Cô giáo Bảo Châu mang làn gió mới đến với mỹ thuật đất Cảng

GD&TĐ - 19 năm là cô giáo Mỹ thuật tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), họa sĩ Trần Thị Bảo Châu đã “cháy" hết mình trên bục giảng. Với tâm huyết của mình, cô giáo có những cống hiến to lớn cho ngành Giáo dục TP, góp phần khẳng định giá trị của môn học trong nhà trường.

Cô Bảo Châu luôn "cháy bỏng" với đam mê nghệ thuật (ảnh NVCC)
Cô Bảo Châu luôn "cháy bỏng" với đam mê nghệ thuật (ảnh NVCC)

Khi họa sĩ là cô giáo

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm mỹ thuật khi cả bố và chú ruột là hoạ sĩ, cô Bảo Châu yêu nghệ thuật tạo hình như yêu hơi thở của cuộc sống. Ngay từ nhỏ, cô đã có những sáng tác nổi tiếng. Khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc sống luôn hiện lên qua những bức tranh với nét vẽ mềm mại, sắc sảo, sâu lắng của hoạ sĩ Bảo Châu.

Cô Bảo Châu từng dìu dắt nhiều học sinh tham gia dự thi các môn về Mỹ thuật và có nhiều giải thành phố, quốc gia. Qua các câu lạc bộ do cô giáo tổ chức, học sinh được thực tế trải nghiệm, cảm nhận và thổi hồn vào từng nét vẽ.

Đề tài “Giải pháp bảo tồn và quảng bá nghệ thuật chạm khắc gỗ đình làng trên các sản phẩm mỹ thuật" của học sinh Nguyễn Trần Quỳnh Nga và Bùi Hương Giang, lớp 8 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu do cô Bảo Châu hướng dẫn đã đạt giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu KHKT dành cho học sinh phổ thông cấp thành phố năm 2020-2021. Đề tài là tiếng vang lớn, là dấu ấn quan trọng nâng tầm vị trí của môn Mỹ thuật trong nhà trường và là làn gió mới cho các đề tài tham gia các cuộc thi cấp thành phố, quốc gia.

Tiết dạy Mỹ thuật của cô giáo Bảo Châu.

Tiết dạy Mỹ thuật của cô giáo Bảo Châu.

Cô Bảo Châu chưa bao giờ coi môn Mỹ thuật là môn phụ, không quan trọng. Chính từ tình yêu nghệ thuật, yêu nghề dạy học mà cô rất say chuyên môn. Vì thế mà giờ dạy học của cô luôn tràn đầy năng lượng. Học trò hào hứng đến giờ Mỹ thuật bởi các em được thoả sức sáng tạo, bồi đắp tâm hồn trong không gian nghệ thuật; giải toả áp lực, cân bằng cảm xúc với các môn học khác.

Cô Bảo Châu đặc biệt dành tình yêu cho những học sinh khiếm thị. Sự yêu thương, dìu dắt của cô, nhiều em có thể vẽ lên ánh sáng cho cuộc đời qua những bức tranh. Các em học sinh: Nhân, Phương Chi, Ngô Thị Ngọc Huyền là học trò cưng của cô. Với những khiếm khuyết trên đôi mắt nhưng khát khao nghệ thuật, nỗ lực của bản thân các em đã vượt qua ranh giới, yêu nghệ thuật và tìm được cầu nối với cuộc sống thông qua nghệ thuật.

“Có những học sinh không có khả năng học văn hoá. Các em ngồi trong nhà trường chỉ để học hoà nhập nhưng lại có năng khiếu vẽ và đam mê vẽ. Khi học cô, các em đã có nhiều bức tranh đẹp. Thậm chí có em khi đăng tranh lên Youtube còn thu được hàng trăm triệu đồng/ tháng với những lượt like khủng”, cô Bảo Châu chia sẻ.

Những giờ học Mỹ thuật với cô Bảo Châu đem lại cho học sinh năng lượng tích cực.

Những giờ học Mỹ thuật với cô Bảo Châu đem lại cho học sinh năng lượng tích cực.

Chính tài năng và tình yêu với mỹ thuật, cô Châu đã gieo niềm đam mê ấy cho rất nhiều thế hệ học sinh và có rất nhiều những bức tranh nổi tiếng, để đời.

Cô là giáo viên giỏi thành phố nhiều năm và liên tục có giải quốc gia như: giải Nhì cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” năm 2014, giải Nhất cuộc thi “dạy học tích hợp” cấp quốc gia năm 2016.

Dù yêu nghề dạy học nhưng niềm đam mê nghệ thuật luôn thôi thúc cô Châu sáng tác. Cô là một nữ họa sĩ tiêu biểu trong phong trào sáng tác mỹ thuật thành phố Cảng. Họa sĩ Bảo Châu thường xuyên tham gia và đã có nhiều tác phẩm được trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật của thành phố, của khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Câu lạc bộ Tiếp nối Art- cầu nối đam mê

Từ 1/9/2022, cô Bảo Châu chính thức nghỉ việc giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. Với cô đây là quyết định khó khăn, bởi không phải cô hết tình yêu với nghề đứng trên bục giảng mà muốn dành thời gian chuyên sâu hơn với mỹ thuật. Cô tiếp tục đam mê dạy học của mình dưới hình thức câu lạc bộ dành cho học sinh và học viên chuyên sâu.

Cô Bảo Châu chia sẻ, cô dừng giảng dạy ở trường vì nếu dạy môn Mỹ thuật đại trà thì rất khó phát triển chuyên môn và bồi dưỡng đam mê cho học sinh có năng khiếu. Cô muốn dành tâm huyết cho câu lạc bộ chuyên sâu, nuôi dưỡng đam mê cho người học với mong muốn truyền nghề, định hướng nghề rõ rệt.

Thực tế, mỹ thuật tạo hình ở các nước phát triển được coi trọng và có những bảo tàng nghệ thuật rất lớn để trưng bày, vinh danh. Hải Phòng là một thành phố phát triển, năng động, sáng tạo có nguồn lực lớn về nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật tạo hình, nhưng hiện chưa có bảo tàng. Cũng từ thực tế, Hải Phòng chưa có câu lạc bộ để các họa sĩ thành danh đến truyền nghề. Hàng năm, thanh thiếu nhi muốn ôn chuyên sâu lại phải “khăn gói" lên Hà Nội, cô Châu chia sẻ.

Một góc CLB Mỹ thuật Tiếp nối Art của cô Bảo Châu.

Một góc CLB Mỹ thuật Tiếp nối Art của cô Bảo Châu.

Trăn trở với nghề, muốn tiếp nối đam mê cho học trò, cô Bảo Châu đã thành lập CLB Mỹ thuật Tiếp nối Art. CLB được phát triển từ mô hình CLB Mỹ thuật cho học sinh mà cô Bảo Châu đã gây dựng nhiều năm nay. Đến nay, CLB của cô có 90 học sinh theo học. CLB sẽ có cả học viên là những người trưởng thành đam mê, yêu mỹ thuật.

“Hải Phòng có nhiều cháu vẽ hay, tạo hình tốt nhưng đam mê thường đứt đoạn bởi áp lực từ các kì thi vào 10, thi đại học. Tài năng của các cháu không được nuôi dưỡng, phát triển rất lãng phí. Vì thế CLB sẽ là sân chơi, môi trường tốt nuôi dưỡng đam mê cho người yêu mỹ thuật”, cô Bảo Châu cho biết.

Với tài năng của mình, cô Bảo Châu đang nỗ lực từng ngày xây dựng câu lạc bộ cho những người yêu mỹ thuật tạo hình. Với câu lạc bộ của cô, không có chuyện học chép tranh mà ở đó cô lan toả phương pháp dạy học tích cực, tăng cường trải nghiệm các môi trường để người học gần gũi với thiên nhiên. Các em được quan sát, cảm nhận để có cái nhìn hoàn chỉnh về thẩm mỹ nói chung và mỹ thuật tạo hình nói riêng. Từ đó, sản phẩm của người học mới mang những đặc trưng riêng, giá trị riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.