Chuyện về ca sĩ Castrato

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thế kỷ XVIII, thính giả châu Âu phát cuồng vì giọng 'nam thiến' trầm ngọt ngân dài vô hạn của Francesco Bernardi (1686 - 1758, Italia).

Thiến là con đường tắt để theo đuổi sự nghiệp Castrato. Ảnh: Classicfm.com
Thiến là con đường tắt để theo đuổi sự nghiệp Castrato. Ảnh: Classicfm.com

Thế kỷ XVIII, thính giả châu Âu phát cuồng vì giọng “nam thiến” trầm ngọt ngân dài vô hạn của Francesco Bernardi (1686 - 1758, Italia). Tuy nhiên, để đạt được cảnh giới giọng hát ngoài sức tưởng tượng này, Bernardi đã phải trả cái giá rất đắt từ thuở bé.

Cất giọng là kinh ngạc

Bernardi ra mắt thính giả Venice vào năm 1707, chỉ vừa mới cất giọng đã khiến mọi người kinh ngạc vì “giống hệt giọng nữ trầm mạnh mẽ, rõ ràng, đều đặn và ngọt ngào với sự nhấn nhá cũng như độ ngân hoàn hảo”. Từ Italia, danh tiếng của Bernardi vang dội khắp châu Âu. Năm 1717, tại Dresden (Đức), Bernardi được trả công trình diễn bằng số tiền lớn đến mức không ai dám tin là thật.

Bí quyết thanh nhạc của Bernardi, trớ trêu thay, nó không đến từ kỹ năng hay sự tập luyện mà từ một cuộc phẫu thuật cưỡng ép được chính cha mẹ đồng thuận là… thiến. Năm 13 tuổi, khi đang là thành viên trong dàn hợp xướng của nhà thờ tại nơi sinh sống, Bernardi bị cha mẹ bí mật ép thiến để làm Castrato.

Castrato là giọng nam có âm vực và chất giọng giống như giọng nữ, thường là cao vút hoặc rất trầm. Nó được tạo ra bằng cách… thiến trước tuổi dậy thì, khiến dây thanh âm biến dị và giọng nói không bị vỡ do sự phát triển của sinh lý.

Theo phân tích y học, việc nam giới bị thiến trước tuổi dậy thì sẽ khiến nội tiết tố biến mất, không chỉ dẫn đến việc không thể trưởng thành về mặt sinh dục, mà còn tác động lên sự phát triển của dây thanh âm. Trung bình, chiều dài dây thanh âm của nam giới trước dậy thì là 17,35mm, còn khi trưởng thành là 28,92mm, tăng 63%.

Sự xuất hiện của nội tiết tố trong thời kỳ dậy thì chính là tác nhân tạo nên độ dày và dài của dây thanh âm, gây ra hiện tượng vỡ giọng. Thiến chặn đứng sự xuất hiện của nội tiết tố, khiến dây thanh âm của nam giới không chỉ mỏng, mà còn ngắn tương đương với dây thanh âm của nữ giới (trung bình chỉ 21,47mm).

Bên cạnh đó, việc thiếu nội tiết tố còn khiến xương của nam giới phát triển dài một cách bất thường, cuối cùng hình thành khung lồng ngực lớn, tạo khả năng giữ hơi lâu hơn người bình thường. Nhờ đó, Castrato có thể ngân cao vút hoặc ngân trầm rất dài. Đây là lợi thế vô cùng lớn trong hát opera, thể loại nhạc phổ biến nhất thời cận đại.

Giọng hát thiên thần

Hàng ngàn bé trai bị thiến oan uổng bởi tham vọng của bậc sinh thành. Ảnh: Twitter.com

Hàng ngàn bé trai bị thiến oan uổng bởi tham vọng của bậc sinh thành. Ảnh: Twitter.com

Theo tư liệu lịch sử, từ năm 400 sau Công nguyên ở Constantinople (kinh đô của Đế chế La Mã), Hoàng hậu Aelia Eudoxia (? – 404) đã có dàn hợp xướng hoạn quan Brison. Tuy nhiên, dàn hợp xướng này có khả năng chỉ là tập hợp của các hoạn quan biết hát, không phải Castrato.

Không rõ Castrato đầu tiên là ai, xuất hiện vào năm nào nhưng, vào năm 1589, dự luật “ca sĩ dàn hợp xướng của nhà thờ phải là Castrato” đã được thông qua ở Italia. Sau năm này, các ca sĩ “nam thiến” nổi lên nhiều như nấm sau mưa, có mặt ở cả Pháp lẫn Đức.

Thế kỷ XVII - XVIII, Castrato bước vào thời kỳ hoàng kim kéo dài. Ngoài Bernardi, giọng “nam thiến” xuất sắc còn có Carlo Maria Michelangelo Nicola Broschi (1705 – 1782), người có thể chinh phục cả nốt nhạc cao nhất.

Bên cạnh giọng ca, các Castrato còn khiến khán giả phát cuồng vì ngoại hình “mỹ nam mong manh”. Do thiếu nội tiết tố, da của Castrato rất trơn mịn, tóc chắc khỏe, hông tròn, vai hẹp… càng nhìn càng thấy… xinh như thiếu nữ.

Với ngoại hình bắt mắt và giọng ca tuyệt đỉnh, các Castrato được trả công hậu hĩnh. Năm 1764, gia đình của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart (1756 – 1791) đã thuê một Castrato hát mở màn với giá 1.500 bảng Anh.

Bí mật bất hạnh

Độ tuổi lý tưởng nhất để nam giới bắt đầu theo đuổi sự nghiệp Castrato là 7 – 9 tuổi. Giáo luật thời trung, cận đại lại cấm phụ nữ hát nơi công cộng, nên Castrato rất được ưa dùng. Tuy nhiên, giáo luật cũng “cấm hành vi cố ý cắt cụt bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, trừ trường hợp bất khả kháng”. Nói cách khác, thiến là việc làm bất hợp pháp.

Hầu hết các bé trai bị thiến để làm Castrato đều là nạn nhân của chính cha mẹ mình. Broschi, giọng “nam thiến” cao nhất bị mẹ tìm “bác sĩ chui” và ép thiến ngay sau khi cha qua đời vì tham vọng tiền tài. Để tránh bị trừng phạt, các bậc sinh thành “luyến danh, tham tiền” bịa đặt đủ các loại tai nạn lấp liếm, bao gồm từ ngã ngựa đến bị lợn rừng tấn công.

Mặc dù, thiến là con đường tắt để đạt được “giọng hát thiên thần”, nhưng không phải tất cả các bé trai bị thiến đều trở thành Castrato. Ước tính, có hàng ngàn bé trai bị thiến mà không thể theo sự nghiệp biểu diễn, cuối cùng chỉ có thể tham gia vào dàn hợp xướng của các nhà thờ nhỏ. Từ năm 1770, gần như toàn bộ nhạc công, ca sĩ trong các nhà thờ ở Italia đều là “Castrato thải loại của các rạp hát lớn”.

Ca sĩ 'nam thiến' điển hình bởi ngoại hình xinh trai và âm vực như giọng nữ. Ảnh: Classicfm.com

Ca sĩ 'nam thiến' điển hình bởi ngoại hình xinh trai và âm vực như giọng nữ. Ảnh: Classicfm.com

Ngay cả thuận lợi theo con đường Castrato, các bé trai bị thiến cũng phải mất hàng chục năm tập hát với các thầy giáo thanh nhạc. Một vở opera thường chỉ cần 1 giọng “nam thiến”, nên cơ hội bước lên sân khấu lớn với các Castrato cũng rất mong manh. Tất nhiên, cơ hội trở thành Castrato nổi tiếng lại càng xa vời.

Năm 1861, Italia ban lệnh cấm thiến nhưng, mãi đến năm 1878, Giáo hội mới cấm nhà thờ thuê Castrato. Năm 1903, Giáo hoàng Pius X (1835 – 1914) ban bố quy định “nếu nhà thờ cần giọng nữ cao hoặc nữ trầm thì chỉ được phép nhờ cậy các bé trai như ngày xưa giáo hội vẫn làm”. Lịch sử Castrato chính thức khép màn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ