Đứng bên ngoài điểm trường mầm non Kreng (Trường mầm non xã Hướng Hiệp, huyện Đăkrông), nghe tiếng trẻ cười nói vui vẻ, cô giáo Trung mỉm cười hài lòng. Điểm trường xập xệ xưa kia nay được xây dựng khang trang với ba phòng học, phòng chức năng, nhà để xe, sân chơi, tường rào và cổng. Đây là nơi dạy học của 100 trẻ mầm non thuộc thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp.
Cô Hồ Thị Trung về làm dâu và công tác tại trường mầm non xã Hướng Hiệp, nhà ngay cạnh điểm trường Kreng. Những ngày đầu, bố mẹ cho vợ chồng cô mảnh đất dựng nhà, trồng hoa màu cải thiện cuộc sống. Ban ngày đi dạy, cuối ngày hay cuối tuần cô lại cùng chồng tăng gia.
Hơn 10 năm trước, điểm trường Kreng được nhà nước đầu tư xây dựng phòng học kiên cố, nhưng thiếu đất. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất vùng cao thiếu thốn con chữ, cô Trung hiểu nỗi khát khao đến trường của học trò nghèo. Nghĩ vậy, cô giáo Vân Kiều bàn với chồng, hiến tặng một phần đất để xây phòng học.
Được sự thống nhất của chồng, cô Trung đề đạt nguyện vọng với nhà trường. Nhờ đó, nhiều trẻ em trong bản được đến trường gần hơn, thay vì đến điểm tra xa vì thiếu phòng học như trước. Phụ huynh trong thôn phấn khởi vì có trường gần nên yên tâm lao động.
Cô Trung chia sẻ: "Muốn dạy tốt thì trường lớp phải kiên cố. Trẻ có học được chữ thì mới trưởng thành, sau này giúp quê hương thoát nghèo đói".
Điểm trường khang trang nhờ một phần đóng góp của cô giáo mầm non. Ảnh:Quang Hà |
Đến năm học 2018-2019, nhà nước xây dựng thêm hai phòng học kiên cố, mở rộng sân và xây tường rào, cô Trung thêm một lần hiến phần đất liền kề, tổng cộng cả hai lần là 600 m2.
Cô Trần Thị Thu, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Hiệp, kể số trẻ tăng lên, điểm trường cần mở rộng để đảm bảo việc chăm sóc tốt hơn. Lần này, nhà trường và địa phương tiếp tục vận động và cô Trung đồng ý tặng đất.
Việc thu hẹp phần đất khiến gia đình có đôi chút khó khăn, nhưng cô Trung bảo vẫn vui vì trẻ được học trong không gian thoáng mát, sạch đẹp. Mặt khác, cuộc sống ngày một đi lên, kinh tế gia đình không còn phụ thuộc nhiều vào mảnh đất.