Cô giáo Ca Dong giỏi nghề, giàu nghị lực

GD&TĐ - Là học sinh dân tộc Ca Dong đầu tiên thi đậu vào đại học, sau khi tốt nghiệp ngành tiếng Anh - Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, cô giáo trẻ Hồ Thị Loan Thảo trở về công tác, giảng dạy tại Trường PTDT Nội trú Nam Trà My (huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). 

Cô giáo Ca Dong giỏi nghề, giàu nghị lực

Trong điều kiện môi trường dạy học còn nhiều khó khăn nhưng cô vẫn luôn năng nổ, nhiệt tâm trong công tác chuyên môn, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu; trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Ca Dong cho cán bộ chiến sĩ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Trưởng thành trong gian khó

Đến huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi được cán bộ, giáo viên Trường PTDT Nội trú Nam Trà My kể về những việc làm, cống hiến của cô giáo trẻ Hồ Thị Loan Thảo – giáo viên bộ môn tiếng Anh. Chỉ mới về công tác ở Trường PTDT Nội trú huyện Nam Trà My hơn 2 năm, nhưng cô giáo Hồ Thị Loan Thảo đã nhanh chóng trưởng thành, vững vàng trong công tác chuyên môn. Cô còn tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ, kèm cặp học sinh và tham gia công tác dạy tiếng Ca Dong cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại địa phương.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nghèo khó huyện miền núi Nam Trà My, cô giáo Hồ Thị Loan Thảo như càng được tiếp thêm ý chí, nghị lực và quyết tâm trong học tập.Cuộc sống gia đình nhiều khi còn thiếu cái ăn, cái mặc nhưng trong suy nghĩ của cô không bao giờ có ý định nghỉ học. Ước mơ trở thành luật sư hay bác sĩ luôn thôi thúc cô luôn nỗ lực phấn đấu học tập không ngừng. “Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó mà khi còn đi học em đã nuôi ước mơ phải thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Những tháng ngày cơ cực đi học ăn cơm độn sắn, chong đèn học bài, hay ngủ trên tấm bạt đơn sơ trong cái rét cắt da cắt thịt ở vùng cao…như càng tiếp thêm sức mạnh, ý chí để mình vươn lên thực hiện ước mơ đó”, cô Thảo tâm sự.

Năm 2015, tốt nghiệp tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), Thảo nộp đơn xin dạy hợp đồng theo tiết tại Trường PTDT Nội trú Nam Trà My. Được nhận vào công tác ngay chính tại ngôi trường nuôi dưỡng ước mơ của cô trò nhỏ năm nào, càng khiến cô giáo trẻ nỗ lực phấn đấu hơn.“Ngày được trở về trường công tác, gặp lại thầy cô giáo cũ đã từng dạy dỗ, giúp đỡ mình trưởng thành và nay được trở thành đồng nghiệp của thầy cô, điều đó làm mình vô cùng hạnh phúc”, cô Thảo xúc động.

Nhiệt tâm, sáng tạo trong công việc

Có lẽ chính vì niềm hạnh phúc, tự hào đó mà càng thôi thúc cô giáo Hồ Thị Loan Thảo luôn cố gắng tìm tòi học hỏi, nghiên cứu tài liệu và áp dụng phương pháp dạy học mới cho bôn môn mình phụ trách. Bởi vậy, trong suốt 2 năm học, cùng với đội ngũ giáo viên trong trường, cô đã áp dụng nhiều phương pháp dạy học hay, mang tính sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, nhất là ở bộ môn tiếng Anh ở nhà trường.

Nói về kinh nghiệm dạy học của mình, cô giáo trẻ chia sẻ: “Tiếng Anh là môn học mới nên rất khó cho các em học sinh là đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với con em đồng bào dân tộc Ca Dong sinh sống trên địa bàn miền núi Nam Trà My. Bởi vậy, trong quá trình dạy học, người giáo viên phải biết cách truyền đạt sinh động, gần gũi thì kiến thức bài học sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với các em học sinh rất nhiều”.

Những bào giảng của cô Thảo hết sức sinh động tạo hứng thu cho học sinh, với sự lồng ghép các hình ảnh, câu chuyện, tình huống rất gần gũi, giúp các em tiếp thu bài một cách hiệu quả. Một sáng kiến dạy học của cô Thảo rất hay mà cần được nhân rộng đó là sau mỗi kỳ học, cô Thảo tổ chức phát phiếu thăm dò để các em học sinh đánh giá hiệu quả bài giảng, từ đó có sự tương tác và điều chỉnh trong những tiết dạy tiếp theo. Thành quả của những đổi mới trong dạy học của cô đã mang lại cho nhà trường là trong cuộc thi Olimpic Tiếng Anh cấp tỉnh Quảng Nam, học sinh nhà trường đã giành được giải Ba, đây là kết quả cao nhất mà Trường PTDT Nội trú Nam Trà My đạt được trong thời gian qua.

Không chỉ là một giáo viên trẻ đầy năng lực, nhiệt huyết trong công tác dạy học, cô giáo trẻ Hồ Thị Loan Thảo còn tham gia giảng dạy tiếng Ca Dong của dân tộc mình cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Nam Trà My. Trong 2 năm qua, từ ngày về công tác địa phương, sau những giờ dạy trên lớp, cô giáo Thảo đến Trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp và dạy nghề huyện Nam Trà My đứng lớp dạy tiếng Ca Dong.

 Trong một lần vô tình nghe được những tâm sự của những cán bộ đang công tác ở đây rằng gặp khó khăn trong giao tiếp với người dân bản địa. Thảo chợt nghĩ, tại sao không giúp họ có thể hiểu hơn đồng bào mình. Vậy là xin ý kiến, nhờ kết nối... và lớp học tiếng Ca Dong cho các cán bộ chiến sĩ, công chức, viên chức ở địa phương ra đời từ đó. Đêm đêm, sau giờ làm việc, các học viên lại có mặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp và dạy nghề Nam Trà My để tham gia lớp học tiếng Ca Dong do cô giáo Thảo phụ trách. Cứ thế, trong suốt 2 năm qua, các khóa học diễn ra đều đặn và ngày càng thu hút đông các học viên đăng ký.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ