Niềm vui của cô giáo dạy trẻ đặc biệt

GD&TĐ - Cô giáo Nguyễn Thị Kim Vui, GV dạy trẻ đặc biệt tại TT nghiên cứu, hỗ trợ và Phát triển GD hòa nhập Ánh Sao thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc không chỉ đem đến nhiều niềm vui cho trẻ đặc biệt mà cả gia đình các em.  

Giáo viên Nguyễn Thị Kim Vui tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn
Giáo viên Nguyễn Thị Kim Vui tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn

Nguyễn Thị Kim Vui sinh năm 1991 tại xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Gia đình không có ai theo nghề giáo, bố mẹ Vui làm kinh doanh, buôn bán nên hướng con cái theo nghề để nối nghiệp. Là chị gái lớn trong gia đình, bên dưới còn hai em nhỏ, vì chiều lòng bố mẹ, sau khi tốt nghiệp THPT, Vui theo học ngành kế toán. Tuy nhiên, sau đó Vui bỏ dở việc học…

Mong ước trở thành cô giáo dạy trẻ đặc biệt…

Vui kể, năm 2008, khi 17 tuổi, em đi tình nguyện mùa hè hỗ trợ dạy các lớp học mầm non tại huyện miền núi Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Nhận thấy trẻ nhỏ trên đó nhà nghèo, dù nhiều thiếu thốn vẫn khát khao được đi học, sau chuyến đi, em nung nấu mong ước trở thành một cô giáo. Nhưng khi học xong cấp 3, bố mẹ muốn em theo học ngành kế toán để về phụ giúp gia đình. Không muốn bố mẹ buồn lòng, gác lại mong ước, em học tập để trở thành một kế toán. Học được một năm, ngày càng cảm thấy không phù hợp, em đã xin nghỉ học.

Cơ duyên đến, em gặp thầy giáo Hưng - một người tình nguyện dạy trẻ đặc biệt có hoàn cảnh khó khăn. Nhìn thấy thầy quan tâm, dạy dỗ học trò, mong ước được làm cô giáo lại trỗi dậy trong em. Quyết tâm theo đuổi lại ước mơ, ban đầu em đăng ký thi giáo viên mầm non. Nhưng sau đó, điều em mong muốn nhất là trở thành cô giáo dạy trẻ đặc biệt để giúp học sinh có tương lai tốt hơn, được hòa nhập cộng đồng. Quyết tâm lớn ấy đã giúp Vui thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho em theo nghề giáo. Thi đỗ vào khoa Giáo dục đặc biệt, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, năm 2013, Vui ra trường, trở thành cô giáo dạy trẻ đặc biệt như em hằng mong ước.

Kim Vui (đứng thứ 2 từ trái sang, hàng giữa) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp
Kim Vui (đứng thứ 2 từ trái sang, hàng giữa) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp

Buồn, vui và bao nỗi niềm của cô giáo dạy trẻ đặc biệt…

Khi mới ra trường, cô giáo Vui dạy kèm hai trẻ tự kỷ tại trường mầm non Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên. Sau một năm, Vui chuyển tới Trung tâm Ánh Sao cũng ở thành phố này. Nơi đây giáo dục hòa nhập cho trẻ có nhu cầu đặc biệt: chậm nói, tự kỷ, tăng động giảm tập trung, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật học tập, khiếm thính, khiếm thị… Ngành nghề nào cũng có nỗi niềm riêng: niềm vui, nỗi buồn, vinh quang, vất vả nhưng nghề giáo viên dạy trẻ đặc biệt có lẽ có nhiều câu chuyện hơn thế.

Cô giáo Vui tâm sự, một giáo viên dạy học bình thường sẽ đứng lớp phụ trách 30, 40 trẻ nhưng với giáo viên dạy trẻ đặc biệt một cô kèm một trò, năng lượng “tốn” đến ba lần vì phải dạy trẻ vận động thô, vận động tinh. Hoặc dạy về tri giác như: gọi trẻ nghe trả lời, tập trung mắt, kiểm soát hành vi… Học sinh của em có một số trẻ không nhận thức được bố mẹ, người thân; không có ngôn ngữ; rối loạn hành vi; một số em bại não, không đứng, không ngồi càng không thể đi được; số khác học sinh không làm chủ được bản thân: đánh cô, đánh các bạn hoặc tự đánh mình…

Cô giáo Vui trong một giờ dạy học
Cô giáo Vui trong một giờ dạy học

Những ngày đầu đi dạy, khi đang kèm một học sinh 12 tuổi chưa biết nói phát âm tiếng “cô” thì đột nhiên em ấy tát mạnh và cắn chảy máu tay em. Học sinh của em có trẻ không kiềm chế được hành vi như thế. Em cũng có học sinh không may bại não, vì là hàng xóm nên 3, 4 “năm trời” cô đi dạy chở luôn trò đi học. Khi mới tiếp nhận, học sinh đó được hơn 2 tuổi, cơ thể co cứng, không đi vững, không leo được cầu thang; em bước đầu dạy trò tập đi, tập ngồi, đỡ người, dìu, dắt tay; dạy nói, dạy nghe hiểu, hướng dẫn tự phục vụ cá nhân. Hiện tại trò 11 tuổi, có sự tiến bộ, đang trở thành “thiếu nữ” nên em vẫn rất cần sát sao, quan tâm để ý.

Trong hành trình làm nghề, em dạy kèm một học sinh không chịu hợp tác, chuyển qua nhiều trung tâm, nhiều giáo viên nhưng kết quả thu lại rất ít. Là “học sinh ruột”, các đồng nghiệp tại Trung tâm vẫn bảo “nhắc đến học sinh đó là nghĩ ngay đến cô Vui”. Coi như “đầu, tay” của mình, bỏ ra nhiều tâm huyết nhất, em đồng hành cùng trò gần 5 năm, từ một trẻ không có ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp mắt hầu như không có, hành vi rối loạn: không lắng nghe, khóc, giận hờn vô cớ…đến nay, học sinh đã có ngôn ngữ, ngoan ngoãn và nhận thức tiến bộ nhiều. Tuy nhiên, em vẫn đang trăn trở, suy nghĩ tìm hướng đi phù hợp nhất cho học sinh đó.

Với trẻ đặc biệt, giáo viên chúng em phải rất điềm tĩnh, kiên nhẫn, dạy lâu và vô cùng tỉ mỉ, phải hiểu tính từng trẻ, dạy bằng tình thương, trao đổi bằng ánh mắt để cho trẻ cảm giác an toàn, từ đó trẻ tin cô giáo. Có trẻ như đã thành thói quen, vì rất tin tưởng nên có chuyện sẽ tìm cô đầu tiên, ngoan ngoãn, dần hợp tác để cho cô trò cùng học. Cũng có một số học sinh gia đình hoàn cảnh, xa trường, bố mẹ không có điều kiện đưa đón nên em nhận dạy kèm ở tại nhà. Thời điểm dạy song song ở Trung tâm và tại nhà, vất vả, kèm theo lo lắng cho học trò, một tháng sụt 5 cân nhưng em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại…

Khi được hỏi về niềm vui, nỗi buồn của giáo viên dạy trẻ đặc biệt, cô giáo Vui nói: Cũng như bao người thầy, nỗi buồn, niềm vui của em đều gắn với học trò. Nhưng có lẽ nỗi buồn lớn nhất là khi cô dạy mãi trò không tiến bộ. Không ngại vất vả, gian nan nhưng khi dạy không có kết quả, giáo viên buồn và rất trăn trở, nhiều đêm mất ngủ tìm cách thức dạy học phù hợp với từng học trò. Đôi khi, giáo viên chúng em không khỏi chạnh lòng khi các bậc phụ huynh tạo áp lực, muốn có kết quả ngay; khi kết quả không như mong muốn, vì quá thương con, phụ huynh ít nhiều quy kết trách nhiệm cho cô giáo khiến chúng em hoang mang, lo lắng.

Bên cạnh đó, một yếu tố khó khăn nhất là gia đình trẻ không chấp nhận những khiếm khuyết của con, không hợp tác với giáo viên trong việc đánh giá năng lực và quá trình học tập của trẻ; phó mặc con cho cô giáo, để giáo viên tự xoay xở, không phối hợp dạy thêm khi con ở nhà nên có một số trẻ chậm tiến bộ.

Thấu hiểu cảm giác của các phụ huynh, không giải thích, thanh minh, giáo viên chúng em tập trung vào công việc, nỗ lực rèn rũa trẻ; thuyết phục các bậc phụ huynh bằng thành quả của học trò. Khi trẻ có tiến bộ, phụ huynh sẽ hiểu giáo viên, từ đó đồng hành cùng cô trò trong suốt hành trình đưa trẻ đặc biệt hòa nhập cộng đồng. Trên tất cả, giáo viên dạy trẻ đặc biệt chúng em cũng có rất nhiều niềm vui: những trẻ khi mới đến chưa đi được, sau thời gian dài rèn luyện đã tự đi, tự đứng, tự ngồi; trẻ không có ngôn ngữ “bật” ra được từ ngữ đầu tiên, giáo viên chúng em ai nấy đều vỡ òa, hạnh phúc. Niềm vui lớn nhất của em là thấy học trò hiểu biết thêm từng ngày, thấy nụ cười của trẻ, nụ cười hạnh phúc của các bậc phụ huynh. Đó là niềm vui quý giá nhất, em vô cùng trân trọng.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc My - Phó Giám đốc Trung tâm Ánh Sao cho biết: Trung tâm chúng tôi hiện dạy gần 60 trẻ đặc biệt, các bé ở độ tuổi mầm non (từ 18 tháng đến 5 tuổi), độ tuổi đi học (từ 6 tuổi đến 12 tuổi) với nhiều hình thức: học bán trú, can thiệp hoặc học theo ca. 14 nhân viên, giáo viên của Trung tâm có bằng Đại học, có chứng chỉ giáo dục đặc biệt, thương yêu trẻ, tận tâm, tận tụy với công việc. Cô giáo Kim Vui là giáo viên lâu năm của Trung tâm, cô có trình độ chuyên môn tốt, rất nhiệt tình, tâm huyết với học trò; sôi động, sôi nổi, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch cho học sinh cũng như trong tất cả các chương trình họat động của trường lớp. Cô Vui là một trong những giáo viên dạy trẻ đặc biệt lứa đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc; cũng thuộc đội ngũ giáo viên đầu tiên, trụ cột, rất có năng lực của Trung tâm. Trong những trẻ thành công, sau khi tốt nghiệp tại Trung tâm đã đi học hòa nhập, có nhiều em là học sinh do cô Vui trực tiếp dạy dỗ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ