Muốn truyền cảm hứng cho học sinh học văn
Từ nhỏ, cô Đinh Thị Thủy – giáo viên Trường THCS&THPT Phenikaa (TP. Hà Nội) đã có niềm say mê với văn học. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, dưới sự định hướng của gia đình, cô Thủy quyết định thi vào ngành Sư phạm Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm 2001 sau khi tốt nghiệp, cô được nhận vào giảng dạy tại Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội). Với sức trẻ, tình yêu văn chương vô bờ bến, mỗi giờ giảng cô Thuỷ luôn cố gắng lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến trong văn chương cho học sinh.
Cô Thủy chia sẻ: “Sau khi ra trường, được tiếp xúc với học sinh, tôi cảm thấy yêu nghề hơn. Sau mỗi giờ giảng bài trên lớp, đêm về tôi cặm cụ soạn giáo án, trăn trở làm sao để mỗi giờ giảng của mình học sinh cảm thấy hứng thú, vui vẻ đón nhận kiến thức”.
Từ khi ra trường cho đến nay, cô Thuỷ luôn vững tâm với quan điểm “Giáo dục là con đường giải phóng cái tôi và định hình nhân cách”. Còn học Văn là học cách làm người, cách sống tốt và giúp thay đổi tính cách, quan điểm sống của mỗi học sinh. Do đó, dù dạy ở môi trường nào, đối tượng học sinh ra sao, cô Thủy cũng luôn tìm tòi, sáng tạo, thay đổi các phương pháp dạy học làm sao cho phù hợp với năng lực và tính cách của từng học sinh.
Khơi dậy được cảm xúc, sự sáng tạo trong mỗi học sinh không bị thuộc vào văn mẫu mà bản thân có thể nói lên được suy nghĩ, cảm nhận của mình trong mỗi tác phẩm văn học.
Xây dựng kênh Youtube để giảng dạy cho học sinh
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến thời gian dài, cô Thủy luôn trăn trở làm thế nào để học sinh có thể tiếp nhận bài học online hiệu quả như giảng dạy trực tiếp. Cô Thuỷ giải thích, thời gian học trực tuyến, học sinh cũng như giáo viên phần nào đó cũng bị hạn chế về tương tác dẫn đến hiệu quả bài học không đạt được những mong muốn.
Cô Thủy đã xây dựng kênh Youtube để giảng dạy cho học sinh. |
Bên cạnh đó, qua nhiều buổi học trong quá trình giảng và trao đổi với học sinh, cô Thuỷ nhận thấy một số lượng học sinh không nắm rõ được yêu cầu của bài học, dẫn đến khi trả lời câu hỏi của giáo viên không sát với nội dung bài giảng. Nhiều lần như vậy buộc cô Thủy phải dừng bài giảng để giảng lại phần kiến thức cho học sinh, từ đó sẽ khiến các học sinh đã nắm được bài nghe lại nhiều lần và bị mất sự tập trung.
“Từ những thực tế đó, tôi quyết định thu hình lại bài giảng và đăng lên kênh Youtube và nhắc học sinh xem qua trước khi học. Sau bài giảng, những học sinh chưa nắm rõ kiến thức có thể quay lại xem nên những video này sẽ trở thành nguồn tư liệu tham khảo giá trị. Năm học 2021-2022, tôi quyết định sử dụng ý tưởng trên thành để làm sáng kiến kinh nghiệm đi thi ở Sở GD&ĐT Hà Nội và xếp loại A”, cô Thủy chia sẻ.
Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, hễ lúc nào rảnh rỗi, cô Thủy lại quay các video về bài giảng của mình. Hiện nay, lượng theo dõi của kênh là hơn 600 lượt, trong đó đa phần là học sinh của cô Thuỷ. Đối với các em, kênh Youtube này đã trở thành cuốn sách “tham khảo” hữu ích, tiện lợi để trau dồi kiến thức môn Ngữ văn.
Không những vậy, cô luôn hướng cho học sinh của cảm nhận văn học bằng tâm hồn, không học qua văn mẫu. Cô giáo khuyến khích học sinh tự do sáng tạo, dùng cách hiểu của mình để tự tin diễn đạt.
“Đối với những phần nào hiểu lệch hay xa đề mình sẽ góp ý cùng các em điều chỉnh như vậy các em sẽ tiến bộ nhanh hơn và cảm thấy học văn không khó khăn”, cô Thủy nói.
Bên cạnh đó, các bài giảng của cô Thủy luôn vận dụng những kiến thức từ cuộc sống lồng ghép vào, để học sinh không bị nhàm chán và hiểu được giá trị của học văn.
Cô Thủy nói: “Khi các em học tốt ngữ văn các em sẽ có vôn ngôn ngữ để giao tiếp phong phú. Đặc biệt, tư duy ngôn ngữ nhạy bén sẽ dễ thuyết phục người đối diện. Và cứ như vậy, mỗi ngày mình gửi một thông điệp để học sinh hiểu văn chương cũng gần gủi với cuộc sống, là câu chuyện được viết lên từ cuộc sống để các em dễ cảm nhận hơn”.
Theo chia sẻ của cô Đoàn Thu Hà – Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Phenikaa: Cô Thủy là một cô giáo đúng chất Văn - nhẹ nhàng, nhạy cảm và sâu sắc. Đặc biệt, cô rất vững chuyên môn, yêu nghề, hăng say với nghề.
Trong quá trình làm việc, tôi rất ấn tượng bởi sự chủ động, dám bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình; ham học hỏi; sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn để thử thách bản thân, để học hỏi cái mới và để được thỏa sức sáng tạo.