Tại Trường THCS Đức Thắng, cô Tô Thị Thùy Dung được đồng nghiệp gọi là “chuyên gia công nghệ” bởi kiến thức tốt về công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ thành công vào bài giảng. Cô cũng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm giúp mỗi bài giảng thú vị, hấp dẫn hơn.
Trong quá trình dạy, cô kết hợp dạy kiến thức mới và khắc phục những kiến thức các em đã bị hổng ở lớp dưới. Cô luôn khuyến khích, động viên kịp thời nếu thấy các em có sự tiến bộ bằng cách khen trước lớp và cho điểm cao. Kết quả, những “sáng tạo” này đã củng cố được kiến thức, giúp trò tiến bộ dần.
Trong công tác chủ nhiệm, cô luôn đề cao vai trò của việc giáo dục cho học sinh những phẩm chất đạo đức và những kĩ năng sống cơ bản. Cô đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng linh hoạt phương pháp kỉ luật tích cực trong quá trình dạy học.
Cô Dung cho rằng: “Dạy học không chỉ dạy kiến thức đơn thuần mà còn dạy nhân cách đạo đức, dạy đạo lý làm người, kĩ năng sống cho học sinh”. Vì thế, trong công tác chủ nhiệm, cô luôn chú trọng đến các hoạt động giáo dục nhằm phát triển toàn diện cho học sinh.
Cô cũng thấu hiểu và chia sẻ với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, dẫn dắt các em đi đúng, làm đúng. Cô luôn đặt niềm tin ở học trò của mình, khích lệ các em tự tin để trưởng thành.
Không chỉ có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Dung còn dành nhiều thời gian phụ đạo cho những học sinh yếu kém. Bằng tình thương, trách nhiệm của người thầy, người mẹ, cô đã cảm hóa được nhiều học sinh lười học, không có thói quen học bài về nhà, có thái độ chống đối giáo viên.
Sau mỗi giờ tan học, mọi người vẫn thấy ánh điện sáng tại phòng học lớp 9A2. Trong đó, có một người giáo viên đang say sưa giảng bài cho các học trò gặp khó khăn trong học tập để các em theo kịp với cả lớp.
35 học sinh lớp 9A2 là 35 hoàn cảnh gia đình khác nhau. Rất khéo léo, cô Dung đã kết nối tất cả thành viên trong lớp bằng tinh thần đoàn kết, yêu thương, hòa đồng. Cô giúp đỡ một cách tinh tế để các em không mặc cảm. Vì vậy, từ chỗ “xù lông nhím”, các em đã mở lòng và cố gắng học tập hơn.