"Bông hoa" bên suối
14 năm gắn bó với vùng biên giới xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, tình nguyện gắn bó với bản làng để “thắp sáng ước mơ” cho bao thế hệ học sinh người Vân Kiều.
Năm 2009, cô giáo Nguyễn Thị Thanh nộp đơn ứng tuyển vào Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).
Nhà cô Thanh ở TP Đồng Hới, nhưng mỗi tuần cô phải chạy xe hơn 140km đến trường. Đường đá gập ghềnh, cheo leo, hiểm trở nhưng không ngăn được bước chân của cô giáo trẻ.
Những khó khăn không ngăn được bước chân của các thầy cô giáo đến với học sinh. |
Trong tâm thức, cô Thanh luôn nghĩ đến cảnh tượng phía bên kia bờ suối, các em học sinh đang bi bô học bài; nghĩ đến một ngày kia, cùng đồng nghiệp sẽ góp phần mang lại sự văn minh cho đồng bào, dân bản khiến cô mỉm cười và có thêm động lực, lòng nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.
Con đường vào bản gập ghềnh mỗi mùa mưa bão. |
Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Lâm Thủy đóng ở vùng biên giới, giáp với nước bạn Lào. Trường có 4 khu vực xa trung tâm, gồm bản Tân Ly, bản Tăng Ký, bản Mụ Mệ, bản Eo Bù - Chút Mút.
Đặt chân đến nơi đây chúng tôi mới cảm nhận được nỗi lòng và sự gian truân của các thầy cô giáo. 14 năm trong nghề, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã cống hiến gần hết tuổi trẻ của mình cho bản làng.
Cùng với đồng nghiệp cô vừa dạy cái chữ vừa làm công tác phổ cập, vừa bồi dưỡng học sinh giỏi cho con em đồng bào. Vượt qua những khó khăn và trở ngại vùng miền, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao bằng tất cả tấm lòng của mình với nghề nghiệp, với đàn em thân yêu.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp Đại học tôi được tuyển dụng vào vị trí nhân viên thiết bị của trường. 5 năm sau, tôi được chuyển vị trí công tác sang làm giáo viên. Vì niềm đam mê dạy học nên tôi không ngừng bồi đắp kiến thức và phương pháp qua các tài liệu sách vở và nhất là tự học qua Internet. Ở đây, học sinh người Vân Kiều chiếm đến 98% nên việc giao tiếp gặp khó khăn, tôi phải tự học tiếng đồng bào để gần gũi các em”.
Nhiều năm trước, bên cạnh lớp học tre nứa đơn sơ bao giờ cũng có một căn nhà nhỏ bé khiêm tốn bằng tre nứa. Căn nhà ấy là nơi ở của cô giáo Thanh và đồng nghiệp trong suốt thời gian dài với những ngày tháng vui buồn lẫn lộn, thương nhớ mênh mang.
Lớp học là những bàn ghế ghép tạm bằng gỗ rừng do phụ huynh mang đến. Trên bàn làm việc có chiếc đèn dầu khói bốc lên đen sì. Sáng hôm sau, áo quần giáo viên dính đầy khói, nhưng trang giáo án vẫn cứ “thơm mùi hoa rừng”.
Những lá thư nhà nhàu vết thời gian vì đọc đi đọc lại quá nhiều lần. Thời gian như củng cố thêm tình yêu của cô giáo trẻ nơi biên giới này.
Giờ đây, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, đảm bảo điều kiện dạy học, nhưng vẫn còn đó không ít khó khăn.
Vào mùa mưa gió, lớp học vắng gần nửa, bàn ghế trong phòng học như rộng thêm, cô giáo Thanh nghẹn ngào nỗi niềm về công tác xóa mù, phổ cập giáo dục. Đường vào bản lầy lội, trơn trượt.
Có lẽ, sống mãi giữa bốn bề núi rừng nên thành quen. Cô giáo Thanh luôn nở một nụ cười trên môi bằng sự lạc quan, niềm tin vững chãi. Công việc tự học, dạy học, soạn giáo án, thăm nhà học sinh mỗi đêm xua tan nỗi nhớ thành phố, nhớ gia đình bé nhỏ của mình.
Chính những đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của học trò là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cô giáo Nguyễn Thị Thanh tự tin với công việc và góp phần làm đẹp thêm cho núi rừng biên giới Lâm Thủy.
Già làng Hoàng Bảo nói với chúng tôi: “Đất đai đồng bào giữ nhưng con chữ các thầy cô "trồng". Chữ ở vùng này mọc lên từ đất”.
“Điều tôi tâm đắc nhất ở đồng nghiệp mình là sự lặng thầm, khiêm tốn và sự cống hiến không biết mệt mỏi với học sinh vùng cao trong hành trình đến với con chữ”, thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy.
Ươm mầm học sinh giỏi
Ngoài việc vận động học sinh đến trường, chăm lo đời sống cho các em ở nội trú, trong 5 năm gần đây, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đăng ký bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học lớp 8.
Qua những lần tham gia các kỳ thi học sinh giỏi huyện Lệ Thủy, Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy đạt 5 giải đồng đội và 12 giải cá nhân môn Sinh học. Đây là thành quả đáng tự hào đối với một ngôi trường vùng cao.
Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng những kiến thức được tiếp thu ở giảng đường, cô Thanh đã chuyên tâm dạy dỗ những học trò ngoan ngoãn, thân thương, nhưng còn nhiều thiệt thòi ở vùng biên giới Lâm Thủy.
Mỗi lần lên lớp, lòng cô Thanh luôn tràn đầy nhiệt huyết khi được thắp sáng ước mơ cho học sinh. |
Cô giáo Thanh luôn chịu khó học hỏi, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, đồng thời tự trau dồi kiến thức và trình độ chuyên môn, tích lũy kiến thức để nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh.
Được sự giúp đỡ, động viên của nhà trường, đặc biệt là các đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo và bồi dưỡng học sinh giỏi, cô đã vượt qua những áp lực của bản thân, khắc phục mọi khó khăn, tự rèn, tự nghiên cứu tài liệu, thường xuyên cập nhật kiến thức để làm phong phú thêm mỗi bài giảng.
Những bông hoa rực rỡ ở ngôi trường vùng khó Lâm Thủy. |
Cô Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là được đưa những tri thức mình học được để dạy dỗ học sinh, góp phần ươm mầm học sinh giỏi và đã tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của trường gặt hái kết quả bước đầu. Cái khó nhất đối với học sinh Vân Kiều là làm sao cho các em tự giác đến trường đầy đủ. Nhưng, nếu giáo viên trao cho các em tình yêu, các em sẽ đáp lại bằng sự trân trọng và chăm ngoan, nghe lời”.
Với những đồng nghiệp đang cùng cô Thanh công tác trên mảnh đất này, cô Thanh là tấm gương về sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì học sinh. Điều đáng quý hơn mọi danh hiệu là cô được sự quý mến, yêu thương của đồng nghiệp và các em học sinh và trên hết là sự tin tưởng yêu quý của bà con bản làng Bru-Vân Kiều nơi biên giới Lâm Thủy.
Với những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen, ngoài ra cô còn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và các danh hiệu khác.