Cô giáo mang yêu thương đến với trẻ khuyết tật

GD&TĐ - Hơn 20 năm dạy trẻ khuyết tật tại Trường chuyên biệt Tương Lai, cô Nguyễn Thị Hoài Thu, đã mang yêu thương đến với nhiều thế hệ học trò.

Cô Hoài Thu hướng dẫn học sinh khiếm thính cách nhận biết các con vật bằng ký hiệu ngôn ngữ.
Cô Hoài Thu hướng dẫn học sinh khiếm thính cách nhận biết các con vật bằng ký hiệu ngôn ngữ.

Cô Nguyễn Thị Hoài Thu, 43 tuổi, phường Bình Thuận (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng có nhiều sáng kiến đạt giải cao và thành tích xuất sắc.

Đến bằng tình yêu thương

Đến lớp Đ3, Trường chuyên biệt Tương Lai, vào một ngày đầu tháng 10, chúng tôi được tận mắt chứng kiến một buổi học của các trẻ khiếm thính. Lớp học chỉ có 9 học trò. Cô Thu đang dạy các em cách nhận biết các con vật như gà trống, gà mái, con vịt. Cô treo bức tranh có vẽ các con vật ấy lên bảng, vừa chỉ, vừa làm động tác diễn giải cho các em biết được từng con vật.

Cô diễn giải bằng ngôn ngữ ký hiệu, làm đi làm lại nhiều lần một cách tỉ mỉ, kiên trì. Rồi cô đến bên từng em, ân cần bày lại cho các em cách nhận biết ba con vật nêu trên. Mọi động tác của cô cũng đều bằng ngôn ngữ ký hiệu. Cô giảng đi giảng lại hàng mấy chục lần, nét mặt luôn tươi vui, nhã nhặn…

Năm 2001, từ Trường Mầm non Khai Trí (quận Sơn Trà), cô Hoài Thu được chuyển về công tác tại Trường chuyên biệt Tương Lai (quận Hải Châu). Cô đã đến với trẻ khuyết tật nơi đây bằng tất cả nhiệt tình, tâm huyết và tấm lòng thương yêu những đứa trẻ kém may mắn. Đối với các em hằng ngày, ở cô không chỉ có trách nhiệm, kiến thức và phương pháp giáo dục, mà còn có cả tình thương yêu của người mẹ đối với những đứa con của mình.

Theo cô Thu, mình phải làm cho các em không còn mặc cảm về tật nguyền của bản thân và phải tận tâm tận lực hỗ trợ các em những kỹ năng hòa nhập cộng đồng. “Tôi luôn tìm mọi cách để các em cảm thấy vui vẻ, hào hứng trong quá trình học tập, sinh hoạt. Lúc đầu, tôi cùng chơi đùa với các em, tạo sự thân mật, tin cậy đối với từng em, rồi dần dần tôi chỉ bảo, bày vẽ, hướng dẫn cho các em từng kỹ năng nhỏ”, cô Hoài Thu chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hoài Thu hướng dẫn học sinh khiếm thính về cách nhận biết các con vật thông thường.

Cô Nguyễn Thị Hoài Thu hướng dẫn học sinh khiếm thính về cách nhận biết các con vật thông thường.

Không ngừng học tập

Vào dịp nghỉ hè hằng năm, cô Hoài Thu tranh thủ đi học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó, cô lần lượt tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế và tốt nghiệp bằng 2 về giáo dục trẻ khuyết tật tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình công tác, cô tích cực vận dụng những kiến thức mới, những tiến bộ khoa học vào thực tế giảng dạy học sinh khiếm thính. Qua đó, những lớp học do cô làm chủ nhiệm hằng năm luôn dẫn đầu toàn trường về kết quả dạy và học.

Trên cương vị Trưởng ban Nữ công Trường chuyên biệt Tương Lai, cô Hoài Thu tích cực tham mưu tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao và các chương trình trợ giúp học sinh, góp phần xây dựng công đoàn nhà trường vững mạnh toàn diện nhiều năm liền. Đặc biệt, cô Hoài Thu đã cưu mang, đùm bọc hai em Ngô Hà Bảo Thư và Trần Thanh Hải (cùng quê tỉnh Quảng Nam và cùng bị khuyết tật về thính giác), chăm sóc hai em câm điếc này như con của mình trong nhiều năm qua.

Đến nay, Bảo Thư và Thanh Hải cùng học lớp 6 tại Trường chuyên biệt Tương Lai. Nói về nhà giáo giàu lòng nhân hậu này, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai Nguyễn Duy Quy nhấn mạnh: “Từ tấm lòng thương yêu những đứa trẻ tật nguyền như con của mình, cô Hoài Thu đã trở thành “con chim đầu đàn” của nhà trường về dạy trẻ khuyết tật, nhiều năm liền đạt danh hiệu Giáo viên giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.

Những năm qua, cô Hoài Thu có nhiều sáng kiến về làm đồ dùng dạy học, được các cơ quan chức năng đánh giá cao, tiêu biểu như sáng kiến “Mô hình hình học giúp học sinh khiếm thính tiểu học Trường chuyên biệt Tương Lai học tốt môn Toán” đạt giải C cấp thành phố trong năm học 2021 - 2022.

Cũng trong năm học vừa qua, cô Hoài Thu đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Đồ dùng dạy học, do Trường chuyên biệt Tương Lai tổ chức và giải Ba tại Hội thi Đồ dùng dạy học tự làm, do Dự án “Tăng cường năng lực mạng lưới Hệ thống giáo dục hòa nhập cộng đồng tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng” tổ chức. Trước đó, cô Hoài Thu đạt giải Nhì cấp thành phố về sáng kiến “Ô cửa đa năng dành cho học sinh khiếm thính Trường chuyên biệt Tương Lai”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ