Cô giáo 9X với mô hình “đổi sao lấy truyện và cây xanh”

GD&TĐ - Dự án “Đổi sao lấy truyện và cây xanh” của cô Bùi Bích Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập A (Đan Phượng, Hà Nội) đã đem lại những kết quả tích cực trong việc nâng cao văn hóa đọc và ý thức tự giác học tập.

Cô Bích Thủy được đồng nghiệp đánh giá có nhiều sáng tạo trong giảng dạy.
Cô Bích Thủy được đồng nghiệp đánh giá có nhiều sáng tạo trong giảng dạy.

Lan tỏa văn hóa đọc

Dù tuổi đời còn khá trẻ, song cô Thủy luôn được các đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh đánh giá là người nhiệt tình, sáng tạo trong công việc. Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Thủy cho biết: Khi dạy học trực tuyến, giáo viên phải đổi mới trong giảng dạy để mỗi giờ học là trải nghiệm thú vị về tri thức lẫn kỹ năng cho học sinh.

Cụ thể, cô Thủy đã tìm hiểu và ứng dụng một số phần mềm hỗ trợ nhận xét, khen thưởng học sinh như Class Dojo - lớp học online để tăng liên kết giữa cô với trò, phụ huynh với nhà trường. Để tăng sự hứng thú, đảm bảo tính công bằng và kích thích khả năng chú ý của học sinh, ngoài cách gọi học sinh trả lời thông thường, cô còn sử dụng phần mềm Whellofnames - vòng quay may mắn lựa chọn ngẫu nhiên học sinh trả lời. Đồng thời, tham khảo và sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ như giao bài cho học trò qua Zalo, Azota, Google form...

Với học sinh tiểu học, nhất là trẻ lớp 1, khả năng tập trung chưa cao, vì vậy, cô đã tạo môi trường chơi mà học, học mà chơi. Ngoài các trò chơi truyền thống, cô tự thiết kế các trò chơi trên PowerPoint. Bên cạnh đó, cô còn sử dụng phần mềm Quizizz, Kahoot... để tạo trò chơi học tập, phù hợp với hình thức học trực tuyến. Khi thấy học sinh hào hứng trong mỗi giờ học, cô Thủy đã mạnh dạn chia sẻ khi sinh hoạt chuyên môn cùng đồng nghiệp và được các thầy cô cùng đón nhận để áp dụng trong từng lớp.

Ngoài ra, cô giáo 9X cũng xây dựng dự án “Đổi sao lấy truyện và cây xanh” để nâng cao văn hóa đọc cho học sinh. Ngày nay, ngoài những giờ học tập trên lớp, trẻ có thể giải trí bằng rất nhiều cách. Tuy nhiên, cô nhận thấy các em chỉ thích xem tivi hay sử dụng điện thoại, máy tính để chơi game.

Và trẻ cũng sẽ bị lãng quên một thói quen vô cùng hữu ích, đó chính là thói quen đọc sách. Do đó, cô đã xây dựng “Tủ sách yêu thương” với quyển sách nói về bài học đạo đức, lòng hiếu thảo, sự biết ơn, lòng nhân ái... Các em cũng có thể cùng bố mẹ đi mua sách và góp chung vào “Tủ sách yêu thương” của cả lớp để tủ sách phong phú hơn.

“Để xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, tôi đã hình thành cho các em thói quen đọc sách vào giờ truy bài, ra chơi, tiết đọc sách... Sau đó, vào tiết Sinh hoạt cuối tuần sẽ cho học trò thi đọc, kể lại câu chuyện trẻ yêu thích, cùng nhau trao đổi về nội dung câu chuyện đó. Bạn nào đọc tốt đều được cô giáo tích sao khen thưởng để đổi quà.

Trong thời điểm học trực tuyến, vào mỗi tối, các em sẽ đọc cho ông bà hoặc bố mẹ, người thân nghe một mẩu chuyện ngắn trong tủ sách của mình và quay lại video gửi cho cô. Mỗi mẩu chuyện các con đọc trôi chảy được cô tích 1 sao. Đủ 10 sao cô sẽ tặng 1 món quà. Quà của tôi sẽ là một cuốn truyện hoặc 1 chậu cây nhỏ để các con tự chăm sóc’’ – cô Bích Thủy nói.

Cô Bùi Bích Thủy là một trong số các nhà giáo tiêu biểu được Sở GD&ĐT Hà Nội tặng danh hiệu “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2021”.
Cô Bùi Bích Thủy là một trong số các nhà giáo tiêu biểu được Sở GD&ĐT Hà Nội tặng danh hiệu                           “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2021”. 

Giáo dục trẻ bằng tình yêu thương

Vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mang lại, cô Thủy và đồng nghiệp luôn cố gắng tìm tòi, nghiên cứu phương pháp dạy học cũng như thay đổi hình thức tổ chức để học sinh hứng thú hơn trong giờ học. Ngoài tự nghiên cứu, tìm tòi trên sách báo, cô cũng đăng kí tham gia nhiều lớp học để thay đổi nhận thức của bản thân như phương pháp dạy học tích cực, dạy học truyền cảm hứng...

“Qua tìm hiểu và kinh nghiệm thực tế của bản thân, tôi nhận thấy, giáo dục bằng tình yêu thương luôn là con đường giáo dục hiệu quả nhất nên hãy quan tâm đến việc mở cửa trái tim trước khi dạy học sinh một điều gì đó. Đã có lúc tôi không kiềm chế được bản thân và quát mắng, thậm chí lơ là khi các con lười học. Chính cái sai đó giúp tôi suy nghĩ và nhìn nhận lại để rồi những ngày sau, tôi đã vỗ nhẹ vai động viên và nói lời yêu thương. Tin rằng, tôi đang gieo những hạt giống yêu thương và chắc chắn tôi sẽ gặt hái được những trái ngọt”, nữ giáo viên trẻ tâm sự.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, cô Bùi Bích Thủy vẫn luôn nhớ mãi về kỷ niệm về các cô cậu học trò nhỏ đã tặng mình những món quà giản dị mà chất chứa bao tình cảm, sự hồn nhiên. Cô kể, ngày 20/11/2016, vừa vào lớp, các em học sinh đã ùa ra chúc mừng, tặng cô những bó hoa tươi nhất. Chìm đắm trong những nụ cười tươi rói, mắt cô vẫn không rời khỏi cậu học trò nhỏ đang thút thít phía cuối lớp. Đó là Đình Trường – cậu nhóc “cá biệt” hay để cô nhắc nhở nhất lớp.

Ổn định lớp, cô xuống hỏi thăm, vừa lau nước mắt, cậu bé vừa nói: “Con xin được mẹ 10.000 đồng mua hoa tặng cô thì đi đường làm rơi, thế là hoa nát hết rồi cô ơi”. Vừa thương, vừa xúc động lại buồn cười, cô xoa đầu em và nói: “Con là món quà quý nhất của cô rồi. Từ giờ phải ngoan, nghe lời bố mẹ, tập trung vào học và đừng đi chơi điện tử nữa nhé”. Cậu bé nhoẻn miệng cười như chưa có chuyện gì xảy ra. Hay kỷ niệm ngày 20/11/2017, cô Thủy cũng nhận được món quà là một chiếc khung ảnh nhỏ lồng sẵn bức ảnh của cô. Đó là món quà Trường và một vài bạn khác trong lớp tặng cho cô chủ nhiệm. Giờ cô vẫn để trong phòng và trân trọng nó như một kỉ niệm không thể nào quên...

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập A chia sẻ: Là giáo viên trẻ nhưng cô Bích Thủy luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và có nhiều sáng tạo trong tiếp cận, giáo dục học sinh. Học sinh rất quý mến cô, phụ huynh cũng yên tâm và tin tưởng cô giáo. Thực hiện dự án “Đổi sao lấy truyện, cây xanh”, ngoài kích thích khả năng ham đọc sách cho học sinh còn có tác dụng hỗ trợ cho các môn học khác của lớp 1. Điều này được các thầy cô giáo trong trường đánh giá rất cao.

Chị Bùi Thu Huyền, phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học Tân Lập A cũng bày tỏ sự tin tưởng và niềm vui khi con mình đã có những tiến bộ rõ rệt trong học tập. Chị cho hay: “Ở tháng đầu tiên học online, cháu chưa quen nếp và bố mẹ phải ngồi cạnh hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên, sau khi được cô Bích Thủy hướng dẫn và có nhiều phương pháp kích thích sự sáng tạo, hứng thú đến nay, cháu ham đọc sách hơn. Cháu tối nào cũng đọc cho bố mẹ nghe một mẩu chuyện rồi quay thành video gửi cho cô, sau đó được cô tặng sao. Được đổi sao thành cây xanh, truyện, cháu rất vui và mong đến giờ học của cô giáo chủ nhiệm”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ