Có cách nào nuôi con trưởng thành không đau đớn?

Mỗi vết sẹo trên cơ thể đều là những nỗi đau đớn, nhưng vết sẹo trong tâm hồn còn đau đớn hơn rất nhiều.

Có cách nào nuôi con trưởng thành không đau đớn?

Không người cha người mẹ nào lại muốn nuôi lớn lên để con mình lại thành một người chi chít vết thương ngoài da, thậm chí tàn tật. Có cách nào để trưởng thành không đau đớn không?

Nói một cách dễ hiểu, người Việt Nam có câu “Yêu cho roi cho vọt” để bào chữa những khuynh hướng bạo lực và áp chế trong gia đình đối với trẻ con, mà không chịu thừa nhận rằng, việc đó có bản chất là những đứa trẻ quá khứ đang đánh đập những đứa trẻ hiện tại. Và ta liệu sẽ nghĩ gì khi những đứa trẻ hiện tại rồi sẽ dùng cách đó để đối xử với tương lai?

Có cách nào để trưởng thành không đau đớn không?

Tôi nhớ ngày còn nhỏ, hàng xóm nhà tôi là một tiến sĩ toán học khá nổi tiếng, ông thông minh nên ông kỳ vọng vào con trai tới mức, chỉ cần con chơi với bạn thua một ván cờ, ông sẵn sàng bắt con cởi trần đeo một ống bô đựng đầy phân người đi vòng quanh khu tập thể, cho lũ trẻ hàng xóm chạy theo kinh ngạc và hiếu kỳ nhạo báng.

Người con trai ấy lớn lên cũng vào viện nghiên cứu khoa học của bố, mỗi lần đánh vợ thường đóng cửa bịt mồm vợ.

Bây giờ báo chí sẵn sàng vào cuộc để vạch trần những cuộc bạo hành ồn ào như thế, con đánh mẹ, bố giết con, trẻ em bị hành hạ, nhà nghèo nên bị xích vào cột chờ bố mẹ đi kiếm tiền về nuôi… Nhưng thật kỳ lạ làm sao khi rất nhiều người nghĩ rằng, chỉ đau ngoài da và có hành vi hành hung mới bị tố cáo là bạo lực gia đình.

Tôi nghĩ người chồng kiếm được nhiều tiền, yêu cầu vợ ở nhà nuôi con và nấu cơm cũng chính là bạo lực gia đình. Và bố mẹ mắng con cái, đọc trộm nhật ký, đòi hỏi con phải học thật giỏi… cũng chính là một cách bạo lực tâm hồn.

Bạo lực gia đình dễ hiểu nhất là làm bị thương, áp chế và ngược đãi người thân. Trong đó, đánh đau chỉ là một phần rất nhỏ. Còn rất nhiều biểu hiện khác như, lấy danh nghĩa tình yêu để kiểm soát người thân, hành hạ trẻ em để chứng tỏ quyền lực của kẻ mạnh, gây sức ép để buộc các em nhỏ phải thực hiện kỳ vọng của người lớn bằng được, thậm chí, ngăn cấm quyền lợi làm việc và kinh tế của vợ hoặc chồng.

Những người muốn chứng tỏ sức mạnh và quyền lực trong gia đình thường sẽ tạo nên những nạn nhân mới cho xã hội.

Biết không, những đứa trẻ ra đường đâm chém vì nhìn đểu, giết nhau vì lỡ đụng xe, hành hung và đểu cáng với người ngoài xã hội chỉ bởi, họ đã vô tình học sự ứng xử tàn nhẫn trong gia đình trước khi học được cách ứng xử yêu thương, tôi tin vậy.

Cũng như tôi tin những người cha người mẹ đang bạo hành con cái, thực chất họ chính là những nạn nhân của một thứ bi kịch kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, nơi con người dùng bạo lực để đối thoại.

Có người cho rằng, mọi bi kịch trong gia đình đều bắt nguồn từ xã hội, từ sự nghèo đói, vô tri, từ quan niệm truyền thống nặng nề về giới và quyền bình đẳng.

Tôi lại nghĩ khác, ngay cả trong những xã hội tiến bộ nhất, bạo hành gia đình và những cuộc đánh đập trẻ em vẫn xảy ra hàng ngày. Thế nhưng điều khác nhau chỉ ở chỗ, xã hội đó sẽ can thiệp và giúp đỡ trẻ em trong gia đình thế nào, có kịp thời không, hay phải chờ tới khi em bị bẻ gãy răng, bị dội nước sôi, bị giết?

Chất lượng sống của một quốc gia không tùy thuộc vào GDP hay những chỉ số kinh tế khác. Hãy đi ngoài đường và nhìn vào cuộc sống của những đứa trẻ, những người già, họ đang được chăm sóc và bảo vệ thế nào. Đó mới là tấm gương trung thực nhất về chất lượng sống của một xã hội.

Nên mỗi bài báo về trẻ em bị ngược đãi, không chỉ trong gia đình và bởi người thân, đều khiến tôi đau đớn. Bởi tôi không chỉ nhìn thấy một mình em đâu, nạn nhân nhỏ tuổi ạ. Mà tôi nhìn thấy những kẻ đồng lõa đã bộ hành qua em.

Theo thegioiphunu.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ