4 giải pháp quan trọng
Một là: Vấn đề máy tính, kết nối mạng và kĩ năng khai thác internet
Thế giới ngày nay, máy tính là một công cụ lao động phổ biến và việc khai thác thông tin trên Internet đã trở thành một kỹ năng cơ bản. Vì thế, không có lý do gì để các nhà trường không trang bị máy tính có kết nối mạng đến từng học sinh, ít ra là từ THPT, nếu không phải là sớm hơn.
Hai là: Vấn đề ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và kĩ năng công nghệ:
Phương pháp giảng dạy đã được thay đổi, nhưng cần thay đổi mạnh mẽ hơn, để vừa tận dụng các thành tựu công nghệ nâng cao hiệu quả dạy học, vừa trang bị cho người học sự tự tin và thành thạo trong việc sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại - tức là trang bị cho học sinh có “kỹ năng công nghệ”, vốn được các nước tiên tiến xem là kỹ năng cơ bản của mọi học sinh ngay từ đầu thiên niên kỷ.
Ba là: Công tác hướng nghiệp và định hướng ngành nghề đào tạo
Không phải tự nhiên mà các nước phát triển như Mỹ, Úc, Canađa, lại khuyến khích người học lựa chọn các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, thậm chí còn tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế ở lại làm việc sau khi học, bởi đó là những ngành cần thiết, cung cấp nhân lực cho cuộc cạnh tranh kinh tế trong nền công nghiệp 4.0.
Do vậy, phải có những dự báo chính xác về thị trường lao động để công tác hướng nghiệp trong các nhà trường đạt hiệu quả và giúp lựa chọn được những ngành nghề thật sự cần thiết - không chỉ cho thị trường trong nước của ngày hôm nay, mà còn cho thị trường toàn cầu của tương lai.
Bốn là: Vấn đề đào tạo con người
Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi những con người tự tin, tử tế, có năng lực tư duy và sáng tạo - đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu, đồng thời phải giao tiếp được bằng thứ tiếng phổ dụng nhất đó là tiếng Anh. Đó cũng là những kỹ năng mà học sinh, sinh viên Việt Nam đang thiếu nhiều nhất.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Cô Hiền cho biết: Ở Trường tiểu học, THCS&THPT Văn Lang, giáo viên luôn chú trọng việc khai thác các phần mềm ứng dụng. Mỗi giáo viên còn luôn chú ý dành 2 đến 3 phút ở mỗi bài học liên quan để giới thiệu thành tựu công nghệ mới cùng ứng dụng và ý nghĩa của nó. Qua đó, khơi gợi niềm say mê và nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo, chinh phục của các em.
"Chẳng hạn ở bài 5 - Tiếng Anh lớp 10: Chủ đề của bài học là “Công nghệ và bạn”. Trong tiết học, tôi giới thiệu đến các em siêu máy tính AI Bridging Cloud Infrastructure (ABCI) của Nhật Bản. Với khả năng 130 triệu tỷ phép tính mỗi giây, siêu máy tính này sẽ là giải pháp đa tác vụ hoàn hảo, đem đến nhiều lợi ích trong ngành công nghiệp xe tự lái, y học và robot.
Hay thiết thực hơn, tôi hướng dẫn học sinh làm thế nào để phát wifi từ một chiếc điện thoại thông minh cho máy tính xách tay thông qua ứng dụng Personal Hotspot" - Cô Hiền trao đổi.
Cũng theo cô Hiền, đối với việc dạy và học tiếng Anh, quan điểm tiếp cận của nhà trường là "vừa hạt nhân, vừa đại trà". Theo đó, đội ngũ giáo viên Tiếng Anh giỏi và các lớp học Tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài là hạt nhân.
Về đại trà, với kì vọng tự tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh, đồng thời để đáp ứng chuẩn giáo viên trong thời kì hội nhập, chúng tôi đã và đang triển khai dự án cán bộ, giáo viên học tiếng Anh do giáo viên Anh ngữ của nhà trường trực tiếp giảng dạy.
Ngoài ra, chúng tôi hiểu rằng, thực hiện đúng - đủ các yêu cầu đổi mới về chuyên môn tức là đã đáp ứng phần lớn các tiêu chí của nền giáo dục 4.0.
Từ đó, nhà trường đã có một sáng kiến, được Sở GD&ĐT đánh giá cao. Đó là bảng ghi tất cả các tiết/bài dạy theo phân phối chương trình với đầy đủ các nội dung đổi mới của chuyên môn từng môn học ứng với từng khối lớp.