Cô giáo hơn 20 lần “hiến máu” cứu người

Cô giáo hơn 20 lần “hiến máu” cứu người

Giọt máu cho đi nhiều người "ở lại"

Cô Đỗ Thị Mai Hoa chia sẻ: Lần đầu tiên tham gia hiến máu (năm 2009), người tôi nhỏ thó, thể trạng ốm yếu nhưng qua tuyên truyền thấy sự cần thiết của mỗi giọt máu cho đi, tôi mạnh dạn tham gia. 

Chỉ thời gian ngắn sau hiến máu, tôi thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ nên sức khỏe tốt hơn trước, tăng cân và người "có da có thịt". Bố mẹ và gia đình ban đầu còn e ngại, thậm chí khuyên tôi suy nghĩ lại quyết định hiến máu, giờ đã yên tâm và động viên tôi trong những lần hiến máu tiếp theo…

Một trong những động lực lớn hơn khiến cô Hoa tích cực với hoạt động hiến máu tình nguyện là: "Năm 2011, chồng tôi bị tại nạn. Các bác sĩ phải sử dụng nhiều máu của các tình nguyện viên để cứu chữa. 

Chính vì vậy, tôi biết ơn những giọt máu của tình nguyện viên đã giúp gia đình tôi không bị "khuyết" một ai. Chồng tôi có cơ hội hồi sinh và hòa nhập với cuộc sống. Từ đó, tôi luôn muốn đóng góp giọt máu của mình để giúp những ai không may gặp hoàn cảnh hoạn nạn sẽ được cứu chữa. 

Bản thân còn sức khỏe, tôi còn tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện…" – cô Hoa bày tỏ.

Để cuộc sống thêm đẹp và ý nghĩa

Cô giáo hơn 20 lần “hiến máu” cứu người ảnh 1
Cô Đỗ Thị Mai Hoa tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện. Ảnh: NVCC 

Có thể thấy, không chỉ bản thân tham gia hiến máu tình nguyện, cô Đỗ Thị Mai Hoa còn là "hạt nhân" tích cực trong việc tuyên truyền để hoạt động này lan tỏa đến mọi người.

Nhớ lại ngày đầu tuyên truyền ý nghĩa hoạt động hiến máu tự nguyện, có người chưa hiểu thấu đáo đã phản bác lại: "Làm giàu cho bác sĩ làm gì? Khi cần máu chúng em vẫn phải mất hàng chục triệu để mua". 

Những lúc như vậy, tôi thấy buồn, nhưng nhanh chóng gạt sang bên để làm tốt công tác tuyên truyền. Cô Hoa lại nhẹ nhàng giải thích: Nếu không có người hiến máu tình nguyện thì dù có tiền, người cần máu để cứu vớt cuộc sống không thể mua được. Số tiền bỏ ra để mua máu thực chất là chi phí cho các hoạt động như lưu trữ, trang thiết bị y tế bảo lưu máu, tổ chức hoạt động hiến máu, tuyên truyền cho mọi người trong xã hội hiểu đúng về hiến máu…

Có thể nói, hơn 400 người được cô Hoa tuyên truyền và tham gia hiến máu tình nguyện là con số không nhỏ. Càng không phải là việc làm dễ dàng với một cá nhân nếu không có uy tín và biết cách lan tỏa hành động ý nghĩa.

Cô Lã Thị Hồng Lam – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Phong cho biết: Trước đây, GV của trường ít khi tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện. Sau khi cô Hoa tham gia hoạt động này, các đồng nghiệp để ý thấy sức khỏe của cô ấy còn tốt hơn trước. 

Cô Hoa cũng nhiệt tình tuyên truyền giải thích, nhiều GV trong trường đã xóa bỏ được nỗi sợ hãi, họ hiểu đúng hơn về hiến máu tình nguyện. 

Trường Mầm Non Ninh Phong có 16/28 cán bộ, GV tham gia đội tình nguyện viên hiến máu. Đến nay, trong trường có 2 GV hiến máu hơn 10 lần, 6 GV hiến máu 6 - 7 lần. Thậm chí, qua sự tuyên truyền của cô Hoa, có GV còn huy động cả con em, họ hàng… cùng tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Nhiều phụ huynh HS được cô Hoa động viên đã hiểu ý nghĩa của hoạt động này và chủ động tham gia.

Bằng hành động của bản thân cùng sự tuyên truyền tích cực, cô Đỗ Thị Mai Hoa đã góp phần lan tỏa việc làm đẹp, có ích đến nhiều người. 

Việc làm của cô Hoa cho thấy, đội ngũ GV không chỉ chủ động nâng cao chuyên môn để làm tốt công tác giáo dục hằng ngày. Hơn thế, mỗi GV có thể trở thành những tấm gương cho HS, đồng nghiệp…về lối sống đẹp, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

“Cô Đỗ Thị Mai Hoa có chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, được phụ huynh tín nhiệm, đồng nghiệp quý mến. Trong vai trò Chủ tịch Công đoàn trường, cô Hoa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với hoạt động xã hội ý nghĩa như hiến máu tình nguyện, cô Hoa luôn vui vẻ và hết mình. Chúng tôi tự hào khi có đồng nghiệp như vậy”- cô Lã Thị Hồng Lam cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ