Cô giáo được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay: Tôi bật khóc khi nghe tin bác

GD&TĐ - "Tôi đã bật khóc khi nghe tin bác, cảm giác mất mát điều gì rất lớn lao. Bác thực sự như 1 người cha gần gũi và ấm áp”, cô giáo Nhung chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nhung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay, động viên trong chuyến thăm xã vùng cao Trạm Tấu.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nhung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay, động viên trong chuyến thăm xã vùng cao Trạm Tấu.

"Bác gần gũi như 1 người cha, người chú"

Đầu năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm, làm việc và động viên chính quyền cùng người dân xã vùng cao Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).

Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận huyện Trạm Tấu đã có những chuyển biến đáng tự hào. Con người nơi đây đã biết đi lên bằng chính năng lực của mình, tổ chức sản xuất tốt để vươn lên thoát nghèo.

Tổng Bí thư rất mừng vì chính quyền và người dân nơi vùng cao này đã không cam chịu nghèo, không cam chịu khó và tìm mọi cách để thoát nghèo. Đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh của Đảng bộ, chính quyền xã Trạm Tấu.

2.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trạm Tấu.

Ấn tượng về vùng đất này, ngày 16/5/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có thư khen Đảng bộ và Nhân dân xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu. Đó cũng là động lực để người dân nơi đây luôn phấn đấu, nỗ lực hết mình xây dựng quê hương.

Trong chuyến thăm ấy, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nhung (năm đó là giáo viên của Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trạm Tấu), hiện là giáo viên Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phình Hồ đã vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay, ân cần hỏi han.

“Năm đó chúng tôi rất vui mừng được bác Nguyễn Phú Trọng về xã thăm. Lúc đó vào khoảng tháng 1/2013, thời tiết se se lạnh, buổi chiều muộn, khoảng 4h30 - 5h bác làm việc với xã, rồi xuống với nhà trường. Tôi cùng tất cả thầy cô giáo nhà trường và các em học sinh đón bác. Đúng lúc bác xuống sân thì bác gặp tôi đầu tiên và tôi may mắn được bác bắt tay”, cô Nguyễn Thị Thúy Nhung nhớ lại.

"Bác đã ân cần hỏi han tình hình công tác ở đây có gặp khó khăn gì không? Đời sống của các thầy các cô ở vùng cao xa xôi này như thế nào? Tôi chia sẻ với bác, chúng cháu ở đây cũng có khó khăn, nhưng chúng cháu sẽ cố gắng hết sức. Bác hỏi về lương, tôi trả lời: chúng cháu đủ sống, đời sống giáo viên được đảm bảo. Bản thân cháu yên tâm công tác.

Sau đó, bác đi đến chỗ các em học sinh, bác chia bánh kẹo cho các em. Bác ăn mặc rất giản dị, hành động ân cần, chân tình như một người cha, một người chú chứ không phải một vị lãnh đạo cấp cao”, cô Nhung xúc động kể.

Động lực lớn lao với người dân và các thầy cô giáo vùng cao

Đối với cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nhung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất đáng kính, gần gũi, ân cần, ấm áp, giản dị… "Bác đối với dân như người cha, người chú. Không có sự xa cách giữa dân với một vị lãnh đạo cấp cao".

3.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nhung nhớ lại kỷ niệm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay thăm hỏi và động viên.

Sự ấm áp, gần gũi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến không còn khoảng cách giữa người lãnh đạo cao nhất của Đảng với người dân.

Nhân dân các dân tộc của xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái ấn tượng mãi với hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng với mái tóc bạc phơ, nụ cười đôn hậu, thân mật nắm tay từng người dân một cách hân hoan.

Với người dân Trạm Tấu, lời Tổng Bí thư là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã vùng cao đặc biệt khó khăn tạo nên những đổi thay, trở thành xã dẫn đầu trong xóa đói giảm nghèo của huyện vùng cao này.

Trạm Tấu đã chuyển mình chỉ sau chuyến thăm của vị lãnh đạo đáng kính đó một năm. Người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhất là đối với đồng bào Mông, từ manh mún, lạc hậu sang biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Người Mông Trạm Tấu không còn du canh du cư và đã biết chuyển đổi từ gieo cấy một vụ sang làm hai vụ, chuyển từ diện tích trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi theo hướng hàng hóa và thị trường. Không chỉ có vậy, nhiều hộ đồng bào đã biết vay vốn ngân hàng mua trâu, bò chăn nuôi quy mô lớn.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nhung cho biết, cô rất vinh dự, tự hào, được bắt tay bác, được bác hỏi han. Nghe tin bác mất cảm giác như mất đi điều gì to lớn, tôi đã bật khóc.

“Là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa được gặp Tổng Bí thư, tôi cảm thấy phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với việc bác đến thăm động viên đối với bản thân mình cũng như các thầy cô giáo của nhà trường”, cô Nhung xúc động.

Sự chân thành trong lời nói, việc làm của Tổng Bí thư cho đến cử chỉ chăm lo cho dân từ việc nhỏ đến việc lớn; động viên, khen ngợi kịp thời, tạo động lực để nhân dân vươn lên - phong cách ấy đã làm nên một người lãnh đạo mẫu mực, một "Tổng Bí thư của lòng dân", cô Nhung nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ