CNTT cần thiết cho mọi mặt của giáo dục

CNTT cần thiết cho mọi mặt của giáo dục

(GD&TĐ) - Sáng nay (16/03), tại Hà Nội, gần 30 khách mời đại diện cho các đơn vị chủ đạo về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục tại Việt Nam đã gặp nhau trong cuộc họp về Lập kế hoạch và hợp tác CNTT.

Các đại biểu đều thống nhất quan điểm, CNTT cần thiết cho mọi mặt của GD (Ảnh: gdtd.vn)
Các đại biểu đều thống nhất quan điểm, CNTT cần thiết cho mọi mặt của GD (Ảnh: gdtd.vn)

Đây là ý tưởng của tổ chức VVOB Việt Nam (Tổ chức Hợp tác phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ) cùng với tổ chức UNESCO Bangkok và Hội đồng Anh Bangkok, nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi và hợp tác và thúc đẩy ứng dụng CNTT trong giáo dục.

Các đơn vị tham gia đã cùng chia sẻ thông tin về tình hình ứng dụng CNTT trong các mảng khác nhau của giáo dục.

Ông Lê Đông Phương, Giám đốc trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học và ngoại ngữ của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, hiện nay sinh viên có rất nhiều cơ hội tiếp cận CNTT, hầu như mọi sinh viên đều có khả năng tự trang bị các thiết bị điện tử hiện thời (điện thoại thông minh, mạng internet tại nhà), thời lượng học CNTT ở trường tăng lên. Tuy nhiên, nhiều sinh viên thường dùng CNTT để trao đổi với bạn bè, chơi trò chơi mà chưa dùng để học tập. Từ đó, một nhu cầu cấp thiết là phát triển các kỹ năng CNTT phù hợp cho sinh viên và hướng dẫn cho sinh viên khi nào, ở đâu và áp dụng như thế nào các kỹ năng được học đồng thời đưa hình thức học tập  trực tuyến (e-learning) vào các trường.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, giám đốc Đề án ngoại ngữ quốc gia tới năm 2020 chia sẻ, các nhiệm vụ của đề án trong đó có nhiệm vụ thứ ba là đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá (4 kỹ năng) ứng dụng CNTT và nhiệm vụ là tăng cường trang thiết bị, ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ. Ngoại ngữ được coi là một kỹ năng quan trọng để bổ trợ cho các phương pháp học tích hợp dựa trên ứng dụng CNTT. Dự án mong muốn các tổ chức hỗ trợ để tăng cường ứng dụng CNTT cho bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn.

Bà Park Jonghwi đại diện của UNESCO Bangkok giới thiệu Chương trình CNTT trong giáo dục của UNESCO gồm bốn mảng lớn: xây dựng chính sách, nâng cao năng lực, xây dựng nguồn tài nguyên, và thúc đẩy các hợp tác quốc tế. UNESCO Bangkok đang hỗ trợ tổ chức VVOB Việt Nam tổ chức hội thảo về Phương pháp học theo dự án và Ứng dụng Công nghệ thông tin (14-17/3).

Ông Mathias David, Quản lý chương trình trường học trực tuyến khu vực Đông Á của Hội Đồng Anh Bangkok cho biết mục đích của chương trình là tạo ra một không gian trực tuyến để các trường trên thế giới trao đổi, học tập lẫn nhau.

Một số các công ty tư nhân như ICDL- Springboard4Vietnam, Intel, Violet cũng đã chia sẻ những nỗ lực của họ về ứng dụng CNTT bao gồm: đào tạo chuẩn quốc tế về sử dụng máy tính, cung cấp các khóa học cho giáo viên bộ môn về cách sử dụng máy tính và kỹ năng phương pháp dạy học mới dựa trên ứng dụng CNTT, tạo ra một diễn đàn chia sẻ trao đổi cũng như nguồn tài nguyên trực tuyến cho giáo viên (http://violet.vn/main/)

Về phía VVOB, trong chương trình về Dạy học tích cực triển khai từ năm 2008, CNTT được coi là một công cụ để thực hiện các phương pháp giảng dạy có tính chất đổi mới. Chương trình đã áp dụng cách tiếp cận từng bước từ cung cấp cho các giảng viên các trường CĐ-ĐH Sư phạm các kỹ năng công nghệ cơ bản sau đó đào tạo chuyên sâu cho các giảng viên cách sử dụng CNTT hỗ trợ giảng dạy.

Đại diện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Cục trưởng Cục CNTT đã tham dự và đánh giá cao sáng kiến của Ban tổ chức về buổi thảo luận giữa các đơn vị làm về ứng dụng CNTT từ các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức. Đây là dịp để các bên tham gia thảo luận cởi mở, chất chia sẻ thông tin để giúp nhau hoàn thành tốt hơn công việc của mình. Tôi cũng đồng tình với các vấn đề các đại biểu đưa ra về tình hình ứng dụng CNTT ở các mảng, trong đó có đề cập đến những khó khăn và giải pháp.

Ông Nguyễn Sơn Hải,  cũng đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Hùng giám đốc dự án ngoại ngữ quốc gia là tiếng Anh và kỹ năng sử dụng CNTT là rất cần thiết đối với nguồn nhân lực nói chung để hội nhập sâu rộng với thế giới. Đồng tình ý kiến của đại diện UNESCO trao đổi về nguồn nhân lực CNTT. Để giải quyết vấn đề này trước hết cần xây dựng  các bộ chuẩn kỹ năng CNTT cho từng đối tượng ví dụ như giáo viên, cán bộ quản lý từ đó tổ chức bồi dưỡng. Chúng tôicũng đánh giá cao tổ chức UNESCO đã hỗ trợ rất nhiều tài liệu hữu ích, VVOB đang hỗ trợ dự án về ứng dụng Dạy học tích cực cho các giáo viên.

Theo ông Hải, trong những năm gần đây, ngành GD&ĐT đã đạt được rất nhiều thành tựu về ứng dụng CNTT. Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều chính sách, hướng dẫn ứng dụng CNTT trong giáo dục. Sắp tới Bộ sẽ ban hành Kế hoạch tổng thể ứng dụng CNTT tới năm 2015. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực về CNTT đến năm 2015 và định hướng tới 2020 giao Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện. Về hạ tầng CNTT, trong những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đã trang bị được tương đối tốt và phát triển nhanh. Gần như 100% các trường  THPT đã được trang bị đủ phòng máy tính để học môn tin học. Ở các trường ĐH, thiết bị CNTT được trang bị rất tốt.Từ 2008, Bộ GD-ĐT nhận được sự tài trợ của tập đoàn Viettel xây dựng mạng Edunet kết  nối tất cả các trường học trong cả nước. Các trường được trang bị internet và sử dụng miễn phí. Mạng này có vai trò đặc biệt quan trọng giúp các trường trao đổi thông tin và thực hiện các công việc khác qua mạng.

Về ứng dụng, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định sử dụng thống nhất bộ công cụ dành cho cán bộ quản lý. Về ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trước đây giáo viên thường dùng Powerpoint làm trình chiếu hỗ trợ giảng bài. Hiện nay Bộ đang triển khai công nghệ e-learning trong toàn ngành, hướng tới xây dựng một xã hội học tập. Ngoài ra mỗi năm học, Bộ đều phát động cuộc thi bài giảng trực tuyến e-learning nhằm tập hợp và phổ biến nguồn bài giảng  tốt nhất từ giáo viên tham gia đóng góp. Tiếp theo e-Learning, , Bộ cũng triển khai công nghệ m-learning (học qua các thiết bị thông tin di động) và hướng tới U-learning (Ubiquitous learning  - kết hợp e- learning và m-learning).

Cuộc họp Lập kế hoạch và hợp tác CNTT là bước khởi đầu quan trọng để các đơn vị chủ đạo có được cái nhìn tổng thể về tình hình thực hiện và các hướng dẫn định hướng về ứng dụng CNTT trong giáo dục của Bộ GD-ĐT, đồng thời chia sẻ thông tin các đơn vị đang làm hiện thời. Mối quan hệ chặt chẽ, những ý tưởng hợp tác cụ thể từ cuộc họp sẽ hỗ trợ và làm đòn bẩy cho công tác ứng dụng CNTT trong giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển và hoàn thiện.

Bảo Minh
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ