập thình thịch, không biết sống chết ra sao”, cô Hạnh nhớ lại.

Ở vùng biên giới khó khăn, cô vẫn luôn say mê với nghề, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, đổi mới phương pháp dạy học.
Ở vùng biên giới khó khăn, cô vẫn luôn say mê với nghề, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, đổi mới phương pháp dạy học.

Cũng trong năm đó, chồng cô được điều sang nhận nhiệm vụ ở đơn vị khác. Suốt 10 năm sau, gia đình cô có 3 người mà vợ chồng, con cái 3 nơi. Cô tâm sự: “Nhiều khi, ước mơ của tôi chỉ là được đưa con đi dự lễ khai giảng năm học mới đầu tiên, được đưa đón con đi học về mỗi ngày. Với những gia đình khác, có lẽ đó là điều bình thường, nhưng với vợ chồng tôi, thì lại là xa xỉ. Cách xa con hơn 200km, tôi chỉ biết dồn tình thương cho học trò. Bởi các em rất thiếu thốn, thiệt thòi, như chính tôi cũng từ vất vả mà trưởng thành, được dân bản đón nhận”.

Gần 20 năm ở Na Loi, đến giờ, nơi ở của cô Hạnh vẫn là gian nhà gỗ nhỏ nằm gần trường để đi dạy. Nhìn lại chặng đường đã qua, nói về nguyện vọng chuyển về nơi thuận lợi hơn, cô chỉ cười. Nụ cười của người đã vượt nhiều gian nan khổ ải nhất. “Ngày xưa, thời còn chưa có đường sá, trường lớp tạm bợ, đói ăn... mà mình còn bám trụ lại được thì như bây giờ đã quá sung sướng rồi. Mình không so với nơi khác, mình chỉ so sánh và nhìn thấy đổi thay của Na Loi, của học sinh nơi đây thôi”, cô nói.

Hiện, cô Lê Thị Hạnh còn là Phó Bí thư Chi bộ nhà trường, giữ vai trò kết nối với chính quyền địa phương trong vận động học sinh đến trường. Tuyên truyền để bà con hiểu được lợi ích của việc đi học để có cái chữ, có kiến thức. Trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Hạnh là 1 trong 2 cán bộ, giáo viên Nghệ An được tôn vinh là nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Với cô, đây chính là món quà, sự tri ân của chính cô dành lại cho những yêu thương, gắn bó, tin tưởng mà bà con, học sinh trao đến mình suốt gần 20 năm qua.

Thầy Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Na Loi - cũng vui mừng chia sẻ: “Danh hiệu giáo viên tiêu biểu toàn quốc của cô Lê Thị Hạnh, không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh của ngành với cá nhân riêng cô, mà còn là niềm tự hào của nhà trường. Tạo động lực cho cán bộ, giáo viên ở trường biên giới chúng tôi tiếp tục phấn đấu. Bởi ở nơi xa xôi này, có thể chất lượng dạy học khó mà xóa được cách biệt với các trường vùng thuận lợi. Nhưng tâm huyết, sự chăm lo, yêu thương, quan tâm học sinh với ý nghĩa trồng người thì thầy cô vùng cao luôn đau đáu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.