Yemen và bi kịch của cuộc chiến Ả-rập Xê-út

GD&TĐ - Xương lồng ngực phập phồng yếu ớt, cặp mắt lờ đờ, cậu bé 3 tuổi nằm im lặng trên giường bệnh ở thị trấn vùng cao Hajjah. Trông cậu không khác một nhúm xương đang vật vã chiến đấu giành từng hơi thở.  

Vợ chồng ông Ali al-Hajaji đang lo sợ sẽ mất đứa con thứ hai vì nạn đói
Vợ chồng ông Ali al-Hajaji đang lo sợ sẽ mất đứa con thứ hai vì nạn đói

Những đứa trẻ hấp hối

Cha của cậu bé, Ali al-Hajaji, đứng nhìn con trai một cách lo lắng. Ông đã mất một đứa con trai ba tuần trước đó vì nạn đói đang lan rộng khắp Yemen, và giờ đây, ông đang lo sợ những giây phút cuối cùng đang đến với đứa con tiếp theo.

Nạn đói không phải do vì thiếu thốn lương thực trong khu vực: Các cửa hàng bên ngoài cổng bệnh viện chứa đầy hàng hóa, người mua kẻ bán nhộn nhịp. Nhưng ông Hajaji không đủ tiền mua vì giá cả tăng quá nhanh. “Tôi chỉ có thể mua một miếng bánh mì cũ” - ông nói - “Đó là lý do tại sao con tôi sắp chết trước mắt tôi”.

Cuộc chiến tàn khốc ở Yemen gần đây đã thu hút được sự chú ý hơn là sự phẫn nộ vì vụ giết hại một nhà bất đồng chính kiến ở Istanbul. Những lời chỉ trích gay gắt nhất về cuộc chiến tranh do Saudi dẫn đầu đã tập trung vào các cuộc không kích đã giết chết hàng ngàn thường dân tại đám cưới, đám tang và trên xe buýt trường học, được hỗ trợ bởi bom và tin tức tình báo do Mỹ cung cấp.

Các chuyên gia viện trợ và các quan chức Liên Hiệp Quốc nói rằng, một dạng chiến tranh tinh vi hơn cũng đang được tiến hành tại Yemen - một cuộc chiến kinh tế đang ảnh hưởng đến một số lượng lớn dân thường, và những rủi ro đã khiến đất nước này lún sâu vào nạn đói.

Nguy cơ sụp đổ kinh tế

Dưới sự lãnh đạo của Thái tử Mohammed bin Salman, liên minh do Saudi dẫn đầu và các đồng minh Yemen đã áp đặt một loạt các biện pháp kinh tế trừng phạt nhằm cắt giảm các phiến quân Houthis kiểm soát miền Bắc Yemen. Nhưng những hành động này - bao gồm cả phong tỏa định kỳ, hạn chế nhập khẩu nghiêm ngặt và giữ lại tiền lương của khoảng một triệu công chức – trở thành những đòn đánh vào lưng người dân, khiến nền kinh tế suy kiệt và hàng triệu người lâm vào cảnh nghèo đói.

Nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy, người dân mất việc làm, đồng tiền yếu và giá thành tăng cao. Nhưng trong những tuần gần đây, sự sụp đổ kinh tế ở đất nước này đạt tốc độ đáng báo động, khiến các quan chức Liên Hợp Quốc buộc phải nhìn nhận lại những dự đoán của họ về nạn đói.

“Hiện nay có một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại của một nạn đói lớn sắp xảy ra và tuyệt vọng nhấn chìm Yemen”, Mark Lowcock, thư ký cho các vấn đề nhân đạo, phát biểu trước Hội đồng Bảo an. Theo ông, có tới tám triệu người Yemen phải phụ thuộc vào viện trợ lương thực khẩn cấp để tồn tại. Con số này có thể sớm tăng lên thành 14 triệu, tương đương với một nửa dân số của Yemen.

“Mọi người nghĩ nạn đói chỉ là thiếu thức ăn”, Alex de Waal, tác giả của “Mass Starvation”, phân tích những nạn đói gần đây do con người tạo ra. “Nhưng ở Yemen, đó là một cuộc chiến về nền kinh tế”. Những dấu hiệu hiển thị ở khắp mọi nơi. Những giáo sư đại học không được lĩnh lương phát đi những lời kêu gọi tuyệt vọng để được trợ giúp trên phương tiện truyền thông xã hội. Các bác sĩ và giáo viên buộc phải bán vàng, đất đai hoặc xe hơi để nuôi gia đình. Người ăn xin xuất hiện nhiều trên đường phố.

Những cú ra đòn của nhà tài trợ

Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Washington không trả lời các câu hỏi về chính sách của họ ở Yemen. Tuy nhiên, các quan chức Ả-rập Xê-út đã bảo vệ hành động của họ, viện dẫn việc tên lửa của nhóm vũ trang Houthis đã bắn phá biên giới của họ (Houthis tự xưng là thuộc Zaidi Islam, một nhánh của Shiism, mà chế độ quân chủ Sunni của Ả-rập Xê-út xem như một đại diện cho đối thủ khu vực của Iran).

Ả-rập Xê-út vẫn cho rằng họ, cùng với United Arab Emirates, là một trong những nhà tài trợ hào phóng nhất cho nỗ lực cứu trợ nhân đạo của Yemen. Mùa xuân năm ngoái, hai đồng minh đã cam kết tài trợ 1 tỷ USD cho Yemen.

Vào tháng Giêng, Ả-rập Xê-út đã gửi 2 tỷ USD vào ngân hàng trung ương của Yemen. Nhưng những nỗ lực đó đã bị lu mờ bởi các cuộc tấn công của liên minh đối với nền kinh tế của Yemen, bao gồm việc từ chối trả lương cho công chức, phong tỏa một phần khiến giá lương thực bị đẩy lên và in một lượng lớn tiền giấy, khiến đồng tiền giảm giá.

Ngoài ra, cuộc tấn công vào Hudaydah, bắt đầu vào tháng 6, đã đe dọa đường dây chính để nhập khẩu vào miền Bắc Yemen, khiến 570.000 người phải di tản và tiến gần hơn tới nạn đói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ