Không chỉ tạo nguồn thu nhập, đam mê của cô trò trường Yên Khánh A đã giúp thay đổi nhận thức về cây sen của rất nhiều người; biến khu ruộng vốn ngập nước bẩn thành vườn sen thơm ngát.
Duyên với sen
Vùng quê nơi cô Hiền sinh sống vốn chủ yếu trồng lúa. Cả xã Yên Khánh chỉ có một gia đình trồng sen ngoài đầm xa khu dân cư. Gắn bó với công việc dạy học, cô Hiền chỉ nghĩ đến việc trồng sen khi hàng ngày đi qua những thửa ruộng bị bỏ hoang do dịch bệnh, do tưới tiêu không hợp lý, đặc biệt sau khi khu công nghiệp Khánh Phú được thành lập.
“Khu ruộng ngay cạnh nhà tôi trước được cấy lúa, nhưng do chuột và sâu bệnh nhiều nên chuyển sang trồng rau muống. Sau đó, nhiều gia đình xây nhà mới, nước thải sinh hoạt tràn ra ruộng, rất mất vệ sinh. Tôi chợt nghĩ, nếu nơi này được trồng sen, đất hoang thay bằng mướt mát lá và hoa sen thì tuyệt vời biết mấy”, cô Hiền kể lại.
Ám ảnh về ý nghĩ ấy, cô giáo dạy Sinh học đã quyết định lấy cây ở đầm về trồng thử ở khu ruộng gần nhà, dù mọi người phản đối, cho rằng sen không thể sống được. Tự thu gom rác, dọn cỏ nơi ruộng trũng ô nhiễm rồi lội bùn lấy cây về trồng, nhưng thời gian đầu thất bại, sen chết hết do thời tiết lạnh. Lần tiếp theo, lại thất bại vì cây bị ốc bươu vàng ăn, sâu phá hoại…
“Đó chỉ là khó khăn nhỏ trong thời gian đầu. Vướng mắc lớn nhất cô trò gặp phải là tài liệu nghiên cứu sâu về cây không có nhiều, có những mảng vấn đề như tơ sen còn chưa được biết đến. Khi cây bị bệnh, việc tìm hiểu và trị bệnh cho cây rất khó khăn do nhận thức còn hạn chế. Nhưng rồi cứ tự mày mò, hỏng thì làm lại, những cây sống sót sinh trưởng rất nhanh. Khu ruộng ngập nước bẩn trở thành vị trí hấp dẫn mọi người vì nước trở nên trong, sạch, hương sen thơm ngát cả mùa hè. Mọi người ai cũng xin lá, hoa, cây con về trồng”, cô Hiền nhớ lại.
Càng làm càng mê, cô giáo nhớ mãi lần theo dõi những bông hoa nở đầu tiên. “Sen nở sớm nên hôm đó tôi thức dậy lúc 4 giờ, nhưng hoa đã nở. Rút kinh nghiệm, sau đó tôi dậy sớm hơn, 3 giờ sáng đã ra cánh đồng. Ngồi đợi đến khoảng 3 giờ 30 thì hoa nở. Cảm giác khi đó rất tuyệt vời”.
Những “trái ngọt” ban đầu
Tìm hiểu về sen, nhận thấy cả lá, hạt và củ sen đều có tác dụng tốt cho sức khỏe, năm 2017, cô Hiền tiến hành nghiên cứu để hiểu sâu về cây sen rồi phổ biến cho mọi người cùng trồng, cùng sử dụng sản phẩm của cây sen. Nhiều thí nghiệm được tiến hành, như trồng cây sen con trong các ô tiêu chuẩn và chậu nhựa; trồng cây từ hạt trong chậu cảnh, chậu nhựa đa dạng kích thước; thí nghiệm trồng cây lấy củ trong chậu cảnh, chậu nhựa, bao tải; thí nghiệm trồng cây con nghiên cứu về quang chu kì trong chậu cảnh, có mái che lưới đen.
Để tăng số lượng cây nghiên cứu, cô giáo đã chia cho học sinh trong lớp hạt sen, hướng dẫn trồng, trao đổi với trò về chăm sóc, theo dõi sinh trưởng của cây. Đam mê của cô giáo đã nhanh chóng truyền sang học trò, biến thành những bài học Sinh học bổ ích không phải trong sách vở hàn lâm.
Sau 1 năm thực hiện theo dõi cây trên ô tiêu chuẩn, cô Hiền thực hiện nghiên cứu trồng cây trên chậu, bao bì để thu hoạch củ. Hiện tại, cô tiếp tục trồng cây trên luống lót nilong ngoài vườn, trồng cây trong bao tải để thu củ, thu lá chế biến trà sen túi lọc. Những cây sen trên luống lót nilong đang phát triển tốt. Cô giáo cũng đã nhận được những đơn hàng bột trà và củ sen.
Bày tỏ niềm vui khi nghiên cứu của mình và học trò bắt đầu đi vào cuộc sống, cô Hiền say mê nói: Lá sen tươi sử dụng được từ tháng 5 - 10; phần lá còn lại có thể phơi khô để tích trữ. Ngó sen là thực phẩm ngon, bổ; nếu trồng 1 chậu thì 3 - 5 ngày là thu được 10 ngó ăn. Ngó rất dễ lấy, chỉ cần cho tay vào thành chậu tìm ra mắt có lá non mới mọc thì sẽ chọn được ngó. Cây trên chậu cũng rất nhiều hoa nên có thể lấy cánh hoa, nhị hoa và hạt. Tháng 8 - 9 cây tích trữ củ, vì vậy đến tháng 10, 11, 12 có thể thu hoạch. Với cách làm này, những sản phẩm từ sen sẽ có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Theo tìm hiểu của cô Hiền, có 4 sản phẩm chính được người dân trồng sen khai thác từ cây sen gồm: Đài sen, sen chè, sen lão và hoa sen ướp chè. Trồng sen lấy hạt là phổ biến ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam cho thu nhập 3 - 4 triệu đồng/1 sào. Sản phẩm hoa sen ướp trà chỉ được khai thác từ giống sen trồng tại Tây Hồ, Hà Nội cho thu nhập khoảng 10 triệu/1 sào. Như vậy, tại các địa phương có diện tích đất ngập nước không thể trồng lúa hay các loại cây khác thì có thể trồng sen là một giải pháp hữu hiệu và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Với Ninh Bình, chưa có thống kê diện tích trồng sen trên địa bàn, tuy nhiên sen được trồng ở khắp các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn. Nổi bật là mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá ở xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp hiệu quả gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Đó là lý do cô giáo dạy Sinh quyết tâm mở rộng việc trồng sen theo cách riêng của mình trên quy mô lớn; đồng thời, cộng tác với một số gia đình có ruộng để trồng cây, thu hoa và lá làm trà; góp phần giúp người dân tăng thu nhập từ cây trồng địa phương.
“Tôi cũng đang tìm hiểu công nghệ trồng cây không cần đất. Bên cạnh đó, năm nay tôi sẽ nghiên cứu thêm đề tài chế biến lá đa nem công nghiệp từ lá lốt, lá mơ, lá xương sông, hy vọng sẽ sớm có kết quả”, cô Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.