Cỏ bùa mê

GD&TĐ - Cỏ bùa mê là một bài thơ khá độc đáo được nhà thơ Ngô Văn Phú sáng tác năm 1988.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cỏ ở thung xanh, trên núi Tản

Không hề có gió cũng đu đưa

Ai yêu không được yêu thương lại

Hái cỏ ngầm đem đi bỏ bùa.

Hẳn có bao người lẻn đến đây

Trăng non, cỏ ngát một phương trời

Mỗi người chỉ được hái một lá

Và bỏ riêng cho mỗi một người.

Tôi cũng lên đây, cũng sững sờ

Cũng toan xin cỏ một nhành tơ

Đem về, ngầm thả cho ai đó

Hồi hộp đêm đêm thức đợi chờ.

Một đêm, hai đêm, ba bốn đêm

Cỏ bùa tôi thả đã lên men

Cái đêm em đến trăng đưa lối

Cỏ lại bay về núi Tản Viên.

Ngô Văn Phú 

Lời bình của Đặng Toán

Nhà thơ Ngô Văn Phú sinh năm 1937 tại Mê Linh, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1970. Ngô Văn Phú vào đời văn khá sớm, đã có nhiều thơ in trên các báo. 

Nhan đề bài thơ gợi một sự huyền bí, kích thích trí tò mò nơi người đọc. Thật sự có loại cỏ gọi là cỏ bùa mê chăng? Cũng giống như lá diêu bông trong thơ Hoàng Cầm, chắc chỉ tác giả mới có câu trả lời thỏa đáng. Có điều, nhà thơ đã chỉ ra (rất rõ ràng) nơi có loại cỏ đó: “Trên núi Tản” và cả sự khác thường ở loại cỏ này “không hề có gió cũng đu đưa”.

Từ sự khác thường đó mà công dụng của cỏ bùa mê cũng chẳng bình thường: “Yêu ai không được yêu thương lại/Hái cỏ ngầm đem đi bỏ bùa”. Và lại còn có “quy định” riêng nữa: “Mỗi người chỉ được hái một lá/Và bỏ riêng cho mỗi một người”.

Như vậy, công dụng của cỏ bùa mê, nếu thuận theo lẽ tự nhiên thì có vẻ cũng không lấy gì làm quang minh cho lắm (làm bùa ngải để mê hoặc người khác). Nhưng trong con người ta, tính ích kỷ không nhiều thì ít luôn luôn tồn tại, nhất là với những ai yêu mà “không được yêu thương lại”.

Bởi vậy, rất nhiều người đã “lẻn” lên núi Tản hái thứ cỏ thần bí đó mong đạt được khát khao của mình. Chữ “lẻn” dùng thật đắt, gợi và rất phù hợp với nội dung, diễn tiến câu chuyện.

Nhân vật “tôi” cho dù còn bán tín bán nghi cũng đã dám một mình vượt núi trong đêm khuya tới “xin cỏ một nhành tơ” để rồi “hồi hộp đêm đêm thức đợi chờ”. Ta hãy lưu ý chữ “xin”.

Động từ này vừa thể hiện sự thành tâm vừa nhuốm màu sắc tâm linh rất hợp với tâm lý nhân vật. Và, cỏ bùa mê đã phát huy tác dụng đúng như những lời đồn đại: “Một đêm, hai đêm, ba bốn đêm/Cỏ bùa tôi thả đã lên men/Cái đêm em đến trăng đưa lối/Cỏ lại bay về núi Tản Viên”.

Hình ảnh rất thực và rất đẹp “cái đêm em đến trăng đưa lối” vừa gần gũi, vừa giàu tính biểu cảm. “Trăng” trong trường hợp này không chỉ là “người” chứng kiến và đồng cảm, mà còn thể hiện được cái trong sáng, vô tư và chan chứa chân thành.

Đêm trăng đã tạo khung cảnh, phông nền đẹp đẽ lãng mạn cho mối tình đôi lứa. “Tôi” đã có được “em”. Nói cách khác, những điều tốt đẹp mà ta mong đợi chỉ thực sự có được nhờ ở lòng chân thành, sự kiên trì và đôi khi còn phải biết dấn thân nữa.

Song đến đây, có người vẫn băn khoăn: “Cỏ bùa mê” hình như còn vài chi tiết thiếu logic? Ở khổ trên mới chỉ là “toan xin cỏ”, vậy mà tới khổ dưới đã khẳng định: “Cỏ bùa tôi thả đã lên men”. Lại nữa, cỏ “đã lên men” rồi sao lại còn “bay về núi Tản Viên” được nhỉ?

Tôi thì cho rằng, tác giả đã cố ý viết như vậy. “Cỏ bùa mê” vốn đã thần bí, hư hư thực thực thì câu chuyện về nó cũng nhuốm màu huyền ảo, như có như không cũng là lẽ đương nhiên. Và như thế, những chuyện liên quan đến loài cỏ này sẽ vẫn còn cuốn hút, mê hoặc được khá nhiều người.

“Cỏ bùa mê” ra đời cách nay đã hơn 30 năm nhưng có lẽ nó sẽ còn xanh tươi mãi trong khu vườn thi ca của chúng ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ