Chuyện tình nhạc sĩ Lê Uyên Phương - gặp hôm nay mà đã nhớ ngày mai

GD&TĐ - Vào đầu những năm 1970, tại miền Nam Việt Nam, phong trào ca nhạc phản chiến diễn ra rầm rộ. Bên cạnh những Ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn, sự xuất hiện của cặp song ca Lê Uyên – Phương nhanh chóng trở thành một hiện tượng, thổi luồng gió mới vào không khí âm nhạc thời bấy giờ. Không chỉ nhờ vào những ca khúc khác lạ, chính hình ảnh quấn quýt không lúc nào rời nhau trong cuộc sống của cặp song ca đẹp đôi này cũng đã làm cho công chúng đi từ tò mò đến ngưỡng mộ...

Chuyện tình nhạc sĩ Lê Uyên Phương - gặp hôm nay mà đã nhớ ngày mai

Buồn đến bao giờ (*)

Lê Uyên Phương là nghệ danh của Lê Văn Lộc, sinh năm 1941 tại Đà Lạt. Nhưng tên chính xác của ông là Lê Minh Lập (do chiến tranh, giấy tờ thất lạc, phải làm khai sinh lại nhiều lần mà cái tên mới bị “tam sao” như thế). 

 Năm 19 tuổi, Lê Uyên Phương thầm yêu một cô gái tên Uyên. Với mối tình đó, ông đã viết ca khúc đầu tay Buồn đến bao giờ. “Buồn ơi đến bao giờ. Còn thương đến bao giờ. Thương nụ cười đơn côi. Tháng đợi năm chờ...”.

Sau này, Lê Uyên Phương tự bạch: “Ai cũng có những mối tình dang dở. Và ai cũng có ít nhất một lần bị thất tình. Lê Uyên Phương cũng không là ngoại lệ. Cái mối tình đầu tiên của tôi rất nhẹ nhàng và tôi đã viết bài hát Buồn đến bao giờ ở Pleiku, nơi tôi bắt đầu đi dạy học”.

Yêu nhau trong lo âu (*)

Năm 1966, một cô gái xinh đẹp tên Lâm Phúc Anh, được gia đình đưa từ Sài Gòn lên Đà Lạt học ở ngôi trường nổi tiếng Virgo Maria. Nhà của Phúc Anh cách nhà của Lê Uyên Phương chỉ một căn và khi tình cờ thấy mặt nhau, họ đã “yêu nhau ngay lập tức” - như cách kể của Phúc Anh sau này.

Và từ đó, Đà Lạt là bối cảnh cho tình yêu thắm thiết giữa hai người. “Suốt trong thời kỳ chúng tôi yêu nhau, chiến tranh ở khắp mọi nơi. Và mọi người nếu có yêu nhau, họ đã sống rất vội vã và muốn sống trọn vẹn bên nhau. Bởi vì có thể ngày mai họ không còn có nhau.

Ngày đó Phương dạy học ở Đà Lạt, tôi về lại Sài Gòn sau khi nghỉ học. Vì bận dạy học, anh không thể về thăm hay gặp tôi mỗi lần anh muốn được.

Dĩ nhiên là chúng tôi muốn gặp nhau mỗi ngày nhưng không thể được. Anh đã cố gắng thu xếp về Sài Gòn một tháng hai ngày để chúng tôi được gặp mặt nhau”, Phúc Anh kể.

Những ngày tháng ấy, họ đã không có một chỗ gặp gỡ cho trọn vẹn. Suốt ngày, hai người ngồi trong sân Ga Sài Gòn, thỉnh thoảng làm bộ ngoắc tay những hành khách ngồi trên xe ca ra vào của hãng Hàng không Việt Nam cho ra vẻ ngồi chờ người thân.

Mỗi ngày chỉ có một mẩu bánh mì nhỏ trong bụng. Họ sống như vậy có khi kéo dài hằng tháng trời. Sỡ dĩ có sự éo le đó là vì gia đình Phúc Anh - vốn giàu có - không chấp nhận cho con gái đến với một người có thể nay sống mai chết như Lê Uyên Phương.

“Tôi yêu bởi cái tài và con người hiền lành, đạo đức, rộng lượng của anh. Nhưng yêu tha thiết hơn chính là vì căn bệnh hiểm nghèo của anh. Cuộc tình chúng tôi lãng mạn, đau đớn cũng bởi không biết một ngày nào cả hai sẽ chia lìa nhau. Chúng tôi yêu nhau nồng nàn và như kết thành một khối từng ngày, từng giờ cũng bởi cái chết luôn ám ảnh”, Phúc Anh kể lại.

Thế rồi 12 ca khúc trong tập Khi loài thú xa nhau của Lê Uyên Phương ra đời trong thời kỳ này. “Không có Đà Lạt chắc khó có một thứ nhạc độc đáo Lê Uyên Phương. Mỗi ngày anh thức dậy từ sớm đi lang thang khắp núi đồi Đà Lạt tới khoảng nắng lên thì trở về nhà nghỉ. Khi mặt trời đi ngủ, anh lại đi cho tới tối thì trở về và ngồi viết cho tới sáng”, Phúc Anh nhớ lại.

Nghe âm nhạc của Lê Uyên Phương, người ta đã nhìn thấy sự bi quan, nỗi phân ly, xa cách. “Đời sống của Phương là cây cỏ, là núi đồi, là chim chóc, là cà phê, là bình trà nóng mỗi buổi sáng, và cây đàn guitar... Chúng tôi đã đi nhiều nơi trong thành phố Đà Lạt.

Trong những lần đi chơi đó, anh đã nhìn thấy những viên sỏi, đá rất là vô tư, rất ngây thơ, rất mộng mơ. Anh nghĩ ngay sẽ có một ngày đá sẽ là một điều gì nói lên sự thủy chung. Và sau cùng, những viên đá đó sẽ trở thành tấm mộ bia.

Trên đó ghi ngày sinh, ngày tử của mình. Nơi đó, tấm bia mộ đó, sẽ ôm ấp hình hài của chúng ta. Và dĩ nhiên ngay cả dưới cái bia đá đó của Phương, dòng máu anh vẫn nồng nàn chảy”, Phúc Anh hồi tưởng.

Một cây đàn hai khối đam mê

Năm 1968, Lê Uyên Phương và Lâm Phúc Anh chính thức kết hôn. Từ đó cái tên Lê Uyên - Phương mãi mãi gắn kết số phận hai người. (Lê Uyên là tên của nhạc sĩ khi hát, Phương là nghệ danh của Lâm Phúc Anh).

Năm 1969, họ dắt nhau xuống Sài Gòn, khởi đầu sự nghiệp ca hát. Tuy phạm vi biểu diễn ban đầu chỉ hạn hẹp trong các sân trường đại học nhưng hai người nhanh chóng nổi tiếng nhờ những giai điệu cùng ca từ mới lạ đầy khắc khoải của Lê Uyên Phương, cùng đôi giọng ca luôn quấn quýt bên nhau như trong cơn mê sảng của họ.

“Chúng tôi may mắn được nhiều người ủng hộ chỉ sau đêm thứ hai đi hát chuyên nghiệp. Thật tình khi đến với nhau và hát cho nhau nghe, chúng tôi không nghĩ mình sẽ nổi tiếng. Cái tên Lê Uyên và Phương ra đời năm 1969. Và một điểm nữa mà giờ tôi mới cảm nhận là cột mốc cuộc đời chúng tôi dường như gắn liền với con số 19.

Sau đúng 19 đêm đi hát với 19 địa điểm, chúng tôi nổi tiếng ngay ” - Phương (tức Lâm Phúc Anh) thuật lại. Không bao lâu sau sự xuất hiện của đôi song-ca-tình-nhân này, báo chí ồ ạt nói về họ.

Nghe nhạc của họ, chứng kiến tình yêu của họ, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng lúc bấy giờ đã thốt: “Lê Uyên & Phương quả thật đã chinh phục cả một lớp tuổi chúng tôi. Cái melody lãng mạn trong những ca khúc của Phạm Duy hay cái melody siêu hình trừu tượng trong tình ca Trịnh Công Sơn làm thành nét quyến rũ của hai bậc thầy về những bài tình ca này quả có khác với tình khúc của Lê Uyên Phương.

Cái làm thành sức mạnh của âm nhạc Lê Uyên Phương chính là cái giai điệu cực kỳ khêu gợi dục tính. Đó là những lời than thở của một tình yêu “gặp hôm nay mà đã nhớ ngày mai”. Nghe Lê Uyên và Phương hát, tôi khám phá ra cái gọi là dịu dàng trong văn chương và âm nhạc lâu nay thật ra chỉ làm vui lòng các cô tiểu thư giả vờ ngây thơ, chứ không phải là thứ âm nhạc mà chúng ta phải hát cho nhau nghe bằng tấm lòng chân thật của tình yêu.

Thứ tình yêu kiểu Lưu Trọng Lư đã qua rồi. Đã qua rồi tình yêu Tự lực Văn đoàn... Tôi yêu âm nhạc của Lê Uyên Phương, tôi yêu tiếng hát của hai bạn, tiếng hát khêu gợi làm sao, tiếng hát đi qua một trái tim nóng bỏng và đã thổi cái hơi nóng tình yêu nồng nàn qua trái tim người nghe, bắt họ phải nhận ra rằng đó mới là tình yêu đích thật”.

Ngày mai ta không còn thấy nhau (*)

Năm 1979, Lê Uyên và Phương sang định cư tại Mỹ. Cuộc sống ở xứ người không dễ dàng, từ cơm áo gạo tiền cho đến nghệ thuật không ngờ đã làm xáo trộn tình cảm vốn tưởng khó đổi thay của lứa đôi này. Năm 1984, hai người chia tay nhau. Đó là một cú sốc lớn cho cả hai, nhưng mối quan hệ của hai người vẫn rất tốt đẹp.

Năm 1999, nhạc sĩ Lê Uyên Phương qua đời vì bệnh ung thư phổi. Sau ngày đó, Lâm Phúc Anh - tức Phương, như người đã chết theo cả nghĩa đen. “Lúc anh mất, tôi đã chuẩn bị thuốc ngủ để theo anh. Tôi khóc từ sáng đến đêm khuya, ngày nào cũng khóc và ngay khi tôi định tìm đến cái chết bởi quá tuyệt vọng thì tôi cảm nhận được có điều gì đó từ anh không muốn tôi như vậy.

Có thể anh đã xui khiến một người bạn gọi đến cho tôi. Tôi còn nhớ rất rõ đó là ngày thứ 50 anh mất. Tôi không ngờ người bạn ấy có thể nói được những lời mà trước đây anh từng nói với tôi: “Nếu như nhạc của anh không có mình (anh không gọi tôi bằng em mà bằng mình) thì không biết phải làm sao. Mình không thể khóc hoài như vậy, mình phải sống và có bổn phận gìn giữ, đưa âm nhạc của anh thăng hoa” - bà kể lại.

Nhìn cái dáng ngồi khóc thương người tình nhân, người chồng cũ của Phương, người ta không thể không nhớ đến những lời hát mà lúc sinh thời Lê Uyên Phương đã từng hát với bà, như một dự báo oan khiên:

“Lệ ngập ngừng bờ mi. Giọt nước mắt lăn nỗi buồn. Giọt nước mắt xa cách vời vợi trông. Giờ này còn nhìn nhau. Nhìn đắm đuối như suối bền. Nhìn suốt kiếp như chết mòn. Nhìn hấp hối thương đau. Ngày mai ta không còn thấy nhau”.

(*) Tên bài hát, ca từ của Lê Uyên Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.