Clip gian lận trong phòng thi: Có thể hủy kết quả

Clip gian lận trong phòng thi: Có thể hủy kết quả

(GD&TĐ)- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 5/6 xung quanh sai phạm trong thi cử tại Bắc Giang.

(ảnh chụp từ clip)
(ảnh chụp từ clip)

Vụ việc này, ông Đào Trọng thi cho rằng, trước hết phải kiểm tra xem clip có xác thực hay không. Mặc dù Sở GD&ĐT Bắc Giang đã xác nhận thông tin trong clip là đúng và theo thông tin báo chí nêu thì Sở GD&ĐT Bắc Giang đã đình chỉ Chủ tịch hội đồng thi và giám thị liên quan, không cho những người này tham gia chấm thi. Xử lý như vậy cũng là nghiêm túc… 

Theo ông, liệu vụ việc tiêu cực xảy ra tại Bắc Giang có phải do áp lực của bệnh thành tích?

Chuyện áp lực của bệnh thành tích hay không còn phải đánh giá đầy đủ. Cũng có thể hiện tượng tiêu cực là do phụ huynh học sinh có quan hệ với Hội đồng thi và thầy cô giáo nên người ta làm điều đó (ném phao cho thí sinh). Còn nếu không có động lực và quan hệ nào khác mà các giáo viên tự làm điều đó thì chỉ có thể xuất phát từ thành tích nhà trường. Không ai tự dưng vi phạm quy chế thi mà không vì một lợi ích nào khác có lợi cho họ hoặc lợi ích của nhà trường.

Theo ông, người tố cáo có cần được bảo vệ - nếu người quay phim là thí sinh?

Cái này phải nói rằng bản thân anh quay phim trong phòng thi là vi phạm quy chế thi. Hai việc đó cần giải quyết rành mạch. Chuyện thí sinh vi phạm phải xử lý, còn thông tin từ clip, nếu được xác định là thật thì người ta lấy thông tin từ clip chứ không ai đánh giá thí sinh đó hành động tích cực, tố cáo sai phạm. Anh vi phạm kỷ luật rồi bảo vì mục đích tốt đẹp thì không chấp nhận được. Vì nếu chấp nhận cái đó sẽ nhiều người lợi dụng. 

Như vậy, kết quả trong phòng thi đó theo quan điểm của ông sẽ xử lý như thế nào?


Kết quả đó sẽ phải nghiên cứu một cách đầy đủ vì nó sẽ ảnh hưởng đến số đông các thí sinh khác. Không thể vì một vài người vi phạm mà để ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người khác. Bởi vậy phải nghiên cứu xem ảnh hưởng của hiện tượng đó đến kết quả làm bài của các em như thế nào để có hình thức xử lý hợp lý. Tinh thần là phải bảo vệ quyền lợi của các em.

Tôi nghĩ, phòng thi đó, khi chấm thi phải có chế độ đặc biệt. Nếu như thấy nhiều bài trùng hợp một cách bất thường với “phao” thì có thể xử lý theo đúng quy chế, tức là những loại bài ấy sẽ bị trừ điểm hoặc bị hủy kết quả, tùy mức độ. Cái đó đã có quy chế rồi.

Nhiều ý kiến ủng hộ giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương nhưng lại lo ngại, thi cấp quốc gia mà còn tiêu cực nhiều thế thì về địa phương càng dễ bề buông lỏng hơn?


Cả về trong tương lai, việc tổ chức một kỳ thi để kết thúc giai đoạn học THPT là cần thiết, thi để cấp bằng cho các em. Nhưng không cần thiết thành kỳ thi quốc gia. Vì bản chất kỳ thi này là không có tính cạnh tranh, cứ em nào đạt điểm là đỗ, chúng ta hoàn toàn không cần khống chế tỷ lệ đỗ như đối với ĐH-CĐ. Kỳ thi này chỉ để chứng nhận việc học sinh đã hoàn thành bậc học phổ thông, vì vậy không cần thiết phải tạo không khí căng thẳng. Về lâu về dài, chúng ta còn tiến tới phổ cập giáo dục THPT nên giao cho các địa phương là đúng. Thậm chí, sau này việc thi để chứng nhận học sinh tốt nghiệp THPT còn có thể giao cho cấp trường. Bởi sau khi học sinh tốt nghiệp THPT, chúng ta có nhiều con đường khác để phân luồng các em. Em nào khá  giỏi thì vào ĐH-CĐ, còn không thì học nghề.
 

PV (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ