Cô giáo nguyện gắn bó cả đời với sự nghiệp giáo dục nơi đảo Bạch Long Vĩ

GD&TĐ - Vì tình yêu con trẻ, cô Phạm Thị Ngoan, Trường Tiểu học- Mầm non Bạch Long Vĩ nguyện gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục nơi đảo xa.

Cô Ngoan cùng các bé lớp 3,4 tuổi.
Cô Ngoan cùng các bé lớp 3,4 tuổi.

Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương

Bạch Long Vĩ là hòn đảo xa bờ nhất Vịnh Bắc Bộ, cách đất liền Hải Phòng khoảng 110 Km. Cả đảo chỉ có một trường học liên cấp duy nhất là Trường Tiểu học- Mầm non Bạch Long Vĩ. Trường có 36 học sinh thuộc 2 bậc học (27 trẻ mầm non, 9 học sinh tiểu học) và 7 cán bộ, giáo viên. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng tình yêu trẻ bao la là động lực để thầy cô gắn bó với sự nghiệp gieo mầm xanh nơi đảo Tiền tiêu.

Cô Ngoan luôn có nhiều hoạt động giúp trẻ được vui chơi, trải nghiệm trong môi trường học tập.

Cô Ngoan luôn có nhiều hoạt động giúp trẻ được vui chơi, trải nghiệm trong môi trường học tập.

Trong số 7 giáo viên của nhà trường, cô Phạm Thị Ngoan, giáo viên mầm non đã 17 năm gắn bó với đảo. “Năm 2006, sau khi học xong lớp 12, khi nghe thông tin Tổng đội Thanh niên xung phong vận động thanh niên ra đảo Bạch Long Vĩ, tôi đã không ngần ngại đăng kí ngay”, cô Ngoan cho hay.

Theo cô giáo Ngoan, trẻ trên đảo rất ngoan và hiểu chuyện. Chúng rất đáng yêu và coi cô như người mẹ thứ 2 của mình.

Theo cô giáo Ngoan, trẻ trên đảo rất ngoan và hiểu chuyện. Chúng rất đáng yêu và coi cô như người mẹ thứ 2 của mình.

“Tôi đăng kí nhưng cũng không biết Bạch Long Vĩ ở đâu, xa xôi cách trở như nào. Nhưng khi lên đường ra đảo, thực sự tôi thấy nỗi khó khăn vất vả của người dân. Con đường ra đảo duy nhất bằng tàu biển, ngày ấy tàu còn nhỏ, thô sơ phải lênh đênh nửa ngày mới ra đến đảo. Những con sóng bạc đầu nhiều lúc như nhấn chìm cả con tàu khiến nỗi sợ hãi trong tôi luôn thường trực. Say sóng cồn cào và nhớ nhà da diết là cảm giác những ngày tôi mới đến đảo”.

13 năm gắn bó với Tổng đội Thanh niên xung phong trên đảo Bạch Long Vĩ. Bởi tình yêu thương con trẻ nên sau khi hết nghĩa vụ cô Ngoan xin đi học lớp Trung cấp mầm non với mong muốn được trở thành cô giáo. Ước mơ thành hiện thực và cô đã chính thức là người mẹ thứ 2 của trẻ trên đảo 4 năm qua.

Trẻ thường làm nũng đòi "mẹ Ngoan" cột tóc, ru ngủ...

Trẻ thường làm nũng đòi "mẹ Ngoan" cột tóc, ru ngủ...

Theo cô Ngoan, việc chăm nuôi trẻ ngoài đảo có nhiều khó khăn hơn đất liền, vì cha mẹ các em làm nghề biển. Nhiều khi vội làm phụ huynh quên luôn cả việc đưa con đi học, hoặc dẫn con đi câu mực, đánh cá xa bờ nhiều ngày không đến trường. Vì thế, nhiều trẻ không ổn định tâm lý khi đi học, thường xuyên quấy khóc, thấy bạn khóc nhiều bé bên cạnh cũng khóc theo. Mỗi lần như thế các cô vừa dỗ dành, chăm sóc, lại phải làm tâm lý cho trẻ để rèn các con vào nề nếp.

Giờ học vui nhộn của cô trò.

Giờ học vui nhộn của cô trò.

“Khi quen môi trường học tập, trẻ rất quấn cô, chúng coi cô như mẹ thường xuyên làm nũng để cô cắt móng tay, buộc tóc. Còn các cô giáo coi trẻ như con, trường như ngôi nhà thứ 2”.

Dạy học ở đảo không có áp lực nhiều nhưng thực sự thiếu thốn. Đồ dùng của các con phần nhiều do các cô tự tay làm từ những vật dụng tái chế. Nhiều khi các cô đặt mua đồ trên mạng, nhưng do cách trở địa lý nên khi chuyển ra được đảo cũng mất thời gian dài. Những lúc dạy chuyên đề thiếu thốn vận dụng rất thiệt thòi.

Những hy sinh thầm lặng

Cô Ngoan kể, 5 năm sau ngày đặt chân lên đảo cô nên duyên vợ chồng với một chàng thanh niên xung phong sinh ra và lớn lên tại đảo. Đến nay, 2 vợ chồng cô đã có 2 con trai, bé lớn 12 tuổi và bé út học lớp 1. Đảo không có trường cấp 2, cấp 3 nên khi các con lên 4 tuổi là cô gửi về cho ông bà ngoại trong đất liền chăm nuôi giúp.

Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.

Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.

“Không chăm sóc, nuôi nấng được con là thiệt thòi lớn của giáo viên bám đảo. Nhiều khi con ốm đau, nghe điện thoại của ông bà gọi ra mà lòng như lửa đốt không làm cách nào khác ngoài việc trông mong vào người thân trong đất liền.

Các con đang tuổi phát triển, lắm khi con chểnh mảng chuyện học hành, mỗi lần đọc tin nhắn của cô giáo mà tôi thấy buồn rơi nước mắt. Lúc đó chỉ muốn về ngay với con nhưng xa xôi, sóng nước về sao đặng, tôi lại cố kìm lòng”.

Ngoài công việc nhà nước, vợ chồng cô Ngoan còn trồng rau, nuôi gà và chăn nuôi lợn để tăng gia sản xuất và có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Những thiên thần bé nhỏ trên đảo Tiền tiêu Bạch Long Vĩ, Hải Phòng.

Những thiên thần bé nhỏ trên đảo Tiền tiêu Bạch Long Vĩ, Hải Phòng.

Cô Ngoan tâm sự: Đảo còn khó khăn, đời sống của người dân không mấy dư dả, để có thêm thu nhập họ thường làm thêm nhiều nghề để kiếm sống. Với các thầy cô, ngoài giờ dạy có thể đi biển kiếm cái ăn hay chăn nuôi thêm để phát triển kinh tế. Gia đình cô có anh chồng đi biển nên cô cũng thường lấy lại đồ để bán vào đất liền cho những mỗi quen thân. Quanh năm bận rộn với công việc giúp cô vơi bớt nỗi nhớ quê, nhớ con da diết.

Giờ học đầy năng lượng của lớp 3 tuổi, 4 tuổi Trường Tiểu học- Mầm non Bạch Long Vĩ.

Giờ học đầy năng lượng của lớp 3 tuổi, 4 tuổi Trường Tiểu học- Mầm non Bạch Long Vĩ.

“Một năm tôi thường về quê thăm con vào dịp hè và tết. Có những năm bận quá không về được thì lại đón con ra đảo nghỉ lễ cùng. Bọn trẻ thiếu thốn tình cảm của bố mẹ nhưng không biết làm thế nào để bù lấp cho con mà chỉ biết cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ của mình”, cô Ngoan cho biết.

Khi nói về lý do gắn bó với đảo, cô Ngoan cười hiền: "Nếu bảo vì yêu đảo mà gắn bó tôi thấy lý do đó hão huyền nhưng thực tế với tôi là như vậy. Tôi yêu đảo và yêu người dân, yêu những đứa trẻ nơi đây."

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ