Cô giáo mang khoa học kĩ thuật đến với học sinh nông thôn

GD&TĐ - Ngoài những tiết học lý thuyết, cô Phùng Thị Hà- giáo viên trường THPT Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội) có sáng kiến chuyển hơn 60% thời lượng dạy môn Công nghệ thành những hoạt động thực hành như dạy học trò trồng nấm, làm bỏng ngô, bánh kẹo, chuối sấy... để đem bán.

Cô giáo mang khoa học kĩ thuật đến với học sinh nông thôn

Tham quan một tiết học về khả năng ứng dụng phân vi sinh trong chăn nuôi của các  bạn học sinh trường THPT Yên Lãng, mọi người thấy rằng không còn những lí thuyết ghi chép dài dòng, mọi kiến thức của tiết học này được truyền tải một cách đơn giản và dễ hiểu trên giáo cụ trực quan như bột ngô, bột sắn, những loại thức ăn chăn nuôi không xa lạ với học sinh nông thôn.

Bùi Văn Nam- học sinh lớp 10A6 cho biết: Sau tiết học này em về ứng dụng trong việc chăn nuôi của nhà mình để tạo ra một số thức ăn dinh dưỡng cho gia cầm. Em đã có một tiết học rất bổ ích vì sau tiết học này em biết được nhiều thứ, biết được ứng dụng của vi sinh vật trong sản xuất và chăn nuôi như thế nào.

Với quan niệm ứng dụng lí thuyết một cách gần gũi nhất vào đời sống, trong gần 15 năm đứng lớp, các tiết học của cô Hà luôn thu hút được sự chú ý của các bạn học sinh.

Một giờ thực hành môn Công nghệ của học sinh trường THPT Yên Lãng

Cô Hà chia sẻ rằng: Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần khơi dậy cho học trò những vấn đề thực tế cần giải quyết từ chính gia đình của các em và đó là điều mà các em cảm thấy hứng thú nhất.

Trong những giờ lên lớp, cô Hà luôn định hướng cho học sinh, cùng các em đưa ra các giải pháp và thực hiện các giải pháp đó. Các bài học của cô gần gũi với cuộc sống đời thường, nhất là với cuộc sống của học sinh nông thôn như dùng rơm làm thức ăn cho bò, làm phân bón, làm chổi, làm chất độn và làm nấm rơm.

Để ngăn chặn và thực hiện chiến dịch “cánh đồng không đốt rơm rạ”, cô Hà nhấn mạnh vấn đề này trong mỗi tiết học Công nghệ và đưa ra những phương pháp hữu ích trong tái sử dụng rơm rạ nhằm phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Trong năm học vừa qua, dưới sự hướng dẫn của cô Hà, học sinh đã cùng nhau tạo ra rất nhiều sản phẩm thú vị như trồng nấm, làm bánh kẹo, bỏng ngô, chuối khô. Trong đó, bỏng ngô không chỉ là loại bỏng truyền thống mà cô Hà còn sáng tạo bằng cách tẩm gừng làm cho món ăn dân dã này trở nên đặc sắc hơn.

“Bỏng tẩm nước gừng sẽ khiến món ăn có mùi vị thơm hơn, cân cũng nặng hơn nên khi bán ra, các em rất hào hứng bởi ai cũng hưởng ứng. Phụ huynh, bà con mua ủng hộ là chính, hoạt động này nhằm giúp các em bước đầu hình thành các ý tưởng kinh doanh - một trong những học phần của môn Công nghệ”.

Theo cô Hà, những thứ gần gũi trong cuộc sống sẽ làm bài giảng thêm sinh động và hấp dẫn được học trò

Điều cô tin tưởng rằng, nếu người thầy đem tâm huyết của mình vào bộ môn thì một ngày không xa, môn Công nghệ tuy “phụ” nhưng sẽ không hề “phụ” chút nào. Trong môn học cô luôn định hướng các em biết cách thực hiện các kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với gia đình, chế biến những sản phẩm mà gia đình các em nuôi trồng được.

Cùng với kiến thức phần Kinh doanh sẽ giúp các em biết cách tiêu thụ những sản phẩm làm ra, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Ở một số lớp, cô Hà định hướng cho các em thành lập “Hội kinh doanh nhỏ”, tiền lãi thu được đưa vào quỹ lớp, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Việc làm này được các em hưởng ứng nhiệt tình, vừa để gây quỹ, vừa để thực hành kiến thức phần “Kinh doanh” có hiệu quả. Từ đó cô Hà định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo nhóm, giúp các em phát huy khả năng của bản thân và tự tin lập nghiệp ngay khi học xong THPT.

Với những thành tích đạt được trong quá trình dạy học, cô Phùng Thị Hà là một trong 100 nhà giáo vinh dự nhận giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo"  lần đầu tiên được Sở GD&ĐT phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” do Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.