Cỗ cưới mấy mâm?

GD&TĐ - Cách đây khoảng 7 năm (2012), Đảng bộ TP Hà Nội quy định, đảng viên không được tổ chức đám cưới quá… 10 mâm cỗ, tức không quá 300 người. Năm 2017, Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng quy định đảng viên không được tổ chức đám cưới quá 700 người. Một số địa phương cũng ra những quy định tương tự dành cho cán bộ đảng viên.

Ảnh internet
Ảnh internet

Chuyện cưới xin là việc riêng của cá nhân nhưng Đảng bộ ở các địa phương lại “dài tay” như vậy, kể cũng lạ. Nhưng sở dĩ có chuyện kỳ cục như thế là vì, không ít quan chức là cán bộ, đảng viên bây giờ tổ chức đám cưới cho con quá “khủng” nên việc “dài tay” của các Đảng bộ trên đây nặng tính “răn đe”. Điều đáng buồn là, quy định là vậy nhưng có mấy cán bộ đảng viên “chấp hành” đâu! Chuyện bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tổ chức cho con mới đây là một ví dụ.

Theo tường thuật của các báo thì bà Đào tổ chức đám cưới cho con trai gồm 4 cuộc trong 3 ngày. Lần thì 50 bàn, lúc thì 40 mâm, đậm nhất ngày cuối, chiều 21/7, lên tới 800 khách, tức 80 mâm. Ngoài số khách trong tỉnh Sóc Trăng, nơi bà Đào làm Trưởng ban Dân vận, “quen biết nhiều, quan hệ rộng”, còn có khách ngoại tỉnh cũng đến chia vui với gia chủ.

Xe biển số trắng nhiều đã đành, xe biển số xanh cũng dập dìu nơi bên ngoài tiệc cưới. Kể cũng tài thiệt, viết hết chừng ấy giấy mời rồi đem “rải” từng nhà, dễ có đến cả tháng trời mới xong! Một nhà báo đem thắc mắc trên nói ra trong một cuộc cà phê sáng, liền được một đồng nghiệp đính chính ngay: Bà ấy có đến từng nhà để mời đâu. Chủ yếu là “lính” trong Ban Dân vận họ đi giúp. Mà cũng chả phải đến từng nhà, cứ đem “rải” đến các cơ quan, ngay chỗ phòng hành chính, ai có tên thì người ấy đến nhận.

Đem chuyện cưới xin rất riêng tư mà đưa lên công luận để mổ xẻ là việc chẳng đặng nếu như chuyện riêng ấy không làm ảnh hưởng đến nhiều người. Đám cưới cho con là việc hệ trọng của đời người. Nó là niềm vui nên rất cần được chia sẻ nhưng không phải ai cũng được “dự phần”, đằng này, khách lên đến cả ngàn như thế, hẳn không phải ai cũng đáng để được mời.

Số lượng cỗ cưới bao nhiêu mâm ấy phải phụ thuộc vào độ thân tình của gia chủ với người được mời. Đám cưới cả ngàn người như vậy, chắc chắn chủ hôn chả nhớ mặt mấy người nhưng những khách mời kia dù không thân thiết nhưng đố mà không đi dự, hoặc nếu kẹt thì cũng gửi quà mừng. Nhiều người, dù không được miếng trầu héo chén rượu lạt nào nhưng “tinh thần” thì vẫn như đi là vậy.

Bạn bè giờ gặp nhau, hễ nhắc đến chuyện “ăn cưới”, ai cũng ngao ngán lắc đầu nhưng rồi đến lượt cưới con mình, cái người hay “lắc đầu ngao ngán” ấy lại cũng mời 500 - 700 khách!

Tôi có quen một bác sĩ, hiện là Giám đốc của bệnh viện tỉnh Y. Một hôm tôi nhận giấy mời “dự cưới” của con anh qua Zalo: “Vợ chồng tôi, vào ngày…tháng…năm 2019 có tổ chức đám cưới cho con trai là cháu…, nhưng vì nhiều lí do không thuận tiện nên không mời anh/chị đến chia vui với chúng tôi được. Mong anh/ chị hết sức thông cảm về việc này”.

Đây là lần đầu nhận thiệp cưới kiểu này nên tôi cứ phân vân mãi, nhưng rồi chợt nhớ, trong một lần trà dư tửu hậu, chúng tôi có nói đến chuyện “mời bao nhiêu mâm” khi cưới cho con, anh bác sĩ ấy là người “hăng” nhất phản đối chuyện “gặp ai cũng mời cưới”. Giờ thì anh đã giữ đúng như lời anh nói.

Có thể đám cưới trăm mâm mà vẫn cứ buồn nhưng đám cưới chỉ chục mâm lại vui như… đám cưới. Vấn đề ở chỗ, ai là khách mời đúng nghĩa chứ không phải bao nhiêu mâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những nét chữ đầu tiên của các học viên.

Lớp học thắp sáng hy vọng

GD&TĐ - Không có phần thưởng hay tấm bảng danh dự, nhưng lớp học đặc biệt tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lai Châu lại thắp sáng những hy vọng.

Tình nguyện viên nhiệt tình hỗ trợ thí sinh tại Điểm thi Trường THPT Việt Trì (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Chung tay tiếp sức cho sĩ tử

GD&TĐ - Trong ngày thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các thí sinh đều tự tin bước vào phòng thi và đa phần rời phòng thi với gương mặt rạng ngời.