Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học East Anglia (Anh), từ việc nhổ cỏ tới vắt sữa bò hay ngày càng có nhiều công việc canh tác quen thuộc được thực hiện bằng máy móc và xu hướng đang thay đổi nền nông nghiệp nhanh “ngoài sức tưởng tượng”.
Những loại Robot có thể được sử dụng cho việc hái quả, nhặt cỏ để giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động dự kiến diễn ra sau khi nước Anh rời khỏi khối EU. Ưu việt hơn nữa, máy móc và trí tuệ nhân tạo có thể tiết kiệm tiền cho nông dân đồng thời bảo vệ môi trường.
Nhưng tác động xã hội của thay đổi này ở các cộng đồng nông thôn khác nhau chưa được xem xét một cách kĩ lưỡng sẽ đem lại những tác động tiêu cực đến người lao động, theo bài báo đăng tải trên tạp chí chuyên ngành thực phẩm bền vững.
“Robot và trí tuệ nhân tạo có thể sẽ gây ra tình trạng mất việc làm hoặc thay đổi bản chất của việc canh tác theo cách mà một số nông dân không mong muốn. Một số người sẽ bị bỏ lại phía sau bởi sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, trong khi xã hội có thể không thích cách thức sản xuất thực phẩm mới” - đồng tác giả nghiên cứu David Rose, giảng viên về Địa lý (ĐH East Anglia) con người nhấn mạnh.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi công nghệ được ứng dụng rộng rãi, lúc đó quyền ra quyết định sẽ tập trung vào tay của những công ty tư nhân và có thể tạo nên phản ứng dữ dội tương từ công chúng như những gì đã xảy ra với cây trồng biến đổi gen.
Hiện, đã có những người phản đối việc chỉnh sửa gen cây trồng để khiến chúng phát triển đúng như mong muốn và có sức chống chịu tốt hơn trước sự biến đổi ngày càng mạnh của khí hậu toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, canh tác thông minh không chỉ giúp cải thiện năng suất mà còn mang lại lợi ích xã hội, đáp ứng nhu cầu của con người, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
“Đổi mới liên quan tới việc ứng dụng công nghệ hiện đại và nó sẽ rất cần thiết cho các nhà nông muốn tăng sản lượng nông nghiệp trên trang trại của mình” - John Ruane - Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) nhìn nhận. Nhưng việc tối quan trọng là làm thế nào để công nghệ không làm gia tăng khoảng cách giàu, nghèo.
FAO ước tính, có ít nhất 550 triệu trang trại trên thế giới, trong đó khoảng 90% là trang trại gia đình. “Vậy nên, nếu bạn không để ý đến các nhà nông nhỏ lẻ, bạn đang bỏ qua hàng trăm triệu lao động và gia đình của họ trên thế giới… Điều này rõ ràng tạo ra khoảng cách và trở thành thách thức lớn trong xã hội thời công nghệ” - ông Ruane nhận định.