Chuyện về cô giáo vùng khó “giỏi việc trường, đảm việc nhà”

GD&TĐ - Trường Mầm non xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có một cô giáo luôn dành trọn tình cảm cho nhiều thế hệ trẻ nhỏ vùng cao. Điểm trường nơi cô công tác thuộc diện đặc biệt khó khăn, gia đình cô còn khó khăn hơn. Song cá nhân vẫn luôn nỗ lực vươn lên để có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” nơi đây. Đó là cô giáo Phạm Thị Bạch Ngọc.

Tập thể cán bộ trường mầm non Sì Lở Lầu
Tập thể cán bộ trường mầm non Sì Lở Lầu

Bỏ phố lên rừng

Tháng 9/2007, cô giáo Phạm Thị Bạch Ngọc, từ biệt quê hương Ninh Bình đến nhận công tác giảng dạy tại Trường Mầm non xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là ngôi trường đóng trên địa bàn xã giáp biên giới Trung Quốc, cách trung tâm huyện 85 km. Trong suốt quá trình công tác, cô luôn dành trọn tình cảm cho trẻ nhỏ vùng cao, được phụ huynh học sinh tín nhiệm, tin yêu. Trong những năm giảng dạy, cô luôn tích cực tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Tháng 8/2008, được sự tin tưởng của cấp trên và sự tín nhiệm của đồng nghiệp, cô được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng. Ở cương vị mới, cô luôn chủ động trong công tác tham mưu cho Hiệu trưởng về các giải pháp nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Cá nhân cô Ngọc luôn có tinh thần xây dựng khối đoàn kết, nhất trí vì mục tiêu phát triển của Nhà trường. Với nỗ lực đó, tháng 3/2012, cô được bổ nhiệm Hiệu trưởng.

Để không phụ lòng tin tưởng của đồng nghiệp, phụ huynh và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã, cô Ngọc luôn gương mẫu đi đầu trong đổi mới phương pháp quản lý giáo dục, chú trọng chỉ đạo giáo viên áp dụng đổi mới phương pháp giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức tốt các hoạt động, các hội thi, các chuyên đề phát triển vận động, tăng cường tiếng Việt cho trẻ...

Một buổi thể dục giữa giờ của học sinh nhà trường
Một buổi thể dục giữa giờ của học sinh nhà trường

Trong quá trình công tác, cô Ngọc luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó đã có nhiều sáng kiến được Hội đồng khoa học của huyện công nhận. Có thể kể đến, như: Một số biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng tăng cường Tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số ở Trường Mầm non Sì Lở Lầu; Một số biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sì Lở Lầu; Một số biện pháp chỉ đạo giáo viên nâng cao chất lượng làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo thực hiện chuyên đề “Phát triển vận động” ở Trường Mầm non Sì Lở Lầu; Một số biện pháp chỉ đạo giáo viên rèn tính mạnh dạn, tự tin cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi Trường Mầm non Sì Lở Lầu.

Vượt khó đi lên

Cùng với việc chỉ đạo các hoạt động chuyên môn, cô luôn thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, với Phòng GD&ĐT để đầu tư, xây dựng, bổ sung các hạng mục cơ sở vật chất trường, lớp học, trang bị các thiết bị đồ dùng phục vụ cho công tác chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ. Cô luôn chủ động phối hợp với phụ huynh, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã xây dựng tạo cảnh quan nhà trường sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn. Đặc biệt là việc thiết kế môi trường vật chất, môi trường xã hội, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được học tập, vui chơi.

Năm học 2013 - 2014, tập thể trường do cô lãnh đạo được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Đây là bước khởi đầu về thành công trong sự nghiệp của cô tại một trường thuộc xã biên giới với vô vàn khó khăn, vất vả.

Thành công của cô Ngọc có bóng dáng của người chồng luôn biết động viên, chia sẻ phía sau lưng. Chồng cô Ngọc là nhân viên kế toán tại Trường THCS xã Sì Lở Lầu. Cuộc sống nơi vùng cao biên giới còn gặp không ít những khó khăn, song vợ chồng cô Ngọc luôn biết động viên nhau để cùng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời nuôi dạy con trưởng thành. Từ nỗ lực bảo ban của bố mẹ, các con của cô đều chăm ngoan học giỏi. Cả hai đều đỗ cao và theo học tại các trường Đại học uy tín trong nước.

Cô giáo Phạm Thị Bạch Ngọc chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 37 năm ngày nhà giáo Việt Nam
Cô giáo Phạm Thị Bạch Ngọc chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 37 năm ngày nhà giáo Việt Nam

Tiếc thay, cũng bởi thiếu may mắn nên trong một lần đi công tác từ trường về huyện để chuyển lương cho giáo viên trước khi về Tết hồi đầu năm 2015, chồng cô Ngọc đã không may bị tai nạn xe máy (chấn thương sọ não). Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của cô, khi đó hai cháu vừa tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc làm, ba mẹ con đưa bố chạy chữa khắp các bệnh viện ở Hà Nội.

Bị chấn thương sọ não nên chồng cô đã bại liệt nằm một chỗ. Để không ảnh hưởng đến công việc và tiện chăm lo cho chồng, cô đã đưa chồng lên xã Sì Lở Lầu (nơi cô công tác) để tiện chăm sóc. Được 6 tháng, do sức khỏe của chồng quá yếu, cô lại phải chuyển chồng trở về bệnh viện ở Hà Nội để hai con giúp mẹ chăm sóc. Vì chấn thương quá nặng nên chồng cô đã qua đời vào đầu năm 2018.  

Cũng trong thời điểm khó nhất, cô đã được ngành Giáo dục Lai Châu bình chọn giới thiệu tham gia Chương trình tri ân các nhà giáo nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2015 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Được sự quan tâm động viên kịp thời của các đồng nghiệp và các cấp lãnh đạo cùng với sự chia sẻ của các con, hơn nữa các con của cô cũng đã trưởng thành và có việc làm ổn định, đã luôn cổ vũ, động viên, khích lệ cô tiếp tục thực hiện niềm đam mê nghề nghiệp mà cô đã lựa chọn.

Từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2018 - 2019, Trường Mầm non Sì Lở Lầu liên tục được công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và được tặng Bằng khen. Năm học 2019 - 2020, Trường của cô tiếp tục được tặng Cờ thi đua của tỉnh.

Trường Mầm non xã Sì Lở Lầu là đơn vị được Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu chọn làm điểm về Mô hình tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số. Tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Giáo dục Lai Châu lần thứ IV (2020 - 2025), một lần nữa cô lại được vinh danh cá nhân tiêu biểu vượt khó của ngành. Bản thân cô cũng đã được Hội đồng cấp Bộ xét đề nghị tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ 15 năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ