Cô giáo mầm non ứng dụng công nghệ dạy tiếng Việt

GD&TĐ - Cô Nông Thị Hiệu (sinh năm 1990) đã có hơn 10 năm là giáo viên Trường Mầm non Bình Văn, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn).

Cô giáo Nông Thị Hiệu (bên trái) cùng đồng nghiệp và học trò thân yêu. Ảnh: NVCC
Cô giáo Nông Thị Hiệu (bên trái) cùng đồng nghiệp và học trò thân yêu. Ảnh: NVCC

Cô giáo trẻ đã ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao.

Việc gì cũng đến tay

Cô giáo Nông Thị Hiệu. Ảnh: NVCC

Cô giáo Nông Thị Hiệu. Ảnh: NVCC

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (năm 2011), cô Nông Thị Hiệu được phân công giảng dạy tại Trường Mầm non Bình Văn. Đây là ngôi trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn.

Đến Bình Văn công tác rồi, cô Hiệu mới phần nào thấu hiểu hoàn cảnh sống khó khăn vất vả của các em học sinh nơi đây. Đa phần các cháu thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo. Những ngày mưa rét ở Bình Văn nhiệt độ thấp hơn các khu vực khác từ 2 - 3 độ trong khi các con đi học không có áo ấm để mặc.

“Nhiều cháu có bố mẹ đi làm công nhân nên ở với ông bà, lúc nào trên khuôn mặt cũng đầy vẻ lo lắng bởi không có người hướng dẫn, chỉ bảo tận nơi. Có cháu vì nhà đông con lại quá nghèo không có tiền đi học như các bạn. Các cháu, chủ yếu là người Tày, ít có cơ hội giao tiếp bên ngoài nên rất nhút nhát, vốn tiếng Việt và khả năng diễn đạt cũng hạn chế”, cô Hiệu nhớ lại.

Nhà trường chỉ có 2 giáo viên chính thức, còn lại là làm hợp đồng. Người thì ít mà công việc thì nhiều nên các cô ngoài nghề dạy trẻ thì “nghề gì cũng biết làm, việc gì cũng đến tay”.

“Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng Trường Mầm non Bình Văn, từ một ngôi trường khó khăn đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2015. Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ, các cháu có môi trường học tập tốt hơn. Đây là điều mà cô và trò nơi đây đều vui mừng và tự hào”, cô Hiệu nói.

Giáo viên trẻ đừng ngại, đừng sợ…

Cô Hiệu nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến, đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2018 - 2019. Đồng thời, nhận Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn về những đổi mới sáng tạo trong công tác dạy và học năm học 2021 - 2022. Tham gia thi xây dựng video, clip hướng dẫn cha mẹ học sinh chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình đạt giải A cấp huyện, giải B cấp tỉnh năm học 2021 - 2022. Thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện được tuyên dương về thuyết trình biện pháp CS&GD năm học 2021 - 2022.

Yêu nghề, đam mê với lựa chọn, cô giáo trẻ ngày một nỗ lực hơn để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Cô Hiệu mạnh dạn áp dụng các biện pháp dạy học mới có ứng dụng công nghệ thông tin và đi sâu vào tận dụng đồ dùng, đồ chơi có sẵn tại địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt các chuyên đề “Dạy học lấy trẻ làm trung tâm” và “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số”.

Kết quả nhận được thật bất ngờ, trẻ nói lưu loát tiếng Việt, khả năng diễn đạt tốt, trẻ còn có thể tự kể những câu chuyện sáng tạo theo ý thích của bản thân. Phụ huynh đồng hành cùng giáo viên trong việc dạy trẻ tại nhà, ủng hộ nguyên liệu, thực phẩm cho trẻ học tại lớp như trứng, rau, củ…Vì vậy kết quả học tập của trẻ chuyển biến rõ rệt. Nhà trường còn đạt thành tích cao trong các phong trào “Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp và thân thiện”.

Bên cạnh công tác giảng dạy, cô Hiệu còn phụ trách công tác nữ công. Ngoài việc chăm lo đời sống của chị em trong đơn vị, cô thường xuyên tuyên truyền, động viên chị em tham gia các phong trào của xã như giao lưu bóng chuyền, nhảy dân vũ… và đạt kết quả cao.

Trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cô cùng các chị em trong Ban Chấp hành Công đoàn cũng đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức xã hội quyên góp, ủng hộ các cháu học sinh Trường Tiểu học Bình Văn trong khu cách ly. Tổng số tiền là hơn 15 triệu đồng. Mục đích để trang bị đồ dùng thiết yếu, đồ dùng học tập, đồ chơi cho các cháu trong thời gian cách ly.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.