Có cần "tháo an toàn" USB trước khi rút nó ra khỏi máy tính?

GD&TĐ - Nếu bạn rút một ổ đĩa USB khỏi máy tính mà chưa "tháo an toàn" (eject trên macOS, safely remove trên Windows), bạn sẽ nhận được một thông báo nghe có vẻ khá nguy hiểm rằng ổ đĩa chưa được rút đúng cách.

Có cần "tháo an toàn" USB trước khi rút nó ra khỏi máy tính?

Nhưng bạn có thực sự cần phải rút ổ đĩa USB "đúng cách" hay không?

Có lẽ là không. Việc bạn cần làm là đợi quá trình sao chép dữ liệu hoàn tất, và sau đó vài giây, bạn đã có thể rút USB ra khỏi máy tính. Với các ổ cứng gắn ngoài, đặc biệt là các ổ HDD đã cũ thời gian chờ có thể cần lâu hơn một chút để đảm bảo an toàn.

Tất nhiên, việc rút ổ đĩa như vậy không được các tài liệu "chính thức" khuyên dùng, và nó cũng không phải là cách làm thận trọng nhất. Trong một số trường hợp xui xẻo, bạn phải chấp nhận nguy cơ bị hỏng tập tin, hay tệ hơn là toàn bộ ổ đĩa.

"Tôi đã rút ổ USB theo cách này từ 5 năm trước và chưa gặp vấn đề gì" - Frank Wang, một nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành Khoa học máy tính tại MIT cho biết. Anh này còn khẳng định rằng, phần lớn các trường hợp, "đối với một người dùng thông thường, sẽ chẳng có gì không hay xảy ra cả".

Nhưng điều gì cũng cần có chứng cứ. Bạn cần hiểu chuyện gì đang diễn ra ở "hậu trường" khi bạn rút một ổ đĩa USB, và tại sao khả năng gặp vấn đề là hầu như không thể.

Vấn đề gì có thể xảy ra?

Đầu tiên, vấn đề có thể xảy ra trong một số trường hợp, và khi bạn... gặp vận rủi.

Giả dụ bạn đang sao chép một tập tin từ máy tính vào USB. Máy tính của bạn sẽ sử dụng một thứ gọi là "bộ nhớ đệm ghi" (write cache); thay vì truyền trực tiếp tập tin từ một thiết bị sang một thiết bị khác, nó sử dụng bộ nhớ đêm để giúp quá trình sao chép hiệu quả hơn. Bộ nhớ đệm chỉ là một vùng trên ổ cứng mà máy tính có thể ghi dữ liệu vào đó một cách nhanh chóng.

Khi bạn ghi dữ liệu lên USB, máy tính thực ra sẽ chỉ ghi nó vào bộ nhớ, sau đó báo với bạn rằng "tôi xong việc rồi nhé" - Andy Pavlo, một trợ lý giáo sư Khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon nói - "Nhưng dữ liệu lúc này vẫn chưa đi vào ổ USB".

Với bộ nhớ đệm ghi, máy tính sẽ hoàn tất quá trình sao chép dưới nền. Mọi thứ diễn ra rất nhanh từ góc nhìn của con người. "Chỉ mất vài mili giây mà thôi" - Pavlo nói. Hệ điều hành macOS luôn sử dụng bộ nhớ đệm ghi, nhưng trên Windows thì người dùng có thể quyết định có sử dụng hay không, và mặc định, bộ nhớ đệm ghi này bị tắt đi.

Tính năng "tháo an toàn" xuất hiện nhằm quản lý dữ liệu trên bộ nhớ đệm ghi này. "Việc tháo an toàn này về cơ bản là cách mà chúng ta nói với máy tính rằng "okay, chuẩn bị rút USB ra nhé, xả hết bộ nhớ đệm ghi đi"" - Pavlo nói.

Biết được bộ nhớ đệm ghi là một điều quan trọng, bởi về mặt lý thuyết, luôn có một nguy cơ rằng dù bạn nghĩ máy tính đã hoàn tất truyền tải tập tin, thực ra nó vẫn chưa xong. Vì lý do đó, Pavlo khuyên chúng ta nên "tháo an toàn" USB nếu dùng macOS, bởi hệ điều hành này luôn sử dụng bộ nhớ đệm ghi.

Tháo an toàn USB trên macOS

Vậy những vấn đề gì có thể xảy ra nếu bạn rút USB ra trong khi đang sao chép một tập tin vào đó, hay bộ nhớ đệm ghi đang làm việc gì đó dưới nền?

Đầu tiên là tập tin bạn đang sao chép vào USB có khả năng bị hỏng (tập tin gốc trên máy tính vẫn không sao). Chưa hết, có khả năng các tập tin khác trên USB cũng có thể bị vạ lây.

Vấn đề lớn nhất ở đây là nếu USB bị hỏng - dữ liệu meta của hệ thống tập tin có thể bị hỏng, có nghĩa là USB sẽ không biết các tập tin được lưu vào đâu.

SanDisk - công ty chuyên sản xuất các thiết bị lưu trữ di động như USB - khuyên nên theo đúng các thủ tục "chính thức". Giám đốc marketing sản phẩm của công ty này, Brian Pridgeon, nói rằng:

"Dù là ổ USB, ổ cứng gắn ngoài, hay thẻ SD, chúng tôi luôn khuyên phải "tháo an toàn" ổ đĩa trước khi rút nó ra khỏi máy tính, camera, hay điện thoại. Việc không "tháo an toàn" ổ đĩa có thể khiến dữ liệu bị hư hại vì các quá trình đang diễn ra dưới nền hệ thống mà người dùng không thể thấy được".

Hãy lạc quan lên

Vậy bạn có nên nhấn nút "tháo an toàn" hay không?

"Thông thường, nhấn hay không cũng chẳng khác biệt gì lắm" - Jim Waldo, Giám đốc Công nghệ tại Trường Kỹ sư và Khoa học Ứng dụng John A. Paulson thuộc Đại học Harvard, cho biết.

"Hậu quả "thảm khốc" chỉ xảy ra khi bạn rút USB ngay giữa lúc đang ghi dữ liệu, do đó dữ liệu chỉ ghi được một phần mà thôi, và bạn có thể làm hỏng luôn cả ổ đĩa USB - nhưng khả năng điều đó xảy ra là rất nhỏ, đến nỗi tôi chưa từng bị như vậy, và chưa bao giờ nghe có ai bị như vậy".

Nói cách khác: việc làm hỏng ổ đĩa là rất, rất khó xảy ra.

Nếu bạn lo lắng rằng mình có thể sẽ làm gián đoạn việc gì đó mà bộ nhớ đệm ghi đang thực hiện dưới nền sau khi đã sao chép một tập tin, hãy yên tâm vì quá trình này kết thúc nhanh đến nỗi người bình thường chẳng cần quan tâm về nó, "trừ khi bạn là Flash" - Waldo nói.

Nói ngắn gọn, nếu bạn muốn mạo hiểm và rút USB nhanh, gọn, lẹ, hãy nắm vững các quy luật sau: đừng rút USB khi đang sao chép tập tin, và đừng làm việc đó trong vài mili giây sau khi quá trình sao chép đã hoàn tất. Cần nhớ rằng máy Mac luôn sử dụng bộ nhớ đệm ghi, còn Windows có thể không. Thiết bị càng hiện đại, khả năng có điều gì đó không hay càng khó xảy ra.

Cuối cùng, khi sử dụng một số thiết bị như ổ cứng gắn ngoài (dù các ổ hiện đại, SSD, sẽ khó bị lỗi), tốt nhất hãy thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn. Nếu bạn đang dùng ổ cứng gắn ngoài để backup máy tính, ví dụ như dùng Time Machine trên Mac, tốt nhất hãy bấm "tháo an toàn".

Quy luật đó cần được áp dụng đặc biệt với các ổ cứng cũ với cơ chế đĩa xoay. Các ổ cứng này cần thời gian lâu hơn để ghi thông tin so với ổ SSD, và bởi chúng có các bộ phận chuyển động, khả năng hư hỏng càng lớn hơn.

"Nói về các mối nguy cần lo lắng về ổ đĩa USB, rút USB mà không "tháo an toàn" chỉ là phụ thôi" - Waldo nói. Mối nguy lớn hơn? Đó là cắm chúng vào máy. Bởi luôn có khả năng ổ USB đó có virus!

Theo Vnreview

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ