Cô giáo Nùng thương học trò khuyết tật như con

GD&TĐ - Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô Hà cũng đến trường sớm để bế Nam vào lớp.

Cô giáo Triệu Thị Thu Hà bế em Nguyễn Hoài Nam suốt năm học lớp 1
Cô giáo Triệu Thị Thu Hà bế em Nguyễn Hoài Nam suốt năm học lớp 1

Giờ chào cờ, giờ ăn trưa bán trú hay mọi sinh hoạt cá nhân tại trường, cô đều phải trợ giúp, vì Nam không thể đứng được. Khó khăn nhất là việc cho em đi vệ sinh, cô Hà phải bế như một đứa trẻ nhỏ.

Là người dân tộc Nùng, quê gốc ở Cao Bằng, cô Hà tốt nghiệp sư phạm tiểu học năm 1995. Cô đã có 25 năm công tác trong ngành, trong đó, 14 năm giảng dạy tại Trường Tiểu học Quang Sơn (Lập Thạch) và 11 năm công tác tại Trường Tiểu học Xuân Hòa.

9/11 năm ở Trường Tiểu học Xuân Hòa, cô được Ban giám hiệu tín nhiệm phân công dạy lớp 1, trong đó có 3 năm gắn bó với 2 cậu học trò khuyết tật là Nguyễn Phi (khuyết tật trí tuệ, không có khả năng tự chủ mọi sinh hoạt cá nhân) và Nguyễn Hoài Nam (một học sinh giỏi bị khuyết tật vận động, liệt hai chân bẩm sinh).

Với Nguyễn Phi (suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí tuệ, 3 năm học lớp 1), mọi rắc rối trong giờ học cứ liên tiếp, bởi cứ lúc một có bạn lại thưa: “Cô ơi, bạn Phi tè dầm; cô ơi, bạn Phi muốn đi vệ sinh nặng...”.

Cô giáo Triệu Thị Thu Hà hướng dẫn học sinh Nguyễn Phi viết bài tại lớp.

Cô giáo Triệu Thị Thu Hà hướng dẫn học sinh Nguyễn Phi viết bài tại lớp.

Hai năm học lớp 1 với cô Hà, nhiều lần không tự chủ được, Phi tiểu tiện ngay tại lớp. Là giáo viên chủ nhiệm, cô Hà giữ vai trò như một người thân gần gũi mọi lúc, mọi nơi ở trường, kể cả đang trong giờ học lúc giảng bài cũng phải dừng lại hỏi Phi: “Em buồn đi vệ sinh chưa?”. Cô giáo Hà bền bỉ làm “chiếc đồng hồ sinh học” cho cậu học trò khiếm khuyết.

Năm học trước đó (2019 – 2020), cô Hà nhận lứa học sinh lớp 1 mới trong đó có em Nguyễn Hoài Nam bị khuyết tật vận động. Bố mẹ Nam là công nhân đi làm ăn xa, hàng ngày ông nội già yếu là người đưa em đến trường. Cùng phụ giúp với ông, ngày mưa hay ngày nắng, sáng nào cô Hà cũng chủ động đến trường từ rất sớm để bế Hoài Nam vào lớp giờ chào cờ, giờ ăn trưa bán trú hay mọi sinh hoạt cá nhân của Nam tại trường, cô đều phải trợ giúp, vì Nam không thể đứng được. Khó khăn nhất là việc cho em đi vệ sinh, cô phải bế như một đứa trẻ nhỏ.

Cô Nguyễn Thị Hồng An, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hòa cho biết: “Cô Hà là một giáo viên giỏi chuyên môn và có tấm lòng nhân ái. Cô thương học trò như con đẻ, đặc biệt là với những học sinh khuyết tật. 3 năm liền cô rất vất vả với hai em Nguyễn Phi và Hoài Nam nên năm học 2021 – 2022, Ban giám giám hiệu nhà trường phân công cô dạy lớp 2A3 để các đồng nghiệp khác trẻ hơn chia sẻ nỗi vất vả đó”.

Mặc dù từng đạt giải Ba thi Giáo viên giỏi năm 2015 - 2016, giải Nhì thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi năm 2016 – 2017 cấp huyện, nhưng niềm vui và nguồn động viên lớn nhất của cô là được nhìn thấy cậu học trò Nguyễn Phi khỏe mạnh, bớt ốm hơn và thành tích học tập xuất sắc của Nguyễn Hoài Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ