Chuyện tình nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm

GD&TĐ - Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sáng tác không nhiều, nhưng hầu hết những ca khúc của ông đều được hát khá rộng rãi với nhiều đồng cảm, sẻ chia của người nghe. Ấy bởi vì, trong âm nhạc của ông, bài trước bài sau, ít nhiều đều phảng phất hình bóng mối tình đầu không thành, như một day dứt khó nguôi phai. Ông thú nhận, cả khi đã có một người vợ hiền đúng nghĩa, bóng hình kia vẫn cứ ám ảnh mình mãi không thôi…

Chuyện tình nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm

“Tôi không còn yêu em nữa”

Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1-1-1940 tại Phan Rang (Ninh Thuận). Thuở nhỏ, gia đình thuộc hạng khá giả, ông được học trường Tây, ở nội trú. Nhưng do quá mê đàn hát, ông học chểnh mảng, bị cha đuổi ra khỏi nhà. Thế nhưng, sự đam mê đàn hát trong ông không hề sứt mẻ. Một người bạn của ông đã nhường cho ông một chỗ làm trong một trường nhạc để ông có thể sống tự lập. Từ lần đầu nhìn thấy cây đàn dương cầm, tôi lúc đó 17 tuổi, lập tức bị mê hoặc trước tạo vật hoàn thiện đến vậy. Từ cung bậc cho đến cấu trúc, đẹp hoàn mỹ. Tôi thán phục người nào chế ra cây đàn hoàn hảo đến vậy, như một khí cụ tuyệt mỹ và đắc dụng mà tôi về sau sẽ bỏ cả đời để tự trau luyện đặng sử dụng thuần thục nhất, nói lên nỗi lòng mình bằng thứ xúc cảm vô ngôn”, ông kể về mối đam mê đầu đời của mình.

Năm 18 tuổi, Nguyễn Ánh 9 gặp và yêu một cô gái trẻ. Người ta bảo mối tình đầu thường qua nhanh, nhưng với ông, nó thực sâu đậm, đến nỗi ông và cô gái ấy đã hứa hẹn sẽ sống bên nhau mãi mãi. Cả nghệ danh Nguyễn Ánh 9 là cũng do cô góp ý cho ông. “Khi tôi muốn có một nghệ danh, thấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của vua Gia Long. Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9”. Cuộc tình đẹp thế, nồng nàn thế, song gia đình cô gái không muốn chọn rể là một anh nghệ sĩ chơi đàn lang bạt, nên tìm cách can ngăn. Can ngăn không được, họ không ngại tạo “tiếng xấu” cho con mình hòng khiến Nguyễn Ánh 9 thất vọng mà bỏ đi. Mà đúng thế thật. Nguyễn Ánh 9 cứ ngỡ người yêu phản bội mình nên đau khổ không muốn gặp, trong khi thực ra cô gái được cho đi qua Pháp học. “Sau này, khi tôi đã có vợ con, chúng tôi gặp lại nhau thì mới vỡ lẽ rằng, trước đây, cô ấy bị bố mẹ giấu hết thư và không cho liên lạc với tôi. Đến bây giờ, cô ấy vẫn sống một mình với dư âm mối tình đầu”, ông kể lại.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong ngày cưới
 Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong ngày cưới

Nhưng thuở ấy ông chưa viết nhạc mà chỉ chơi đàn ở các phòng trà, quán bar. Năm 1970, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly được mời sang Nhật biểu diễn. Người ta cũng mời Nguyễn Ánh 9 trong vai trò là một nhạc công đệm đàn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc ấy đang phải trốn lính (chế độ Sài Gòn cũ) nên không làm được giấy tờ để tham dự. Sang Nhật, vắng Trịnh Công Sơn, ban tổ chức yêu cầu Nguyễn Ánh 9 không chơi piano mà phải chơi guitar cho đúng kiểu nhạc Trịnh. Dịp đó, tại khách sạn, ca sĩ Khánh Ly có hỏi ông một câu về mối quan hệ với người cũ, “còn yêu người ta không?”, ông bức xúc nói luôn một tràng “không, không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa”. Khánh Ly cười khúc khích, “thành nhạc rồi đó”, thế là ngay hôm đó ca khúc Không ra đời. Bài hát đầu tay ấy của ông không ngờ nổi tiếng rất nhanh:

Không! Không!

Tôi không còn yêu em nữa

Không! Không!

Tôi không còn yêu em nữa

Không! Không!

Tôi không còn yêu em nữa em ơi

….

Tình mình có nghĩa gì đâu

Tình mình đã lắm thương đau

Tình mình gian dối cho nhau

Thôi đành hẹn lại kiếp sau…

Chính ca khúc đó đã tạo nhiều cảm hứng để cho ông sáng tác thêm những ca khúc mới lần lượt như Đêm nay ai đưa em về, Một lời cuối cho em, Chia phôi, Không 2, Trọn kiếp đơn côi ... vào những năm tiếp theo, bài nào cũng được đón nhận nồng nhiệt.

Năm 1974, Nguyễn Ánh 9 và “cố nhân” gặp lại nhau. Khi biết ra sự thật cô ấy vẫn yêu mình và vẫn sống độc thân, Nguyễn Ánh 9 có chút ân hận khi bài Không đã lan tỏa rộng rãi, có thể làm đau lòng người cũ, nhưng cô vẫn không tỏ ra oán trách gì ông, lại còn tự nhận lỗi về mình. Ông kể: “Tôi yêu cuộc tình ấy, bởi nó nên thơ quá đỗi. Cái thời thiếu niên tinh khôi như mới, cả nỗi buồn và sự mất mát cũng mang cái đẹp đầu đời. Nói rằng tôi yêu người tình cho đến tận ngày nay cũng vừa đúng vừa sai. Bởi tôi nhớ như in giọng nói, tôi nhớ cách nàng luôn ân cần hướng về tôi, tôi nhớ tà khăn nàng quấn, nhớ cả cặp bông tai nàng chọn đeo làm đẹp mắt tôi. Tôi nuôi dưỡng hình ảnh đó, cuộc tình đó, rồi tôi nâng niu trân quý đặt vào một góc thiêng liêng trong tim, để không điều gì, kể cả thời gian, chạm được đến mà thay đổi điều đẹp đẽ chí tôn ấy trong lòng”.

Quà sinh nhật nhớ đời

Năm 1965, Nguyễn Ánh 9 lập gia đình với một phụ nữ tuyệt vời. Qua đó, ông tin rằng những giông bão của mối tình đầu sẽ ngủ yên. Ông kể: “ Hồi đó tôi 25 tuổi khi cưới bà. Tôi tìm đến bà vì bà cũng là một nghệ sĩ, một người bạn tốt để dựa đời nhau. Cũng có chút phản kháng đắng cay trong tôi, khi tôi quyết không thương cô nào thuộc gia đình thượng lưu hay trí thức nữa, để cho họ thấy chúng tôi xướng ca mà không vô loài, rằng chúng tôi, những người nghệ sĩ đến với nhau vì cảm thông thấu hiểu, sẽ ở được với nhau trọn vẹn cuộc phu phụ chứ không như người đời chê bôi”. Vợ ông vốn là một nghệ sĩ cabare (nhảy thiết hài). Nguyễn Ánh 9 kể: “Tôi gặp cô ấy khi đến học nhảy thiết hài. Anh trai cô ấy là vũ sư rất nổi tiếng. Lúc đó, cô ấy 20 tuổi, xinh lắm. Trước nhà cô có tiệm pizza, tôi tối ngày đến đó chơi nhạc, kiếm cớ ngắm cô ấy đi ra đi vào, rồi kiếm cớ vào nhà gặp anh cô xin bài múa. Cô ấy thấy một anh nhạc công nho nhỏ, đẹp trai nên cũng xuôi lòng”. Ngày cưới, không có tiền, nhưng ông cũng cố gắng làm lễ thức đàng hoàng. Ban nhạc Phi Luật Tân (Philippines) mà ông là thành viên khi ấy đã tình nguyện chơi không lấy tiền. Hai ông chủ phòng trà nơi ông làm nhạc công cho mượn địa điểm và tài trợ mỗi người 20 nghìn đồng. Thành thử đám cưới thật tươm tất. Khi về với ông, biết Nguyễn Ánh 9 vẫn còn vấn vương người tình cũ, nhưng vợ ông không bao giờ hé miệng trách lấy một lời. Bà tự biết mình là người tới sau, nếu không nồng cháy như một người tình thì cũng ấm áp như một tri kỷ của ông. Và Nguyễn Ánh 9 cũng nhận ra điều đó. Nhiều bài hát của ông, bà biết không phải là viết cho mình, nhưng cũng vẫn lắng nghe và sẵn sàng góp ý. Có lần ông viết ca khúc buồn Lặng lẽ tiếng dương cầm, trong đó có câu: “Giờ đây, một tiếng đàn trong đêm, một nỗi buồn không tên, một tình yêu tôi đã quên”. Nghe thế, bà bảo: “Anh viết chữ "một tình yêu tôi đã quên" dở lắm, dối lắm, nên sửa lại là “một tình yêu đâu dễ quên” thì thành thực hơn.

Mỗi năm, vào sinh nhật vợ, Nguyễn Ánh 9 luôn mua tặng vợ một món quà, dù lớn hay nhỏ. Năm 1991, không có tiền mua quà, ông viết bài hát Chuyện chúng mình, diễn tả đời mình lênh đênh như con thuyền, bỏ bến đi chơi nhưng ra ngoài bị sóng gió vùi dập tơi bời rồi lại quay về bến… Ông nhờ người con thu bài hát vào băng cát-xét mang về tặng vợ. Bà nói đó là món quà quý nhất mà bà nhận được trong đời. Ông cảm động nói: “Em giữ, đừng phổ biến bản nhạc này, bởi lần duy nhất anh dành tặng bài này cho em”. Sau này, khoe với nhà báo, ông nói thêm: “Hãy cứ để cho một lần, dù ít ỏi, tôi dành cho vợ tôi một điều duy nhất có ý nghĩa”.Từ sau khi cưới, vợ ông chẳng mấy khi ra khỏi nhà, chỉ chuyên tâm vào việc chăm sóc chồng con. Bà không bao giờ tới chỗ ông làm, dù ông năn nỉ cách mấy. Bà bảo, khi chồng mình đàn, mình ngồi chơi nhìn kỳ lắm. Ngược lại, về phía mình, Nguyễn Ánh 9 bảo, ông luôn cố gắng tránh cho bà khỏi những tổn thương vì một hình bóng cũ của riêng mình. Ông cho biết: “Suốt mấy chục năm sống bên tôi, bà ấy chưa bao giờ thố lộ rằng bà khắc khoải nhớ thương sân khấu biết chừng nào. Có đôi lần tôi mời bà theo tôi tới chỗ làm, coi tôi diễn đờn, bà ấy chối từ với lí do "lẽ nào mình ngồi chơi khi chồng mình làm việc". Sau này tôi nghĩ, có lẽ bà chỉ muốn tránh thương nhớ ánh đèn sân khấu về đêm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Ukraine ở hậu cứ theo hướng Pokrovsk, vùng Donetsk. Ảnh: Getty Images.

Báo Anh: Hầu hết binh lính mất tinh thần

GD&TĐ - Quân đội Ukraine ngày càng cởi mở hơn với viễn cảnh nhượng bộ lãnh thổ và ngừng bắn trong bối cảnh tinh thần sa sút và áp lực ngày càng tăng.