Sẵn sàng triển khai chương trình mới
Năm học 2020-2021, năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018), cô giáo Trương Thị Hoa được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 1. Lớp cô phụ trách có hơn 20 học sinh, trong đó 3 em là người dân tộc Ê-đê.
Ngày đầu đến lớp, học sinh còn lạ lẫm, rụt rè, nhút nhát. Nhưng bước sang năm học 2021-2022, các em đã trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Nhiều em giao tiếp lưu loát, có thái độ chủ động trong học tập. Có được thành quả này, cô Hoa đã linh hoạt vận dụng nhiều phương pháp dạy học giúp phát triển năng lực, phẩm chất cho học trò.
Trước đó, trong quá trình tham gia bồi dưỡng, tập huấn, cô Hoa luôn cố gắng học tập, tìm hiểu chương trình, sách giáo khoa mới; phương pháp đánh giá học sinh, phương pháp giảng dạy nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Cô cũng phối hợp với giáo viên cốt cán trong huyện hỗ trợ đồng nghiệp trong trường, trong huyện hoàn thành mô đun 1, 2, 3 trên hệ thống LMS và tập huấn trực tiếp giúp giáo viên nắm chắc CT GDPT 2018 tổng thể.
CT GDPT 2018 giúp hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Học sinh còn nhỏ tuổi, chưa hiểu hết ý nghĩa của các phẩm chất này nên cô Hoa từ từ khơi gợi và chỉ bảo các em từ những hành động nhỏ nhất.
Ví dụ, nói đến phẩm chát "chăm chỉ", khi học sinh đi học đều đặn, đến trường trong trạng thái vui vẻ, cô giáo đều động viên, khích lệ các em tiếp tục cố gắng học tập. Khi học sinh biết yêu thương, biết giúp đỡ mọi người xung quanh, dù là việc nhỏ nhất, cô Hoa đều dành lời khen ngợi các em đã có lòng "nhân ái".
Với phẩm chất “trung thực”, khi học sinh nhặt được tiền hoặc đồ vật rơi, các em nộp cho giáo viên. Hành động của các em được tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường, là tấm gương cho các bạn học sinh khác noi theo.
“Lớp hơn 20 học sinh thì nhiều em đến nay có khả năng giao tiếp tự tin, trôi chảy, phong thái đĩnh đạc. Khi dạy học theo chương trình mới, tôi nhận thấy học sinh cũng chủ động hơn, sáng tạo hơn. Chứng kiến các em thay đổi tích cực từng ngày là niềm hạnh phúc của người làm thầy chúng tôi”, cô Hoa bày tỏ.
Thấu hiểu để dạy học tốt hơn
Chia sẻ về kinh nghiệm sau nhiều năm gắn bó với nghề, cô Hoa tâm sự: Trong quá trình dạy học, tôi đúc rút ra rằng việc giảng dạy luôn phải linh hoạt, sáng tạo. So với giáo án, giảng dạy thực tế có nhiều điểm khác biệt, giáo viên không nên quá phụ thuộc vào giáo án mà cần linh hoạt tổ chức các hoạt động giảng dạy, từ đó thu hút sự chú ý và say mê của học sinh.
Bên cạnh tích cực trau dồi phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học trò, cô Hoa luôn tìm hiểu hoàn cảnh, tính cách của từng học sinh khi mới nhận lớp. Bởi lẽ mỗi học sinh đều có năng lực, cá tính riêng nhưng do bước vào môi trường mới, các em còn nhiều bỡ ngỡ, rụt rè. Nhờ tìm hiểu và trao đổi với phụ huynh, cô Hoa cũng biết thêm phần nào về tính cách, năng lực của học trò để xây dựng hướng tiếp cận và giảng dạy phù hợp.
Tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, một bộ phận học sinh là trẻ em dân tộc thiểu số. Riêng lớp 2 do cô Hoa chủ nhiệm có 3 em người dân tộc Ê-đê. Những em này có tính chách nhút nhát, rụt rè. Hiểu tâm lý của các em, cô Hoa thường tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhóm 3, nhóm 4; tổ chức trò chơi tập thể giúp khích lệ sự hòa nhập và tinh thần đồng đội. Sang năm lớp 2, các em đã hòa nhập với bạn bè, phong thái tự nhiên.
Khi dịch Covid-19 bùng phát khiến trường học tạm đóng cửa, cô Hoa cùng đồng nghiệp đã tìm hiểu và vận dụng các phần mềm trực tuyến như Google Meet, chấm bài qua Azota, liên lạc với gia đình học sinh qua Zalo, Facebook.
Do điều kiện gia đình khác nhau, trong thời gian học trực tuyến, học sinh trong lớp được chia thành 2 nhóm là nhóm có thiết bị học trực tuyến và nhóm không có thiết bị. Với nhóm 1, cô trò cùng nhau học online vào buổi tối, sau khi phụ huynh đi làm về để có sự phối hợp giảng dạy. Với nhóm 2, cô giáo gửi bài tập trực tiếp.
Cô Trần Thị Như Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Cô Trương Thị Hoa là giáo viên tận tình, sâu sắc và giàu tình cảm. Khi học sinh mắc lỗi, cô dùng lối trò chuyện nhẹ nhàng, khéo léo để chỉ bảo và luôn dành sự quan tâm sát sao đến học sinh.
"Nhà trường đã tin tưởng chọn cô Hoa là giáo viên cốt cán tham gia tập huấn và thực hiện CT GDPT 2018. Hai năm qua, cô Hoa luôn giữ vững sự nhiệt huyết, không ngừng trau dồi kiến thức và đổi mới phương pháp giảng dạy để mang chương trình mới đến cho học sinh", cô Quỳnh bày tỏ.