Cô giáo Ngữ văn 31 năm 'truyền lửa' cho bao thế hệ học trò

GD&TĐ - Suốt 31 năm giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy - giáo viên môn Ngữ Văn vẫn say sưa và miệt mài "truyền lửa" tới từng thế hệ học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy trong giờ lên lớp của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy trong giờ lên lớp của mình.

Nghề giáo đã thấm từ trong máu

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1968) – giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) là một trong những giáo viên “gạo cội” với 31 năm cống hiến cho nhà trường.

Sau khi Tốt nghiệp Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế năm 1991, cô Nguyễn Thị Thu Thủy được chuyển công tác về thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được 7 năm thì chuyển công tác ra Trường THPT Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng).

Chia sẻ với PV, cô Thủy cho hay, ngay từ bé, cô đã thích nghề dạy học, vẫn thường đóng vai làm cô giáo dạy cho các bạn cùng trang lứa. “Thời của tôi, có nhiều con đường để lựa chọn nghề nhưng cũng rất khó thi đỗ đại học. Tôi và một người bạn nữa là những đứa con gái đầu tiên của làng đỗ đại học, khác với các bạn chọn các nghề kinh tế, kĩ thuật hay Y dược, Ngoại thương… tôi chọn nghề giáo bởi niềm yêu thích nghề đã thấm trong máu”, cô Thủy chia sẻ.

Cô Thủy cho rằng, để hiện thực hóa giấc mơ làm cô giáo của mình chỉ duy nhất một điều là nỗ lực học tập, không có chuyện: “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”. Hơn nữa, bản thân cô Thủy lúc bấy giờ đã từng là hạt nhân của đội tuyển học sinh giỏi môn Văn từ thời THCS, nên khi vào cấp ba, dù không có điều kiện để theo tiếp nhưng cô vẫn âm thầm tự học hỏi, rèn luyện và thi vào Đại học Sư phạm Huế với số điểm khá cao.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng).

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng).

Gắn bó với ngôi trường từ những năm đầu tiên cho đến bây giờ, cô Thủy biết ơn vô cùng mảnh đất này và coi ngôi trường là ngôi nhà thứ hai của mình. Nhìn ngôi trường từng bước trưởng thành với đội ngũ Ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên ngày càng đông đảo, nhiệt huyết và đoàn kết, cô Thủy thật sự rất vui và tự hào vì có chút công sức của mình ở đó.

“Dù mọc lên giữa miền gió cát, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, học sinh tuy ở địa bàn trong quận nhưng đường đi học khá xa nhưng ngôi trường đang ở tuổi 24 đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào, ”, cô Thủy chia sẻ.

Đã 31 năm thâm niên trong nghề dạy học, với cô Thủy đã có nhiều lớp học trò thành công. Và trong những bước đường thành công ấy, cô Thủy luôn có một hướng đi mới, một phương pháp dạy học mới, nhằm giúp các em học bài tốt hơn.

“Tôi luôn lấy phương châm thân thiện, nhiệt tình trong mỗi giờ lên lớp đặt lên hàng đầu. Để lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên phải thân thiện, tạo không khí giờ học thoải mái, từ đó học sinh mới phát huy được năng lực, sở trường của mình. Thân thiện không phải là dễ dãi mà là giảm bớt áp lực, tránh căng thẳng, giáo viên phải từng bước dẫn dắt, hướng dẫn học sinh bằng hệ thống câu hỏi gợi mở, bằng chuỗi hoạt động hợp lí để các em tự khám phá và chiếm lĩnh tri thức”, cô Thủy bộc bạch.

Cô Thủy nói tiếp: “Sau khi học sinh cơ bản đã nắm được kiến thức, giáo viên phải chốt lại và tiếp tục rèn kĩ năng nói và viết cho học sinh. Phải làm thế nào để giờ học nhẹ nhàng nhưng đầy chất văn, tạo niềm hứng thú cho học sinh bằng lòng nhiệt tình và khả năng truyền đạt của mình”.

Không những vậy, cô Thủy cho rằng, thay đổi phương pháp dạy học ở môn Văn không phải là phủ nhận hoàn toàn phương pháp dạy học cũ mà phải biết kết hợp linh hoạt các phương pháp, tổ chức cho học sinh hoạt động nhiều hơn, phát huy được vai trò chủ động của học sinh nhiều hơn trong giờ học.

Học sinh không thụ động ngồi nghe giáo viên thuyết giảng mà học sinh tích cực làm việc và giáo viên phải là người dẫn dắt, giao nhiệm vụ, từng bước cho học sinh nắm vững tri thức.

Theo cô Thủy, phương pháp dạy học mới không cần ghi chép nhiều mà dạy thế nào để học sinh nắm kĩ năng để áp dụng viết và nói một kiểu bài tương tự. Để tiết học đạt hiệu quả, người giáo viên tùy hoạt động tùy lượng kiến thức mà lựa chọn phương pháp dạy học thích hợp. Có rất nhiều phương pháp như: Dạy học theo hình thức dự án, hợp tác, đóng vai, tình huống, kỹ thuật sơ đồ tư duy… Để có thể vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học hiệu quả thì vai trò Công nghệ thông tin là tiên phong…

Tìm niềm hạnh phúc giản dị qua từng giờ lên lớp

31 năm trôi qua, với cô Thủy rất nhiều kỷ niệm về học sinh còn đọng lại. Nhưng việc khiến cô nhớ nhất chính là từng đến nhà học sinh khó khăn để tìm hiểu rồi tìm cách giúp các em học sinh ấy vượt lên số phận.

Một khi nghề đã chọn mình, mình phải thật sự giữ cái tâm với nghề, tìm niềm hạnh phúc trong sự gắn bó với đồng nghiệp và nhiệt huyết với công việc. Mỗi ngày đứng trước học sinh là mỗi ngày tôi luôn tự hoàn thiện mình.

“Trước đây khi còn làm giáo viên chủ nhiệm, tôi thường tìm đến nhà để thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh các em để báo lên Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ các em. Vì điều kiện đồng lương và cả 2 vợ chồng tôi đều là giáo viên, nuôi 3 con ăn học, việc giúp đỡ vật chất cho các em chỉ là động viên. Hàng năm nhà trường có tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh thi tốt nghiệp, tôi thường có chế độ miễn giảm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Quan tâm các em nhiều hơn để các em bỏ bớt những mặc cảm mà hòa nhập với các bạn cùng trang lứa”, cô Thủy nói.

Cô Thủy cho hay, dẫu biết rằng nghề dạy học là một nghề đầy áp lực nhất là trong điều kiện hiện nay, nhiều người còn nhìn méo mó, thậm chí nhiều định kiến, cái nhìn sai lệch đối với giáo viên. Song theo cô không phải xã hội có cái nhiều thành kiến như vậy là nên bỏ nghề.

“Một khi nghề đã chọn mình, mình phải thật sự giữ cái tâm với nghề, tìm niềm hạnh phúc trong sự gắn bó với đồng nghiệp và nhiệt huyết với công việc. Mỗi ngày đứng trước học sinh là mỗi ngày tôi luôn tự hoàn thiện mình.

Vẫn còn đó nhiều phụ huynh tin tưởng mình, vẫn còn đó bao ánh mắt học trò chào đón mình, mình phải tự đấu tranh với chính mình để vượt lên những cám dỗ, tìm niềm hạnh phúc giản dị qua từng giờ lên lớp. Và theo tôi, dấn thân với nghề và yêu nghề với tất cả toàn tâm là điều kiện tiên quyết giúp tôi vượt lên mọi áp lực từ công việc và mọi thành kiến”, cô Thủy nhấn mạnh.

Cô Thủy nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017.

Cô Thủy nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017.

Cũng như mọi người, được xem nhiều phóng sự về những tấm gương của đồng nghiệp mình, những người đã và đang ngày đêm cống hiến trí tuệ, sức khỏe để “gieo chữ” trên vùng miền núi, biên giới và hải đảo, cô Thủy thật sự cảm động và khâm phục họ.

“Tôi cảm thấy những đóng góp của mình còn quá nhỏ bé so với các đồng nghiệp vượt núi băng lũ đến trường. Họ mãi là động lực để tôi cố gắng nhiều và nhiều hơn nữa. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin chúc tất cả đồng nghiệp nhất là các thầy cô đang công tác tại miền núi, hải đảo luôn mạnh khỏe, luôn nhiệt huyết và vững vàng với nghề đã chọn, sống tử tế để truyền đạo đức và con chữ đến với học sinh ở mọi lứa tuổi”, cô Thủy nhắn nhủ.

Nhiều năm liền đạt Chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi cơ sở. Nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Giải thưởng Nhà giáo Võ Trường Toản năm 2017, Bồi dưỡng học sinh giỏi Văn 12 cấp thành phố liên tục đạt giải cao...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.