Giáo dục với thị trường lao động

GD&TĐ - Mặt trái của Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể phá vỡ thị trường lao động truyền thống. Từ thực tiễn khách quan, nhóm tác giả là PGS.TS Trần Thị Thái Hà và PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương đưa ra một số khuyến nghị về chiến lược GD-ĐT gắn với thị trường lao động.

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu cốt lõi tại các nhà trường
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu cốt lõi tại các nhà trường

Hoàn thiện hệ thống GD-ĐT chuyên môn kĩ thuật

Nhóm tác giả cho biết, dự tính vào năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% nghề nghiệp hiện tại của con người. Con người sẽ phải trang bị những kĩ năng kĩ thuật cần thiết để thích ứng. Đào tạo, đào tạo liên tục và đào tạo suốt đời là công cụ rất quan trọng, là cách thức để người lao động có thể thích ứng tốt nhất với thị trường lao động và tạo ra việc làm bền vững.

Theo đó, nhóm tác giả đề xuất, hệ thống GD-ĐT cần phát triển nhanh chóng và hỗ trợ chuyển dịch về kĩ năng. Từ trạng thái bắt đầu công nghiệp 4.0 như hiện nay, với các kiến thức cơ bản về kiến thức và kĩ năng mềm, chuyển sang hệ thống kĩ năng trình độ công nghệ trung bình và chuyển đổi thành công đáp ứng nhu cầu công nghệ cao, với kĩ năng kĩ thuật và kiến thức cao hơn.

Các kĩ năng mềm gồm: Làm việc theo nhóm, kĩ năng quản lí và kĩ năng lập kế hoạch. Đội ngũ lao động STEM (STEM là cụm từ viết tắt của Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học. Thông qua việc kết hợp các lĩnh vực trên, học sinh có khả năng ứng dụng một cách sáng tạo và phát huy cách học mới về những khái niệm được học thông qua việc thực hành lắp ráp robot) bao gồm các kĩ thuật viên, chuyên gia máy tính và các ngành nghề liên quan có khả năng bắt nhịp được với những thay đổi trong thị trường việc làm.

Hệ thống đào tạo định hướng tăng cường giáo dục STEM và ICT là mục tiêu của tương lai trên con đường phát triển giáo dục. Công nghệ cũng làm cho các kĩ năng sẽ chóng bị lạc hậu và tạo ra các cơ hội cho nhóm kĩ năng mới, đặc biệt là kĩ năng về khả năng thích nghi và linh hoạt, đối với cả người lao động và các tổ chức đào tạo.

Do vậy, GD-ĐT cần phải chuẩn bị cho sự nghiệp lâu dài thông qua việc học suốt đời, chứ không phải là chú trọng cho công việc cụ thể. Hệ thống giáo dục STEM ở mức tiên tiến cần thiết để hỗ trợ cho việc xây dựng các kiến thức về số hóa và kĩ năng mềm cũng như trình độ hiểu biết ở mức độ cao hơn. Cho đến nay, học sinh chỉ coi giáo dục kiến thức ICT là quan trọng, trong khi doanh nghiệp lại cần các kĩ năng mềm và trình độ nhận thức ở mức độ cao.

Định hướng tăng cường giáo dục STEM. Ảnh minh hoạ
Định hướng tăng cường giáo dục STEM. Ảnh minh hoạ

Chính sách phát triển GD-ĐT gắn với thị trường lao động

Theo nhóm tác giả, thông tin thị trường lao động (TTLĐ) có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về cơ hội việc làm. Giám sát nhu cầu của TTLĐ, đặc biệt là nhu cầu GD-ĐT của khu vực tư nhân; về các kĩ năng mới làm cơ sở cho việc thiết kế phương pháp đào tạo, cách thức tổ chức đào tạo phù hợp và các chương trình ĐT-ĐT lại; kết nối giữa các người lao động với việc làm. Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống thông tin này sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn của mạng vạn vật (IOT).

Các chương trình GD-ĐT chuyển đổi cần chú ý thích đáng đến các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhóm yếu thế. Việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ khó khăn với người lao động cao tuổi, lao động nữ, người di cư không có nghề nghiệp cố định, người lao động mất việc làm bị thay thế do áp dụng tự động hóa, lao động không có trình độ chuyên môn kĩ thuật tối thiểu và các công cụ kết nối tối thiểu. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp để chuẩn bị cho những lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động về những thách thức và cơ hội trong thế giới việc làm.

Cách mạng công nghiệp 4.0, với việc thay thế trí tuệ nhân tạo, sự thay đổi bản chất việc làm và các hệ lụy kể trên, đã đưa ra thách thức đối với hệ thống GD-ĐT, đòi hỏi phải có tư duy mới về GD-ĐT và cách làm mới.

GD-ĐT trong bối cảnh này càng trở nên quan trọng đối với chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, cần nhìn nhận đây là xu hướng mang lại cơ hội hơn là đe dọa. Tự động hóa không thể thay thế con người trong việc ra quyết định cũng như linh hoạt trong nhận thức. Vì vậy, nguồn nhân lực trong kỉ nguyên số cần phải có kĩ năng mà máy móc không thể có như: Khả năng lãnh đạo, làm chủ doanh nghiệp.

Các trường đại học, cao đẳng cần đổi mới để có được các chương trình đào tạo linh hoạt, tạo ra nhiều chọn lựa cho người học, phương thức đào tạo linh hoạt, kết nối toàn diện con người, phương tiện, thiết bị, phần mềm với nhau, tăng cường tối đa các loại dịch vụ, hệ thống quản lí chắc chắn. Giảng viên tích cực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sáng tạo khởi nghiệp.

Đối với quá trình dạy, cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học hay là tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp. Đối với học sinh, sinh viên là người lao động trong tương lai cần thay đổi suy nghĩ học một lần cho cả đời bằng việc học cả đời để làm việc cả đời.

Linh hoạt và bảo đảm chất lượng GD-ĐT

Nhóm nghiên cứu phân tích, Cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép thay đổi về nguyên tắc thiết kế chính sách GD-ĐT, trong đó công bằng và bình đẳng được xem xét dựa trên những kết quả mong đợi hay mong muốn của mỗi nhóm cá nhân. Nói cách khác, nguyên lí đầu tư vào GD-ĐT sẽ nhằm đảm bảo mọi người đều có cơ hội tiếp cận với GD-ĐT tốt nhất trong phạm vi khả năng tài chính tổng của cá nhân và sự cho phép của Nhà nước.

Bài viết được biên tập, lược dẫn từ bài nghiên cứu khoa học “GD-ĐT với thị trường lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của PGS.TS Trần Thị Thái Hà và PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, đăng trên Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam - số 01/tháng 1/2018. 

Các hình thức GD-ĐT phải được điều chỉnh theo sự thay đổi bản chất của việc làm và TTLĐ trong điều kiện mới: Cần phải có các chính sách GD-ĐT cho những lao động bán thời gian, trực tuyến và tự làm, làm nhiều việc một lúc... để họ có cơ hội tốt hơn. Nói cách khác, GD-ĐT cần phải mang tính cá nhân, không phải chỉ dựa theo điều kiện cơ sở GD-ĐT như hiện tại.

Nhóm nghiên cứu đề xuất, các hình thức GD-ĐT cần phải linh hoạt hơn về địa điểm và phương pháp cũng như các cơ chế công nhận kết quả. Kinh nghiệm ở các nước APEC khác cho thấy, doanh nghiệp chọn cách đào tạo và phát triển nhân lực hiện có của doanh nghiệp thay vì tuyển mới và phải đào tạo lại. Rõ ràng, đây là phương pháp hiệu quả nhất.

Như vậy, người lao động cần phải có khả năng học hỏi, phải sẵn sàng tiếp thu những kĩ năng mới vì khả năng được tuyển dụng ít phụ thuộc vào những gì người lao động đã biết mà phụ thuộc nhiều vào khả năng học tập, ứng dụng và thích nghi tốt như thế nào. Hệ thống GD-ĐT cần có cơ chế công nhận kết quả ĐT của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và Chính phủ cũng phải tham gia nâng cao kĩ năng cho người lao động, tạo điều kiện cho họ dịch chuyển một cách tự do.

Như đã đề cập, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến việc thất nghiệp có khả năng xảy ra với số lượng lớn trong một số ngành với một bộ phận người lao động bị đẩy ra khỏi dây chuyền sản xuất. Do vậy, các chính sách GD-ĐT cần hỗ trợ cho người bị đào thải khỏi công việc hiện tại có khả năng chuyển đổi được việc làm. Đối với người lao động ở lại thì cần đào tạo cập nhật hoặc nâng cao để đảm bảo kĩ năng đáp ứng yêu cầu của công việc mới.

Tóm lại, điểm tích cực của Cách mạng công nghiệp 4.0 là mở rộng cơ hội việc làm đối với nhóm lao động có chuyên môn kĩ thuật cao và tạo ra nhiều việc làm có chất lượng cao hơn, với xu hướng cá nhân hoá, linh hoạt, không giới hạn về địa lí và khu vực làm việc. Qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên, mặt trái của Cách mạng công nghiệp 4.0 là có thể phá vỡ thị trường lao động truyền thống, do tự động hóa sẽ thay thế lao động chân tay, robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. Đối tượng yếu thế là lao động bị mất việc làm, hoặc không có kĩ năng phù hợp và không thể thích ứng với yêu cầu về kỹ năng mới của công nghệ, gây nên gia tăng bất bình đẳng giữa các nhóm lao động, giữa các vùng, các nước phát triển và đang phát triển.

Bản thân người lao động Việt Nam phải thay đổi tư duy và ý thức việc học tập suốt đời, mất việc này thì học việc mới, làm việc khác và chấp nhận thay đổi môi trường, địa điểm làm việc. Đây là những thay đổi tất yếu mà người lao động cần phải nhận thức được và thích nghi được để có sự chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi. Những vấn đề trên không chỉ liên quan đến lao động trình độ văn hóa thấp mà lao động có kĩ năng bậc trung sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không cập nhật và trang bị thêm kiến thức mới, các kĩ năng sáng tạo phù hợp với nền kinh tế 4.0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ