Cô giáo Khánh Toàn và hành trình "tải đạo"

GD&TĐ - Với cô giáo Trần Thị Khánh Toàn (Khánh Toàn), con đường dạy học không chỉ trải đầy “hoa hồng”.

Cô giáo Khánh Toàn trong một tiết dạy Văn.
Cô giáo Khánh Toàn trong một tiết dạy Văn.

Nhưng nhờ nhiệt huyết, tài năng, sự bền bỉ phấn đấu để thực thiện khát vọng “trồng người” nên đã giúp cô làm được nhiều điều quý giá ý nghĩa trong hành trình “đưa đò”, “tải văn”, “tải đạo” của mình.

Chọn lối vào nghề “đưa đò”

Đầu năm 1981, sau khi tốt nghiệp Sư phạm, cô giáo trẻ Trần Khánh Toàn trở thành giáo viên của Trường Phước Lễ A, Châu Thành, Đồng Nai. Ngay từ những bài giảng đầu tiên cô để lại dấu ấn bởi phương pháp giảng dạy độc đáo, cuốn hút học sinh. “Hữu xạ tự nhiên hương” cô giáo trẻ giàu nội lực đã trở thành tân thủ khoa của tỉnh Đồng Nai trong kỳ thi giáo viên giỏi năm ấy với bài “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi.

Năm 1983, cô giáo trẻ Khánh Toàn “theo chồng về dinh”. Trên “đất học” Nghệ Tĩnh. Ở môi trường mới, cô lại tiếp tục tỏa sáng với nhiều thành tích nổi bật – hai lần thủ khoa trong kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Lần thứ nhất vào năm 1989 trong cuộc thi tổ chức tại thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh) - cô Khánh Toàn đã giành điểm cao nhất cuộc thi với bài giảng “Chiếc nhẫn bằng thép” của tác giả K.G.Paustovsky – nhà văn Nga nổi tiếng, từng được đề cử Nobel Văn chương năm 1965.

Lần thứ hai vào năm 1993, cô giành vị trí thủ khoa với số điểm tuyệt đối 20/20 tạo một tiếng vang lớn trong  cuộc thi trí tuệ tập trung nhiều giáo viên giỏi của tỉnh Nghệ An, tại Trường Lê Lợi, thành phố Vinh. Với thành tích vượt trội, cô trở thành tấm gương điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục và đã được nhiều tờ báo như Nhân dân, Giáo dục và Thời đại, Phụ nữ Việt Nam, Công an Nghệ An… vinh danh.

Trong một dịp đến Huế tham quan, cô đã được hội ngộ với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Chuyện trò giao lưu, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rất tâm đắc với bài giảng đoạt giải cao của cô về thi phẩm “Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ” mà ông chính là tác giả.

Bây giờ nhắc đến Khánh Toàn, nhiều thế hệ Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh vẫn dành cho cô trọn vẹn yêu mến, bởi năng lượng sống tràn đầy, tinh thần vượt khó khổ luyện thành tài và để lại trong lòng nhiều thế hệ học sinh nơi đây những bài giảng sâu lắng, tràn đầy cảm xúc.

Cuối năm ấy, cô giáo Khánh Toàn rời quê hương chuyển công tác vào Bà Rịa - Vũng Tàu, tại ngôi trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – vừa mới được thành lập 2 năm. Tại đây, cô trở thành “thế hệ vàng” đầu tiên của trường và có 23 năm thăng hoa cống hiến.

Con trai cô Khánh Toàn - nhà giáo Nguyễn Đình Bửu Tài nối nghiệp mẹ hiện là giáo viên Trường chuyên Lê Quý Đôn.
Con trai cô Khánh Toàn - nhà giáo Nguyễn Đình Bửu Tài nối nghiệp mẹ hiện là giáo viên Trường chuyên Lê Quý Đôn. 

Tỏa sáng trên bục giảng

Khánh Toàn được tạo điều kiện để hoàn thành công việc của mình: Dạy các lớp chuyên Văn, phụ trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi thi quốc gia, thanh tra chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, tham gia các hoạt động đoàn thể của trường. Công việc nào cô cũng “tròn vai”, “cháy” hết mình. Khánh Toàn đã đem về cho trường nhiều thành tích xuất sắc như: Huy chương Vàng hội diễn của ngành, thủ khoa giáo viên giỏi cấp tỉnh đạt số điểm tuyệt đối 20/20 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; 2 tiết dạy toàn quốc xuất sắc do Bộ GD&ĐT tổ chức nhằm ứng dụng CNTT và đổi mới phương pháp dạy học. Đó là dấu ấn năm 2004, tại Trường chuyên Lương Thế Vinh, tỉnh Đồng Nai bài giảng “Thương vợ” của Trần Tế Xương và năm 2015 tại Bà Rịa - Vũng Tàu bài giảng “Vợ nhặt” của Kim Lân.

Bài giảng của cô giáo tài hoa, dày dặn kinh nghiệm và giàu trữ lượng kiến thức được các đồng chí lãnh đạo, các giám đốc sở cùng giáo viên giỏi các tỉnh về dự đều không thể quên được bởi cách thiết kế bài giảng thông minh, linh hoạt, đầy bất ngờ, kết hợp với chất giọng ấm áp có sức truyền cảm tạo hứng thú, cuốn hút người học, người nghe.

Nhờ được học những giờ Văn cuốn hút, học sinh của cô Khánh Toàn đã rất yêu thích môn Văn và khi tham gia các kỳ thi lớn Olympic, học sinh giỏi quốc gia... đã giành được hàng chục giải thưởng cao đem về cho Trường chuyên Lê Quý Đôn. Cả cô và trò đã góp phần làm nên thương hiệu Trường chuyên Lê Quý Đôn. Hằng năm Trường luôn được thăng hạng trong bức tranh giáo dục toàn quốc.

Sự cống hiến của một cô giáo giỏi nghề và tâm huyết đã liên tục được ghi nhận qua nhiều bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Khánh Toàn cũng có những thăng trầm riêng. Năm 2007 cô bị bệnh ung thư. Trong cơn bạo bệnh, cô càng hiểu niềm hạnh phúc của nghề giáo khi được sự quan tâm của phụ huynh, đồng nghiệp và đặc biệt là học sinh Trường chuyên Lê Qúy Đôn. Các em đã xếp tặng cô 9.000 con hạc (chim hỷ) bằng giấy thay ước ao, cầu mong cô mau khỏi bệnh. Cô xúc động chia sẻ: “Đó là một giai đoạn vô cùng khó khăn trong cuộc đời mà tôi phải nỗ lực hết sức mình để vượt qua và chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo. Trong những ngày ấy, tôi nhận thức đầy đủ hơn giá trị đích thực của cuộc sống là sự dâng tặng”.

Luôn sống và tâm niệm suy nghĩ “cho đi là còn mãi”, hằng năm cô giáo Khánh Toàn miệt mài chung tay với MTTQ tỉnh trong công việc thiện nguyện. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, cô đã tặng hàng trăm phần quà ủng hộ người nghèo, cô được UBND TP Vũng Tàu tặng Giấy khen ghi nhận tấm lòng nhân ái của một cô giáo giỏi nghề, nặng ân tình dành cho những cuộc đời kém may mắn. 

Phấn đấu vì cái đẹp là mục đích cô Khánh Toàn theo đuổi.
Phấn đấu vì cái đẹp là mục đích cô Khánh Toàn theo đuổi.

“Như cánh chim không mỏi”

Khánh Toàn tâm sự: “Tôi yêu văn chương, mong truyền trao vẻ đẹp ấy cho học sinh bởi “văn học là nhân học”. Học văn, các em sẽ có cái nhìn tinh tế hơn, tâm hồn được nuôi lớn bởi cái đẹp của văn chương và ngọn lửa ấy sẽ còn mãi trong tâm hồn học sinh, thắp sáng cuộc đời. Tôi tin cách dạy biết vận dụng công nghệ có phương pháp dạy học phù hợp, biết tổ chức lớp học giúp học sinh chủ động khám phá, biết truyền cảm hứng… thì học sinh vẫn mãi yêu môn Văn, mong đợi học Văn”.

Khánh Toàn cho biết, cô còn có một diễm phúc là truyền cảm hứng yêu nghề dạy  học cho con trai Nguyễn Đình Bửu Tài, sau khi tốt nghiệp hai bằng thạc sĩ (tiếng Anh & Tài chính) đã về nối nghiệp mẹ dạy chuyên Anh cùng một mái trường. Vừa qua, Đài HTV7 đã giới thiệu thầy giáo Bửu Tài trong “Khoảnh khắc cuộc đời”, một chương trình vinh danh những tài năng trẻ khi Bửu Tài vừa đạt chứng chỉ CPE của hệ thống đánh giá Anh ngữ Cambridge.

 “Tải văn”, “tải đạo” suy cho cùng đó là hành trình vì cái đẹp. Đó là mục đích sống và cô giáo Trần Thị Khánh Toàn đã và đang miệt mài theo đuổi và tận tụy cống hiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...