Con đường đưa cô đến với học sinh khi đó sình lầy, bám dính với hàng trăm ổ voi mỗi khi mưa xuống. Tuy nhiên, cô thương các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu sổ khó khăn, cơ cực và muốn hoàn thành ước mơ trở thành giáo viên của mình nên đã vượt qua tất cả. Những cái trượt té, quần áo lấm lem hay nỗi vất vả khi giữ chân học trò ra lớp không làm chùn bước chân cô.
Theo cô Vân, điều khó nhất khi giảng dạy các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số là việc vận động, đưa các em ra lớp. Bởi do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều học sinh theo bố mẹ lên rẫy hoặc ở nhà trông em. Đến lúc đi học, các em “quên” ra lớp.
“Tôi xem học trò như con của mình nên thường xuyên trò chuyện, tâm sự để nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em. Khi biết gia đình em khó khăn ở đâu tôi tìm cách giúp đỡ. Khi đến nhà vận động học sinh, tôi mang cho các em chai nước mắm, dầu ăn hoặc quần áo ấm. Lúc thì là chiếc bóng đèn để thắp sáng cho gia đình cũng như thắp lên tương lai cho học trò của mình. Tôi chỉ mong học trò đến lớp đủ đầy và cố gắng vươn lên trong học tập. Đó là niềm vui, hạnh phúc và là động lực để tôi cố gắng hơn nữa trong quá trình truyền đạt kiến thức cho các em học sinh.”, cô Vân tâm sự.