Chuyện về người thầy 'tàn' nhưng không 'phế' ở Sơn La

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không may gặp tai nạn, rơi vào cảnh tàn tật nhưng như thế cũng không thể ngăn được "lửa" nghề của thầy giáo Hoàng Anh Phú ở Sơn La.

Một buổi dạy học của thầy Hoàng Anh Phú (ngoài cùng bên phải).
Một buổi dạy học của thầy Hoàng Anh Phú (ngoài cùng bên phải).

Gặp nạn vẫn giữ "lửa" nghề

Thầy giáo Hoàng Anh Phú (SN 1977) hiện đang công tác tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Chiềng Chăn, xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Người thầy này đã có hơn 20 năm cống hiến với sự nghiệp giảng dạy cho các em nhỏ ở nơi rẻo cao.

Theo Ban giám hiệu nhà trường, thầy Phú là giáo viên Tin học, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chắc, giàu nhiệt huyết. Thầy luôn đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường và được phụ huynh, đồng nghiệp quý trọng, học sinh yêu quý.

Hơn 20 năm công tác tại nhà trường, thầy Phú luôn tích cực cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp giáo dục. Thầy sống giản dị, hòa đồng nên được mọi người yêu mến. Quá trình công tác, thầy có nhiều sáng kiến thiết thực phục vụ cho việc giảng dạy.

“Tôi đến với nghề giáo viên không phải là cái duyên. Ngay từ khi còn học trên ghế nhà trường, tôi đã ước muốn được đứng trên bục giảng để dạy chữ rồi. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Khoa sư phạm Toán tin, Trường cao đẳng cộng đồng Hải Phòng, tôi làm hồ sơ và về công tác tại Trường tiểu học - THCS xã Chiềng Chăn. Hàng ngày, tôi đi bộ 12 km từ điểm trường trung tâm đến các lớp cắm bản dạy chữ”, thầy Phú thổ lộ.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu như biến cố không xảy ra vào năm 2013. Đó là lúc thầy Phú không may bị tai nạn điện. Vụ tai nạn đã "cướp" đi một cánh tay và khiến thầy rơi vào cảnh bị liệt nửa người. Tháng 12/2022, thầy lại mất đi người vợ hiền do tai nạn giao thông.

Chỗ dựa tinh thần đã bị mất đi, trong khi bản thân khuyết tật, đồng lương ít ỏi khiến cho khó khăn lại nhân lên gấp bội. Một mình thầy vừa phải lo chi phí sinh hoạt hàng ngày, thuốc thang chữa bệnh lại vừa lo cho hai con đi học.

Cuộc sống tuy bị đảo lộn, song với ý chí mạnh mẽ, thầy Phú không cho phép mình gục ngã trước khó khăn.

Một số nhà hảo tâm đến thăm và hỗ trợ gia đình thầy Phú.

Một số nhà hảo tâm đến thăm và hỗ trợ gia đình thầy Phú.

“Có thời điểm tôi nghĩ, sẽ không bao giờ được đứng trên bục giảng nữa. Lúc đó, tôi rất nhớ quãng thời gian lên lớp giảng dạy cho các em nhỏ. Lòng tôi như thắt lại. Nhờ sự giúp đỡ, động viên của gia đình và đồng nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường, tôi đã cố gắng tiếp tục được truyền đạt kiến thức cho các em”, thầy Phú bộc bạch.

Ý chí mạnh mẽ vượt qua khó khăn

Khó khăn là vậy, nhưng sự nhiệt huyết với nghề giảng dạy luôn cháy bỏng trong tâm trí của thầy Phú. Hàng ngày, thầy Phú vẫn đến trường, cống hiến cho sự nghiệp "ươm mầm" tương lai ở nơi rẻo cao xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn.

Đại diện Ban Giám hiệu cùng Công đoàn trường TH&THCS xã Chiềng Chăn đến thăm và động viên gia đình thầy Phú.

Đại diện Ban Giám hiệu cùng Công đoàn trường TH&THCS xã Chiềng Chăn đến thăm và động viên gia đình thầy Phú.

Theo lời chia sẻ của các thầy cô giáo nhà trường, tuy bị thương tật nặng, không thể đi lại như người bình thường, nhưng thầy Phú luôn có nhiều sáng kiến trong giảng dạy. Điển hình như việc ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin vào các bài giảng, quản lý máy tính từ xa, giúp đỡ đồng nghiệp cài đặt, sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học trực tuyến.

Thầy Phú còn hướng dẫn cán bộ thư viện cách sử dụng, ứng dụng phần mềm vào quản lý cơ sở dữ liệu... Những công việc đó, đều được thầy Phú góp ý kiến và cùng các thầy cô giáo nhà trường lên kế hoạch triển khai trên lớp học.

Một tiết Tin học của học sinh nhà trường.

Một tiết Tin học của học sinh nhà trường.

Thầy Nguyễn Hữu Dũng, Hiệu trưởng trường TH&THCS Chiềng Chăn cho biết: “Cuộc sống của thầy Phú rất khó khăn, vất vả, ở nhà phải nuôi mẹ già 78 tuổi và nuôi 2 con gái nhỏ. Dù bản thân bị thương tật khá nặng nhưng thầy Phú vẫn nhiệt huyết với nghề giảng dạy. Để chia sẻ khó khăn với thầy, chúng tôi đã nhờ thầy Nguyễn Quang Quý hàng ngày đưa đón bằng ô tô tới trường. Sau đó, cõng thầy Phú đặt lên xe lăn để vào lớp dạy học”.

“Đối với công việc giảng dạy tại lớp, nhằm giúp thầy Phú giảm bớt vất vả, chúng tôi đã họp bàn và nhờ các thầy cô giáo nhà trường hỗ trợ về số tiết dạy. Bình quân 1 tuần, thầy Phú chỉ phải dạy 15 tiết học, giảm được 4 tiết so với các thầy cô khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng huy động giáo viên nhà trường ủng hộ chút kinh phí để thầy Phú trang trải cuộc sống. Chúng tôi mong các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm cùng chia sẻ, giúp đỡ để thầy Hoàng Anh Phú vượt qua khó khăn. Có như vậy thì thầy ấy mới tiếp tục sự nghiệp giáo dục, ổn định cuộc sống, nuôi dạy các con trưởng thành”, thầy Dũng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ