Nhạc phòng trà: Còn nhiều trăn trở

GD&TĐ - Nói hơi quá thì cách đây nhiều năm, nhạc phòng trà nhận được không ít sự kỳ thị của những người hoạt động trong giới âm nhạc bởi đây là một thể loại sân khấu ca nhạc không chính thống. Nói cách khác, "sân khấu” phòng trà cũng là một bức tranh nhiều mảng xám.

 Nếu phải “mổ xẻ” rõ ràng khái niệm nhạc phòng trà thì: nhạc là chính hay trà là chính?
Nếu phải “mổ xẻ” rõ ràng khái niệm nhạc phòng trà thì: nhạc là chính hay trà là chính?

Vì sao "sân khấu" phòng trà lên ngôi?

Có thể nói, sự phát triển không đồng đều của các hình thức âm nhạc đã mang đến nhiều khó khăn với không ít nghệ sĩ. Ví như nhạc dân gian, một thể nghiệm nhanh được khán giả đón nhận nhưng cũng chóng rơi vào “khoảng lặng” trên sân khấu ca nhạc vì kén khán giả.

Dễ hiểu vì sao những gạo cội như Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn... hiện nay vẫn là những nhạc sĩ đi đầu xu hướng nhạc dân gian, được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng họ đều không phải là những “đại gia” trong làng âm nhạc.

Bên cạnh đó, những ca sĩ đi theo thể loại kén người nghe cũng khó vùng vẫy trong biển âm nhạc hiện nay. Có thể thấy, nhiều show âm nhạc đình đám, được tổ chức tại những nơi được gọi là “đắc đạo” của sân khấu ca nhạc lại vắng bóng nhiều ca sĩ tài năng như Ngọc Khuê, Kasim Hoàng Vũ, Tùng Dương, Khánh Linh... mà thay vào đó là sự lấn át của dàn sao trẻ, thậm chí có người chưa từng được phong danh hiệu.

Đó là chưa kể những ngôi sao ca nhạc một thời như NSND Thanh Hoa, NSƯT Hồng Liên... gần như không còn sân khấu âm nhạc đẳng cấp dành cho họ.

Do nhiều yếu tố tác động nên gu âm nhạc của giới trẻ được phân thành nhiều mảng khác nhau. Nhạc Việt vì thế mà cũng chọn hình thức phát triển an toàn: “tấn công” mọi đôi tai, từ dễ dãi đến khó tính. Giới trẻ thủ đô vẫn xem một số phòng trà giải trí là chốn vui chơi của giới sành điệu, và hoạt động sôi nổi nhất của chốn sành điệu này chính là âm nhạc.

Hiện nay, rất khó để khán giả lớn tuổi tìm thấy những ca khúc “vang bóng một thời” được hát trên những sân khấu lớn, lúc này, những tụ điểm âm nhạc nhỏ bé như phòng trà lại chính là nơi người nghe nhạc có chiều sâu tìm thấy những kỷ niệm của họ qua những ca khúc được các nghệ sĩ gạo cội thể hiện. Bên cạnh sự phát triển khó kiểm soát, nhạc phòng trà vẫn duy trì những nét văn hóa nghệ thuật riêng và cần được phát huy.

Góc khuất của nhạc phòng trà

Giới nghệ sĩ cho rằng, nhạc tại các phòng trà giải trí "xem" nhiều hơn là "nghe”. Đây cũng là điểm đến “hái tiền” của nhiều ca sĩ thời thượng. Cũng vì nhu cầu “xem” nhiều hơn nên các ca sĩ biểu diễn tại những phòng trà giải trí cũng “đầu tư” cho hình ảnh nhiều hơn là kỹ thuật?

Có thể nói, không khó để hình dung một vài yếu tố xô bồ đang xâm chiếm âm nhạc diễn ra tại các phòng trà giải trí ngay cả khi bạn chưa từng đặt chân đến đó. Bởi nếu cứ dõi theo các sân khấu ca nhạc lớn thì sẽ thấy, phong cách của ca sĩ trẻ hiện nay, từ âm nhạc, vũ đạo cho đến trang phục đều thể hiện sự “táo bạo” như thế nào.

Nếu phải “mổ xẻ” rõ ràng khái niệm nhạc phòng trà thì sẽ là: nhạc là chính hay trà là chính? Thậm chí, người ta có thể suy luận rằng, nhạc chỉ là yếu tố phụ họa cho trà. Quan niệm này khiến nhạc phòng trà chưa bao giờ dám mơ tới yếu tố đẳng cấp, mà chỉ có thể được chấp nhận dưới hình thức làm tăng “gia vị” cho những tụ điểm đang có nhu cầu hút khách.

Đó là cách nhìn của công chúng, còn đối với những nghệ sĩ đã và đang hoạt động tại các phòng trà, họ cảm nhận như thế nào? Thực tế là có nhiều ca sĩ chạy sô phòng trà còn nhiều hơn cả chạy sô sân khấu chính.

Thật khó để xác định rằng, trong số họ, có những ai gắn bó với ánh sáng huyền ảo phòng trà vì nghiệp cầm ca, ai trong số họ vì cuộc sống, vì cơm áo gạo tiền... Tất cả đều tạo nên những mảng màu riêng, nét hấp dẫn riêng và cả những hệ lụy về văn hóa nhạc phòng trà hiện nay.

Nếu như sân khấu ca nhạc chính thống thể hiện sự muôn màu muôn vẻ thì sân khấu nhạc phòng trà cũng thể hiện mảng sáng - tối. Vài năm gần đây, giữa không gian sôi động ở quán bar, phòng trà đã xuất hiện những làn điệu chèo hòa quyện với hơi thở âm nhạc hiện đại. Nhưng việc âm nhạc truyền thống xuất hiện ở những chốn xô bồ như thế này liệu có ổn?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.