Yêu cầu này là tín hiệu vui đối với công tác quản lý, minh bạch tiền phí BOT nhưng không vui ở chỗ, đến thời điểm này đó vẫn chỉ là một tuyên bố mang tính “hô khẩu hiệu”.
ETC được đánh giá là “vũ khí” hữu hiệu để triệt tiêu tình trạng nhập nhằng trong báo cáo mức thu giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý; giúp các liên danh nhà thầu sòng phẳng với nhau và quan trọng nhất là giúp người dân biết tiền của họ được thu có đúng hay không.
Nếu áp dụng rộng rãi ETC với hệ thống quản lý bằng công nghệ thông tin chính xác và rõ ràng, dưới sự giám sát bằng tài khoản hệ thống riêng của nhiều bên: Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, ngân hàng, nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư ETC con số thực thu sẽ khó lòng bị làm sai lệch.
Nhưng quyết sách áp dụng ETC vẫn mãi chỉ từ các cuộc họp ra đến văn bản chứ chưa thể đi vào thực tế, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận, đến nay, dự án trạm thu phí không dừng đã chậm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Trong khi đó thất thoát thu phí, báo cáo không trung thực về số liệu, thời gian thu phí hoàn vốn vẫn diễn ra phổ biến ở các các dự án BOT.
Kết quả giám sát một loạt các trạm thu phí BOT của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thời gian qua cho thấy, hầu hết các trạm đều có vấn đề như: báo cáo giảm số tiền thu phí hàng ngày qua trạm, hệ thống dữ liệu trục trặc, và nhiều trạm đã bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị xem xét giảm thời gian thu phí hoàn vốn.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán tại 27 dự án BOT và kiến nghị giảm gần 100 năm thời gian thu phí hoàn vốn.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện cả nước có 88 trạm thu phí (62 trạm đang hoạt động); 12 hệ thống thu phí (6 hệ thống chưa thu thực tế). Nhưng mới chỉ có 1 trạm thu phí không dừng ở Quảng Bình của Công ty CP Tasco, còn lại vẫn là trạm thu phí một dừng.
Tổng Giám đốc Công ty CP VETC Vũ Quang Lâm cho hay, qua quá trình làm việc, mỗi nhà đầu tư BOT có thái độ khác nhau, có nhà đầu tư yêu cầu rất nhiều yêu sách như: tắt camera làn, không cho bán vé tháng, không cho cung cấp dịch vụ ETC.
Đơn cử như trạm thu phí Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), TASCO đã thực hiện thu phí tự động vé tháng từ tháng 10/2016, tuy nhiên, nhà đầu tư BOT chưa cho hưởng phí vì phải chạy thử nghiệm 6 tháng.
Thậm chí, trạm này còn yêu cầu TASCO phải tắt hệ thống camera giám sát toàn cảnh, chỉ cho soi ở làn thu phí không dừng không được soi ở làn thu phí một dừng.
Tại cuộc họp về tiến độ Dự án trạm thu phí không dừng cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu, đến 30/4 tới, các nhà đầu tư và DN cung cấp dịch vụ phải hoàn thành ký kết toàn bộ các hợp đồng và đến 30/6 sẽ đồng loạt áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng tại các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP) của Bộ hàng tuần phải có báo cáo Bộ trưởng về tiến độ thực hiện dự án thu phí tự động không dừng.
Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngoài 28 dự án trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cần có văn bản đề xuất, kiến nghị áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng đối với những trạm thu phí nằm ở các vị trí nhạy cảm như Pháp Vân - Cầu Giẽ, hay trên các tuyến đường cửa ngõ của TP Hồ Chí Minh.
Câu hỏi đặt ra là: “Tối hậu thư” lần này của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa liệu có được các nhà đầu tư coi trọng(?).
Giới chuyên gia tỏ ra hồ nghi khi nhận định mấu chốt vấn đề nằm ở việc, các hợp đồng BOT không có quy định về lắp đặt công nghệ thu phí không dừng.
Do đó, muốn triển khai được việc này, phải ký kết bổ sung phụ lục Hợp đồng BOT; mà việc này khó có thể dùng mệnh lệnh hành chính để ép buộc.
Thu phí không dừng rõ ràng sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên, nhất là cơ quan quản lý và người dân; nhưng các nhà đầu tư BOT liệu có muốn minh bạch việc thu phí tại dự án của mình(?).
"Từ nay đến cuối năm 2017, TASCO dự kiến sẽ hoàn thành 28 trạm ETC; mỗi tháng sẽ có từ 2 - 3 trạm ETC được đưa vào khai thác. Nguyên nhân hàng đầu dẫn dến dự án thu phí không dừng chậm trễ triển khai là do các nhà đầu tư BOT không muốn hợp tác lắp đặt." - Tổng Giám đốc Công ty CP VETC (TASCO) Vũ Quang Lâm