Cô giáo miền núi chia sẻ kinh nghiệm xây trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2

GD&TĐ - "Để trường mầm non vùng khó đạt chuẩn mức độ 2, cần xác định mục tiêu rõ ràng dựa trên điều kiện của nhà trường", cô Nguyễn Thị Hiếu chia sẻ.

Một tiết học của học sinh lớp 5 tuổi Trường Mầm non Phúc Trạch.
Một tiết học của học sinh lớp 5 tuổi Trường Mầm non Phúc Trạch.

Nỗ lực của ngôi trường miền núi

Cô Nguyễn Thị Hiếu, hiện là Hiệu trưởng Trường MN Phúc Trạch. Đây là ngôi trường nằm trên địa bàn khó khăn thuộc huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Trước đây, trường có nhiều điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn, phải học nhờ tại hội quán, nhà dân. Phòng chức năng còn thiếu, đồ dùng, đồ chơi ít ỏi, nghèo nàn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chỉ ở mức đạt chuẩn. Chất lượng giáo dục trẻ còn thấp, mọi điều kiện sinh hoạt và hoạt động chuyên môn của trường gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Cô Nguyễn Thị Hiếu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Cô Nguyễn Thị Hiếu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Thực hiện Đề án quy hoạch hệ thống trường lớp của UBND tỉnh và huyện Hương Khê, kể từ năm 2017 đến nay, trường được chuyển về một điểm tại xóm 3, xã Phúc Trạch.

Trường có diện tích 7.402m2 (bình quân là 22,36m2/học sinh). Đến nay, trường được đầu tư xây 2 dãy nhà cao tầng với 12 phòng học khép kín với tổng diện tích gần 1.440m2, có đầy đủ phòng phục vụ học tập và phòng chức năng. Quy mô 12 nhóm lớp, trong đó có 11 lớp mẫu giáo và 1 nhóm trẻ với hơn 300 em.

Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên, thành tích của nhà trường ngày được nâng cao. Nhiều năm liền, nhà trường được đánh giá trong tốp dẫn đầu của bậc học mầm non huyện nhà. Năm học 2019-2020 được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh. Đội ngũ giáo viên được động viên, khuyến khích tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiện tất cả có trình độ từ chuẩn trở lên. Cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm, có tinh thần đoàn kết, thống nhất cao.

Trường Mầm non Phúc Trạch đón nhận bằng chứng nhận Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 vào tháng 6/2022.

Trường Mầm non Phúc Trạch đón nhận bằng chứng nhận Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 vào tháng 6/2022.

Năm 2021, xã Phúc Trạch đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia (TCQG) trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm của các cấp ngành. Tập thể Trường Mầm non Phúc Trạch xác định nhiệm vụ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tập trung xây dựng và củng cố các tiêu chí để về đích trong năm 2022.

“Là trường vùng khó, phụ huynh chủ yếu làm nghề nông, các khoản xã hội hóa từ phụ huynh để xây dựng công trình hạng mục cho trẻ đáp ứng chuẩn mức độ 2 rất khó. Chính vì vậy, ngoài nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, ngân sách địa phương, ban giám hiệu nhà trường vận dụng nhiều cách làm hay nhằm kêu gọi hỗ trợ từ nhà hảo tâm. Nhờ thế, nhà trường đã có nguồn kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất. Tháng 6 vừa qua, trường được công nhận Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2”, cô Hiếu chia sẻ.

"Bí kíp" của trường vùng khó

Hiệu trưởng Trường MN Phúc Trạch cho biết, sau khi quyết tâm đưa trường từ mức độ 1 lên đạt chuẩn mức độ 2, BGH đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể. Từ thực tế của nhà trường, ban giám hiệu cũng xác định việc làm đầu tiên và quan trọng đó là huy động mọi nguồn lực cho xây dựng hạ tầng cơ sở.

Bằng nhiều cách làm hay, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư và nâng cấp đồng bộ.

Bằng nhiều cách làm hay, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư và nâng cấp đồng bộ.

Do địa bàn trường vùng khó, nguồn kinh phí hạn hẹp, nhà trường luôn làm tốt công tác tham mưu, tranh thủ thời cơ, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp. Trong đó, hiệu trưởng có vai trò quan trọng tham mưu với cấp ủy, chính quyền và cơ quan quản lý chuyên môn.

“Để tham mưu một cách hiệu quả, hợp lý, bản thân hiệu trưởng phải nắm rõ các thông tư, quy định của ngành Giáo dục. Khi tham mưu, tôi cũng mạnh dạn đề xuất các ý kiến, phương án để lãnh đạo địa phương và phòng GD&ĐT quyết định các vấn đề về xây dựng trường chuẩn ngoài khả năng giải quyết của hiệu trưởng”, cô Hiếu cho hay.

Tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần đạt 85% - 98%, trong đó trẻ 5 tuổi chuyên cần đạt 98%.

Tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần đạt 85% - 98%, trong đó trẻ 5 tuổi chuyên cần đạt 98%.

Nhờ đó, những năm gần đây, Trường MN Phúc Trạch luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, bố trí kinh phí cải tạo được 6 phòng học, xây mới 6 phòng học cao tầng đảm bảo đạt chuẩn, có kèm phòng ngủ và công trình vệ sinh khép kín. Nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân trong xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trong năm 2020-2021 đã huy động hàng ngàn ngày công, hàng tỷ đồng để xây dựng chỉnh trang khuôn viên, lát gạch toàn bộ sân trường, cải tạo phòng hành chính, nhà vệ sinh giáo viên, nhà bếp,...

Một tiết học vẽ trong khuôn viên trường của học sinh Mầm non Phúc Trạch.

Một tiết học vẽ trong khuôn viên trường của học sinh Mầm non Phúc Trạch.

Cùng với đảm bảo cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên được quan tâm nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ. Đội ngũ giáo viên luôn cố gắng thực hiện tốt phương châm “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”; xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học; mỗi một đồ vật, hình ảnh, góc chơi, mảng tường trong trường mầm non đều phải mang tính giáo dục, mang tính mở kích thích trẻ hoạt động tích cực.

Em Trần Thị Thanh Thảo (lớp 5 tuổi) hào hứng: "Năm học mới này chúng cháu rất vui vì có sân chơi rộng rãi với nhiều đồ chơi đẹp. Chúng cháu còn được học vẽ, múa ở trong vườn cổ tích nữa".

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự yên tâm khi gửi con tại Trường MN Phúc Trạch. Chị Đặng Thị Thắm (SN 1997, phụ huynh lớp 3 tuổi) chia sẻ: "Tôi có 2 cháu đang theo học tại trường. Dù là địa bàn huyện miền núi nhưng có sở vật chất nhà trường ngày càng được rất đầy đủ. Ngoài việc học trên lớp, cháu cũng thường xuyên về khoe với bố mẹ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm ngoài lớp: hoạt động vệ sinh, lao động tự phục vụ, hoạt động góc... Những hoạt động này, giúp cháu hình thành rất nhiều thói quen tốt. Đặc biệt, qua nhiều năm làm phụ huynh tại đây, tôi yên tâm gửi con bởi các cô tại trường rất thương và quan tâm đến trẻ”.

“Chặng đường xây dựng trường chuẩn quốc gia thu được thành quả bước đầu, khuôn viên nhà trường đã có diện mạo hoàn toàn mới, khang trang, sạch đẹp, an toàn và thân thiện. Kết thúc năm học 2021-2022, nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2. Năm học tiếp theo, nhà trường dự kiến tiếp tục hoàn thiện và xây dựng trường là một điểm đến toàn diện về cơ sở vật chất, cảnh quan thẩm mỹ cũng như chất lượng chăm sóc giáo dục”, cô Hiếu bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.