Chuyện vỡ nợ

GD&TĐ - Hôm 12/4, Sri Lanka - đảo quốc ở Ấn Độ Dương đã ra tuyên bố vỡ nợ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Điều này đồng nghĩa với việc họ không có đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD và phải trông đợi vào gói hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo tính toán, dự trữ ngoại tệ của nước này hiện còn 2,2 tỷ USD trong khi riêng năm nay họ phải trả 4 tỷ USD. Bộ Tài chính Sri Lanka lí giải rằng, việc tuyên bố vỡ nợ như một hình thức đối xử công bằng đối với tất cả chủ nợ.

Sri Lanka, nằm ở khu vực Nam Á - giành độc lập từ năm 1948, hiện có 22 triệu dân - lún sâu vào khủng hoảng kinh tế do nhiều nguyên nhân. Một phần rất lớn vẫn là do việc điều hành, quản lý yếu kém, phần khác được cho là không may mắn do thiên tai, dịch bệnh.

Là một nước nông nghiệp, nhưng Sri Lanka phải nhập khẩu gạo bởi lệnh cấm phân bón hóa học của chính phủ vào năm 2021, dẫn tới hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như chè, cao su bị ảnh hưởng nặng nề. Nguồn thu quan trọng từ du lịch cũng suy giảm bởi Covid-19 khiến chính phủ không kiếm đâu ra ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Theo thống kê, lạm phát trong tháng trước của Sri Lanka đã lên tới 18,3% trong bối cảnh thiếu lương thực, xăng dầu, mất điện trên diện rộng khiến người dân phẫn nộ, kéo nhau xuống đường biểu tình, đốt phá...

Tình trạng một quốc gia lâm vào cảnh vỡ nợ không phải là hiếm. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết kể từ năm 1960, 147 chính phủ đã vỡ nợ. Con số này tương đương hơn nửa số chính phủ trên toàn cầu. Theo định nghĩa của IMF, vỡ nợ chỉ đơn giản là thất hứa hoặc làm sai thỏa thuận.

Khi một quốc gia vay tiền từ chủ nợ trong và ngoài nước, họ có nghĩa vụ trả lãi trên các khoản vay đó. Nếu việc thanh toán bị lỡ hẹn, quốc gia đó sẽ bị coi là vỡ nợ. Vỡ nợ xảy ra khi chính phủ không thể, hoặc không muốn, thực hiện một số/toàn bộ nghĩa vụ nợ với người cho vay. Như vậy có nghĩa là các quốc gia không vỡ nợ, mà là các chính phủ.

Tác động của việc tuyên bố vỡ nợ đương nhiên sẽ để lại những hệ lụy lâu dài. Chẳng hạn như khó đi vay, hoặc phải vay với lãi suất cao. Tuy nhiên, nhiều chủ nợ vẫn sẵn lòng cho vay miễn là về sau họ nhận được khoản trả tương xứng.

Vỡ nợ còn gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng, khiến GDP giảm trong nhiều năm. Tuy nhiên, nó cũng có thể giúp các nước giảm nợ nếu họ gặp khó khăn. Sự hỗ trợ này thường là giảm lãi sau tái cấu trúc, hơn là giảm tiền gốc.

Trong lúc chờ gói trợ giúp từ IMF, Sri Lanka đã xin được xóa nợ từ Ấn Độ và Trung Quốc, song cả hai quốc gia chỉ đồng ý tăng hạn mức tín dụng. Cụ thể là Ấn Độ đồng ý cấp gói tín dụng 1 tỷ USD vào tháng trước.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo sự hỗ trợ này sẽ chỉ khiến cuộc khủng hoảng càng kéo dài. “Để thoát khỏi khủng hoảng, ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng thành lập một chính phủ hiệu quả. Đạt thỏa thuận với IMF sẽ là bước kế tiếp”, các nhà kinh tế học Ankur Shukla và Abhishek Gupta nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ