Gắn kết các thành viên
Không phải đến khi các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo trở thành hoạt động giáo dục trong nhóm các môn học bắt buộc được đưa vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Từ lâu, cô Đinh Thị Thanh Thương được biết đến là người tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, cô Thanh Thương nhận thấy có nhiều em còn vụng về trong cách quét lớp, chưa tự tin trong khi phát biểu hay không biết cách nói chuyện trước đám đông… Thậm chí có những em học khá đã tự tạo cho mình những cái “vỏ bọc”. Các em chỉ chú tâm việc học rất ít giao lưu với bạn bè…
Đầu tiên cô thay đổi một số hoạt động trong lớp như thường xuyên đổi chỗ ngồi, phân công công việc cho các em nhút nhát… Đặc biệt là giờ sinh hoạt lớp, cô dành thời gian cho việc nhắc nhở, chấn chỉnh những sai phạm của học sinh, báo cho các em biết những hoạt động của trường, lớp trong tuần tới…Thời gian còn lại cô tổ chức hoạt động cho các em.
Trong giờ sinh hoạt lớp, bàn, ghế được sắp xếp lại: khi thì hình chữ U, lúc thì hình chữ nhật, có khi được mang ra hành lang để dành chỗ cho các hoạt động tập thể bằng các trò chơi dân gian. Giờ sinh hoạt lớp cuối tuần đã trở thành một trong những giờ học mong đợi nhất và là tiết học kéo dài nhất nhưng ai cũng thích bởi lúc nào cũng cũng rộn rã những tiếng cười.
Những em học sinh lớp khác đi ngang đều thích thú đứng lại xem. “Tiếng lành đồn xa”, một số lớp đã liên hệ để phối hợp tổ chức. Mỗi năm vài lần, các hoạt động trải nghiệm được tổ chức ở nhà đa năng, sân trường không chỉ vào ngày sinh hoạt lớp thứ 7 mà còn những ngày Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, Tết…
Để các hoạt động luôn được đổi mới, cô Thanh Thương ngoài việc đọc thêm sách báo, còn gợi ý các nhóm đưa ra ý tưởng, các trò chơi tập thể để cùng tổ chức với tiêu chí: rẻ tiền, an toàn và trên hết là vui!
Trong tổ chức trò chơi, cô phân công các em vào nhóm khác nhau, nhờ vậy mà các thành viên trong lớp gắn bó nhau. Các em không còn sự rụt rè, nhút nhát mà tự tin thể hiện khả năng của mình.
Em La Vũ Khoa Nguyên, học sinh lớp 8/2 hào hứng cho biết: "Em rất thích những giờ sinh hoạt lớp được cô và lớp tổ chức. Qua đó các bạn trong lớp sẽ gắn bó nhau hơn. Nhờ vậy, các bạn nhắc nhở nhau cố gắng thực hiện tốt các yêu cầu của lớp, của trường để cuối tuần được vui chơi được thoải mái…"
Cô Đinh Thị Thanh Thương luôn được học trò yêu quý. |
Hào hứng những chuyến trải nghiệm
Có dịp cùng cô Thanh Thương và các em tham gia các hoạt động trải nghiệm tại các khu vui chơi mới thấy hết những điều các em cần rèn luyện. Ngoài các kỹ năng thông thường như buộc, thắt dây hay cách gọt, hái trái cây…, các em cần các kỹ năng hợp tác nhóm để làm một công việc.
“Má Thương ơi, má Thương ơi!” là từ mà các em thường gọi tìm cô khi tham gia những chuyến dã ngoại. Trong lúc vui chơi, các em thích gặp Má Thương. Khi thì khoe một thành quả vừa làm, khi thì tặng một viên kẹo hay cái bánh…
Má Thương thường được các em tín nhiệm làm trọng tài phân minh những kết quả trò chơi tập thể. Má Thương được các em yêu quý bởi sự gần gũi, thân thương đặc biệt là cách nói chuyện hợp lý, hợp tình và có chút hài hước.
Chị Bùi Thị Minh Hằng, phụ huynh học sinh lớp 7/2 cho biết: Tôi bận việc gia đình nên không có nhiều thời gian gần gũi với con, ít khi cùng con đi chơi. Nhờ những hoạt động hay chuyến đi do cô Thanh Thương tổ chức mà con tôi tự tin hơn, hoạt bát hơn, cháu đã biết phụ giúp công việc nhà. Tôi động viên cháu học tập bằng phần thưởng là những chuyến đi cùng tập thể lớp…
Từ những chuyến dã ngoại hay những buổi cắm trại đã giúp các em gần lại với nhau. Qua đó nhiều em đã bộc lộ khả năng của mình: có em thể hiện năng khiếu nghệ thuật như: hát, vẽ, múa… có em thể hiện năng khiếu quản trò, làm thủ lĩnh…
Lớp 7/4 năm học vừa qua (2022 - 2023) đã lập luôn ban nhạc với những: tay trống cajon, đàn Guitar, kèn Harmonica, sáo trúc… Có cả những “ca sĩ” hát, “nghệ sĩ” múa… Ban nhạc này được phát hiện sau chuyến dã ngoại ở Bến Tre từ trò chơi thi năng khiếu.
Giờ chơi hay giờ về, “ban nhạc” thường ra hành lang biểu diễn hay tập luyện. Không ít thầy cô, bạn bè và phụ huynh đến xem với lời khen ngợi, cổ vũ… Ban nhạc còn được nhà trường mời biểu diễn các buổi sinh hoạt dưới cờ khiến không ít các em phấn khích. Nhiều em được phụ huynh tạo điều kiện đi học thêm âm nhạc, múa, hát ở nhà thiếu nhi.
Để tổ chức chuyến đi với kinh phí vừa phải có nhiều em tham gia, cô Thanh Thương phải nhờ những mối quen biết để có kinh phí tốt nhất, bữa ăn ngon nhất và người tổ chức các hoạt động chuyên nghiệp nhất.
Hoạt động trải nghiệm này không phải em nào cũng có điều kiện vì tốn chi phí. Cô Thanh Thương chia sẻ: Các em có hoàn cảnh khó khăn cần tham gia nhiều hoạt động hơn. Có lần có một em học sinh lớp khác gặp gởi cô nửa chi phí và xin cô được trả góp phí sau chuyến đi. Thế là cô cho đi vào sau chuyến đi em không trả phí tiếp vì cô đã liên hệ với khu vui chơi giảm bớt kinh phí cho em để em được vui chơi với bạn bè một cách trọn vẹn.
Thầy Nguyễn Minh Đức, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THCS Lê Ngọc Hân cho biết: Cô Thanh Thương không những có chuyên môn vững vàng, cách dạy thu hút mà có nhiều sáng tạo trong giờ sinh hoạt lớp. Những chuyến dã ngoại, trò chơi… của cô đã tạo ấn tượng trong lòng nhiều thế hệ học sinh.
Các hoạt động trải nghiệm do cô Thanh Thương tổ chức đã giúp các em tìm được chính mình, trang bị những kỹ năng cần thiết, tự cân bằng cuộc sống, làm hành trang cho các em tự tin hơn trong học tập ở bậc học sau…