Chất lượng giáo dục giữ vững
Năm học vừa qua dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng với sự nỗ lực của toàn Ngành Giáo dục Hải Phòng, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển.
Hải Phòng tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi, nhiều năm liền có học sinh giành được huy chương quốc tế, điểm thi vào đại học trong tốp đầu toàn quốc.
Cụ thể, giáo dục Mầm non chất lượng ngày càng được nâng cao. Công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn; chăm sóc, giáo dục trẻ được triển khai sâu rộng và sáng tạo. Đảm bảo các chỉ tiêu về huy động trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Có biện pháp đồng bộ trong quản lý trường mầm non ngoài công lập.
Quang cảnh Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022. |
Giáo dục Tiểu học được duy trì, ổn định ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Chất lượng giáo dục hai mặt được duy trì ổn định, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt môn học, năng lực, phẩm chất ngày càng tăng. 100% học sinh lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày để đáp ứng lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giáo dục Trung học đã quan tâm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Đặc biệt là đổi mới tư duy của người thầy để dạy cho học sinh biết cách tự học, tự nghiên cứu, chủ động vận dụng kiến thức vào giải quyết những tình huống trong học tập và trong thực tế.
Bên cạnh đó, gắn với Chương trình nông thôn mới, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm; công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia được chú trọng quan tâm đầu tư triển khai...
Tạo đà thắng lợi năm học mới
Bên cạnh những thành tích đạt được, Ngành Giáo dục TP thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học vừa qua như: CSVC còn thiếu, xuống cấp chưa đáp ứng yêu cầu; còn có cán bộ quản lý chưa năng động để kịp thời đổi mới, thích ứng với xu thế phát triển và hội nhập; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu giáo viên theo môn học ở một số nơi chưa cân đối; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều khó khăn.
Năm học 2022- 2023, Ngành Giáo dục đứng trước những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, Ngành đề ra những nhiệm vụ trọng tâm như:
Với giáo dục Mầm non: Tiếp tục nâng cao hiệu lực hiệu quả chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường nề nếp kỷ cương, chất lượng và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục.
Tổ chức triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới; thí điểm ứng dụng Steam trong giáo dục mầm non; hoàn thiện bổ sung học liệu số; thực hiện có hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”.
Ông Bùi Văn Kiệm- Giám đốc Sở GD&ĐT TP trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc. |
Với giáo dục Tiểu học: Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1,2,3.
Huy động 100% số trẻ trong độ tuổi đi học tiểu học, tích cực vận động trẻ em khuyết tật học hòa nhập, duy trì sĩ số học sinh, giảm tỉ lệ lưu ban, không có học sinh bỏ học, củng cố giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 toàn thành phố. Tỷ lệ dạy và học 2 buổi/ngày đạt từ 80-85%; tỷ lệ học sinh được học ngoại ngữ đạt 99.8%; tỷ lệ học sinh học tin học đạt 50%; đảm bảo 100% học sinh lớp 3 từ năm học 2022 - 2023 được học Ngoại ngữ, Tin học.
Với giáo dục Trung học: Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tập huấn cho 100% giáo viên đại trà Chương trình GDPT 2018 theo quy định; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị nhà trường; tăng cường nền nếp, kỷ cương, chất lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; tổ chức các hoạt động, mô hình giáo dục sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong các nhà trường; đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi theo chuẩn quốc tế để đạt chuẩn đầu ra theo quy định như: IELTS, TOEFL….Triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6,7,10.
Với Giáo dục thường xuyên: Tăng cường chỉ đạo hướng dẫn nhằm duy trì kết quả công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Khuyến khích đầu tư, xã hội hóa giáo dục, mở rộng mạng lưới quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống và hoạt động Ngoài giờ chính khóa khác…
Tại Hội nghị, nhiều cá nhân, tập thể nhận khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ GD&ĐT; danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp thành phố.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, Ngành Giáo dục Hải Phòng đã đưa ra 11 giải pháp cơ bản như: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục, đào tạo; Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; Đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; Đổi mới công tác tài chính; tăng cường xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục, dạy và học; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục; Đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục đào tạo; Tăng cường công tác tham mưu với các cấp về cơ chế cho giáo dục và sự phối hợp hiệu quả với các Sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương để phát triển giáo dục, đào tạo.