Mới đây, trang CNN của Mỹ đã giới thiệu về loại hình nghệ thuật Ca trù của Việt Nam và ví Ca trù như loại hình Opera của đất Việt.
Theo CNN, ông Barley Norton - Giảng viên dày dạn trong ngành Dân tộc học tại Goldsmiths (Đại học London) - đã nhận xét rằng: Để yêu thích được ca trù, bạn cần nhiều thời gian để làm quen, tiếp xúc và dần dần nắm bắt được những nét tinh tế trong làn điệu. Ông là người đã tiếp xúc ca trù lần đầu năm 1994.
CNN đã ví loại hình ca trù, được hát bằng một giọng ca nữ bi ai và lối hát tận lực, như một sáng tạo có tính đối trọng hoàn hảo của người Việt với loại hình opera trứ danh trên thế giới.
Ca trù thường hát về tình yêu và cái đẹp. Trước đây, ca trù là một loại hình nghệ thuật cấp cao chỉ dùng để phục vụ vua chúa, quan lại và giới quý tộc.
Tuy nhiên, ngày nay ca trù đã và đang len lỏi khắp các quầy hát quanh Hà Nội. Theo đánh giá của CNN, trong 30 năm qua, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của những nghệ nhân nhiệt huyết, ca trù đã hồi sinh mạnh mẽ.
Ca nương Bạch Vân là một nghệ nhân nhiệt huyết với ca trù. Bà đã hát Ca trù hơn 30 năm và là người thành lập nên Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội vào năm 1991, nhằm giới thiệu loại hình này đến công chúng. Hiện tại, ca nương 60 tuổi này vẫn biểu diễn đều đặn vào tối chủ nhật hg tuần tại Đình Kim Ngân, một danh thắng cổ ở Hà Nội.
“Khi bà cất tiếng hát, cả thính phòng như chìm vào một thế giới khác. Tiếng hát của bà lúc dữ dội, khi lại khoan thai, lúc du dương, khi lại như than thở. Thanh âm của bà ngày càng to dần, như tiếng sóng biển vỗ bờ” - CNN đã dành những lời tán thưởng hoa mỹ cho giọng hát của ca nương.
Theo CNN, đã có 56 làn điệu ca trù được tìm ra, và không có một nhịp cố định nào cho loại hình này. Không có một sách giáo khoa hay trường học nào dạy ca trù một cách bài bản.
Môn nghệ thuật này được truyền dạy hoàn toàn bằng việc truyền miệng từ ca nương tới học viên, trong từ 3 tới 10 năm. Học viên phải học thuộc ít nhất 100 bài hát trước khi được phép biểu diễn trước khán giả.